Lễ khai mạc SEA Games 22 sẽ có nhiều màn trình diễn rất mới
08:25' 12/09/2003 (GMT+7)
NSND Chu Thuý Quỳnh.

Việc tập luyện các tiết mục trong chương trình nghệ thuật cho Lễ khai mạc SEA Games 22 lẽ ra phải được thực hiện từ đầu tháng 6/2003, nhưng trên thực tế mới chỉ bắt đầu hôm 5/9. Sở dĩ có sự chậm trễ này là do kịch bản chưa được sự đồng tình nên phải sửa lại. Đảm nhiệm vai trò Tổng đạo diễn là NSND Chu Thuý Quỳnh. Bà có cuộc trao đổi xung quanh kịch bản và công tác dàn dựng.

- Thưa NSND Chu Thuý Quỳnh, kịch bản chính thức của SEA Games 22 có gì khác so với trước?

- Về cơ bản không có gì thay đổi. Kịch bản gồm 3 chương. Chương 1 có tên Đất rồng tiên; Chương 2 trước đây có tên Hà Nội - Thành phố vì hòa bình thì nay đổi lại: Thông điệp hòa bình; Chương 3: ASEAN đoàn kết hướng tới tương lai và phát triển. Chúng tôi xây dựng kịch bản trên tinh thần một đại hội thể dục thể thao mang tầm cỡ quốc tế, đây còn là một cuộc hội tụ về văn hóa. Vì vậy lễ khai mạc không phải một cuộc trình diễn những trích đoạn hay những vở diễn nhỏ mà các lễ kỷ niệm của ta thường làm, mà phải là một chương trình nghệ thuật hoành tráng, đậm đà màu sắc dân tộc các nước ASEAN.

- Bà có thể nói cụ thể hơn?

- Trong chương 1 chúng tôi muốn thể hiện quá trình sinh thành và phát triển của con người qua các thời kỳ lịch sử. Cuộc sinh thành đó là sự kết giao của trời - đất - lửa - nước. Kết thúc chương 1 là cuộc sống thanh bình của con người với những cánh đồng vàng rực rõ, những khối người xếp thành dải đất Việt Nam được bao bọc bởi những cánh rừng và đồng lúa. Bên trong dải đất hình chữ S là những người con Việt Nam trong trang phục 54 dân tộc. Trong chương 2 chúng tôi thể hiện hình tượng vua Lê trả gươm cho thần Kim Quy, sẽ dụng kỹ thuật hình ảnh xử lý thanh gươm bay vút lên bầu trời để thể hiện khát vọng hoà bình của Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Kết thúc chương 2, hình ảnh Khuê Văn Các tượng trưng trí tuệ Việt Nam sẽ được tạo hình dưới sân vận động và xuất hiện trên màn hình, cùng lúc đó 200 con bồ câu trắng sẽ bay lên trời mang theo thông điệp hòa bình của đại hội. Chương 3 là chốt chính của chương trình. Tôi có thể tiết lộ chương này sẽ rất hấp dẫn và sôi động. Màn kết của chương này, các bạn ASEAN cùng hoà chung trong ngôi nhà dân tộc Việt Nam được thể hiện bằng một bức tranh hoành tráng (do các vận động viên tạo hình), và bài hát Vì một thế giới ngày mai cất lên như một tiếng nói chính thức của đại hội. Pháo hoa sẽ được bắn lên trong không khí tưng bừng của lễ hội.

- Thưa bà, còn Lễ bế mạc thì như thế nào?

- Chủ đề của Lễ bế mạc là Chúc mừng thắng lợi SEA Games 22 và chia tay. Bài hát chính thức của SEA Games 22 sẽ mở đầu lễ bế mạc do dàn hợp xướng và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thể hiện, tiếp đó là bản nhạc Chào thiên niên kỷ mới của nhạc sĩ Trọng Bằng. Các ca sĩ Việt Nam sẽ hát các bài hát của từng nước ASEAN. Khoảng hơn 1.000 người sẽ biểu diễn trên sân khấu và trên sân vận động. Đoàn Philippines sẽ đón cờ SEA Games 23, và họ sẽ cùng biểu diễn một số tiết mục nghệ thuật với chúng ta. Có nhiều màn trình diễn rất mới nhưng cho phép tôi chưa tiết lộ để dành cho khán giả thưởng thức. Kết thúc Lễ bế mạc, các vận động viên Việt Nam sẽ tỏa di tặng nón bài thơ cho các vận động viên ASEAN và cùng nhau hát bài chia tay Người ơi người ở đừng về. Sau khi bắn pháo hoa, 11 con rồng mang theo lá cờ của các thành viên ASEAN sẽ bay lên trời.

- Giữa ý tưởng và sự thể hiện là cả một khoảng cách, bà có lo ngại điều đó không?

- Đó là điều mà tất cả các đạo diễn các chương trình nghệ thuật lớn đều lo ngại, lần này với sự hỗ trợ của kỹ thuật hình ảnh và ánh sáng, chúng tôi sẽ cố gắng không để "hở" những khoảng trống trong chương trình. Đặc biệt, hỗ trợ cho tôi còn có 3 phó tổng đạo diễn là NSND Ứng Duy Thịnh, NSƯT Vũ Hoài, TS giáo dục Kim Xuân. Tổ đạo diễn gồm NSND Công Nhạc, NSƯT Văn Quang, NSƯT Lê Ngọc Cường và 10 biên đạo múa rất trẻ. Tôi không chủ quan khi nói rằng các biên đạo trẻ sẽ đem lại những cảm nhận rất tươi mới cho khán giả.

(Theo Thanh Niên)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Anh hùng xạ điêu'' gánh quá nhiều quảng cáo (11/09/2003)
Paul Simon và Art Garfunkel lưu diễn sau 10 năm gián đoạn (11/09/2003)
''Trộm cắp tượng Phật hình như rất dễ?" (11/09/2003)
Vui Trung thu với NSƯT Hồng Kỳ (15/09/2003)
Trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam tại Bỉ (11/09/2003)
Múa cổ Kathak ra mắt khán giả Hà Nội (11/09/2003)
Làm phim về vụ đánh bom khủng bố trên đảo Bali, Indonesia (11/09/2003)
Việt Nam tham dự Liên hoan âm nhạc châu Á (10/09/2003)
"Sẽ mang tâm hồn và giọng điệu Việt Nam" (10/09/2003)
Đại hợp xướng 'Carmina Burana' sẽ ngân vang trên đất Việt (10/09/2003)
Chương trình Rối đặc biệt nhân dịp Trung thu (10/09/2003)
Sẽ hình thành trung tâm VH-DL Văn Miếu-Quốc Tử Giám (10/09/2003)
Mỹ Linh được mời vào BGK Tiếng hát truyền hình TP.HCM 2003 (10/09/2003)
Ca sĩ Thanh Lam '' vẫn mong có một tình yêu vô điều kiện'' (10/09/2003)
Nhiều ngôi sao điện ảnh tham dự Lễ khai mạc LHP Toronto (09/09/2003)
Tro ve dau trang