Buổi phát thanh trực tiếp chương trình Âm nhạc và đời sống vào 17h05 chủ nhật hàng tuần số đầu tiên tại phòng thu lớn 58 Quán Sứ, Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 58 năm thành lập đài Tiếng nói Việt Nam,(7/9/1945 - 7/9/2003) kết thúc với bài hát Đất nước tôi của nhạc sĩ Trần Chung. Thế mà Trần Chung đã ra đi được tròn một năm. Các đồng nghiệp của ông ngồi trong phòng thu Lớn lại nhớ đến người nhạc sĩ nhỏ nhắn, sôi nổi và đáng mến này...
Nhạc sĩ Trần Chung, sinh ngày 1/12/1927 ở thành phố biển Hải Phòng (quê Lý Nhân, Hà Nam), ngay từ nhỏ ông đã yêu ca hát, ông đến với âm nhạc qua con đường tự học. Những bước đi ban đầu đến với âm nhạc, ông được nhạc sĩ Hoàng Quý - người khởi xướng nhóm "Đồng vọng" dìu dắt. Hải Phòng thương cảng lớn của nước ta; cùng những hàng hoá từ nước ngoài chuyển vào phục vụ đội quân viễn chinh của thực dân Pháp, dòng nhạc "Tân nhạc" mới mẻ, sôi động cũng qua ngả này vào nước ta. Những giai điệu trữ tình của Tino Rosi, của nhạc sĩ Văn Cao, Hoàng Quý, Lê Thương, Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát... đã có ảnh hưởng lớn đến tâm hồn ông. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, chàng thanh niên 18 tuổi Trần Chung hăng hái nhập ngũ. Vốn có giọng ca trong sáng và chữ viết rất đẹp, được điều về làm văn phòng. Rồi một lần bị ốm nặng được đơn vị cho về gia đình điều trị, khỏi ốm, Trần Chung bị địch phát hiện và bắt giam cùng một ngục thất với ca sĩ Kim Tiêu - con chim sơn ca lừng lẫy một thời tiền chiến. Trong tù, hai chàng ca sĩ suốt ngày hát các bài ca từ lãng mạn đến những bài ca cách mạng... Khi Hải Phòng giải phóng Trần Chung mới được cứu thoát.
Sau đó Trần Chung tham gia phong trào ca hát đoàn "Bồ câu trắng" của thành phố Cảng. Năm 1956, nhân một chuyến về Hải Phòng thực hiện chương trình thu thanh Ca hát quần chúng của đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Hồ Bắc đã phát hiện giọng hát nam cao Trần Chung, ông được chuyển về làm ca sĩ trong dàn nhạc Đài. Là ca sĩ nhưng ông say mê học hỏi sáng tác. Mùa xuân năm 1957 cùng bạn bè đạp xe sang dự Hội Lim, những âm điệu Quan họ Bắc Ninh đã chinh phục ông ngay từ lần nghe đầu tiên. Nhân đọc bài thơ "Hoa lúa" của nhà thơ nổi tiếng Hữu Loan, ông đã dựa ý bài thơ này, phổ nhạc thành bài hát đầu tay của mình "Cô gái hội Lim". Khi phát trên Đài tiếng nói Việt Nam được đông đảo bạn nghe đài yêu thích, đề nghị phát lại nhiều lần. Năm 1958 khi các nước Trung Đông vừa đấu tranh giành độc lập thắng lợi, lãnh đạo Đài gợi ý: "Anh em nhạc sĩ hãy sáng tác chào mừng thắng lợi của các nước bạn". Trần Chung có ngay bài "Kỵ binh Irag" sôi động, lạc quan, thấp thoáng tiếng lục lạc lạc đà, tiếng gươm khua đậm đã âm hưởng Trung Đông, dù ông chỉ biết Trung Đông xa xôi qua sách báo, qua bản giao hưởng nổi tiếng Phiên chợ Ba Tư..."
Những thành công bước đầu đã khích lệ Trần Chung trên con đường biểu diễn và sáng tác, khi đoàn ca nhạc lên Sa Pa biểu diễn, ông đực gặp các khán giả rất yêu âm nhạc là những người "lính" địa chất, được nghe họ kể về những gian truân vất vả của người đi "Tìm tài nguyên làm giàu cho tổ quốc", ông đã xúc động sáng tác bài hát Ánh lửa trong rừng, một sáng tác được nhiều thế hệ người làm công tác địa chất yêu thích. Bài hát là bước ngoặt trong sự nghiệp của ông: từ một ca sĩ hát giọng cao chuyển sang làm biên tập viên chương trình "Khắp nơi ca hát". Là người say mê công việc, ông đi khắp mọi miền đất nước, gặp gỡ các đội văn nghệ không chuyên, hướng dẫn, thu thanh các chương trình. Và cũng không quên một công việc mà ông yêu thích: sáng tác. Bạn bè đồng nghiệp thường đùa ông là nhạc sĩ "Công - Nông - Lâm - Thương", bởi ông sáng tác nhiều đề tài trong các lĩnh vực của cuộc sống. Các tác phẩm của ông đều có những giai điệu đẹp, ca từ gợi cảm.
Ông luôn tâm niệm "Muốn có tác phẩm hay, mang hơi thở cuộc sống, người nghệ sĩ không thể ngồi trong phòng kín mà sáng tác được". Những lần đi cơ sở là một lần ông tìm cảm hứng cho sáng tác, vốn có giọng hát hay, ông hát cho quần chúng nghe, và lắng nghe mọi người góp ý bài hát của mình. Ông kể về lần lên nông trường Tam Đảo, ông giám đốc nông trường mới nhậm chức, có mời Trần Chung và mấy nhạc sĩ lên thăm nông trường. Ông giám đốc tâm sự "Nông trường có nhiều khó khăn quá, có nhiều anh em muốn bỏ nông trường đi nơi khác; bên canh việc sắp xếp tổ chức công việc, tôi nhờ các anh sáng tác cho những bài hát hay để phục vụ CBCNV gắn bó với nông trường". Trần Chung đi khắp nơi, gặp gỡ nhiều người và tình cờ một buổi chiều, khi những ánh nắng cuối ngày dần tắt trên cánh đồng, chợt nghe đâu đó vọng lên tiếng đàn guitar gợi hứng cho ông sáng tác bài hát Tình yêu nông trường. Với nhịp 3/4 chầm chậm, giai điệu dịu dàng lan toả vào tâm hồn con người. Buổi chia tay, ông nói với giám đốc nông trường rằng chúng tôi đã làm những bài hát được CNV nông trường yêu thích rồi, việc của các anh là phải làm sao nông trường viên có đời sống tốt hơn để họ luôn gắn bó với nông trường". Ông sống giản dị, chân thành, hàng ngày lóc cóc đạp chiếc xe đạp cũ từ phố Hàng Điếu đến 58 Quán Sứ. Cho đến khi về nghỉ hưu ông cũng chỉ được hưởng một bậc lương rất khiêm tốn, nhưng chưa thấy ông kêu ca nửa lời, tâm hồn của ông hình như dành trọn vẹn cho âm nhạc.
1999 là năm ông có nhiều niềm vui: Đài tiếng nói Việt Nam cùng Binh đoànTrường Sơn tổ chức cuộc Bình chọn bài hát hay về Trường Sơn; trong 10 bài được bình chọn ông có hai bài: trong đó Đêm Trường Sơn nhớ Bác phổ thơ Nguyễn Trung Thu đứng đầu danh sách, và bài Bài ca Trường Sơn -phổ thơ Gia Dũng. Rồi đài tiếng nói Nhân dân TP. HCM công bố kết quả 30 ca khúc được bình chọn của chương trình Còn mãi những bài ca bài hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác lại lọt vào trong danh sách này. Giải thưởng Nhà nước về nghệ thuật lần đầu trong 40 nhạc sĩ có tên ông với các ca khúc tiêu biểu (ngoài hai bài hát trên) còn có các bài hát Chiều biên giới, Tiếng gọi sông Đà, Mùa xuân đến rồi đó.
Nhiều ca khúc của ông được chọn làm nhạc hiệu của đài khắp các miền đất nước: Mùa xuân trên thành phố dệt - Nam Định, Qua cầu sông Thương - Bắc Ninh, Khúc ca Hà Sơn Bình - Hà Tây...mà mỗi lần vang lên ta lại như thấy ông - nhạc sĩ Trần Chung như đang có mặt trên cuộc đời này.
|