|
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. |
Mang chủ đề "Hòa bình - Tình yêu - Khát vọng", Para Games II, với biểu tượng hai bàn tay siết chặt, sẽ khai mạc một tuần sau SEA Games 22, tháng 12 tới. Người được giao trọng trách Tổng đạo diễn phần hội, lễ khai mạc và bế mạc Para Games II, nhạc sĩ Phó Đức Phương, nói về công việc của mình.
- Thưa nhạc sĩ, trọng trách Tổng đạo diễn Para Games II đến với ông như thế nào?
- Cơ hội đến khá ngẫu nhiên. Tổng thư ký Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam kiêm trưởng tiểu ban nội dung thi đấu của Para Games II, ông Vũ Thế Phiệt, là chỗ bạn bè, mời tôi, biên đạo múa Danh Long và vài nghệ sĩ nữa đến bàn về việc tổ chức khai mạc Para Games II. Tôi đưa ra nhiều ý kiến với tinh thần vô tư, đầy trách nhiệm. Ông Phiệt tín nhiệm và giao "miệng" cho tôi làm tổng đạo diễn từ bốn tháng nay và chính thức có quyết định từ đầu tháng 8. Hiện tại chiều thứ sáu hàng tuần, đều có cuộc họp của tổ đạo diễn và nhóm thực hiện tại UBND TP. Hà Nội - chủ trì là Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban tổ chức Para Games II cùng ông Hoàng Vĩnh Giang, Trưởng tiểu ban tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Para Games II.
- Và biên kịch Nguyễn Khắc Phục, biên đạo múa Danh Long đều trong ê-kíp làm lễ hội 350 năm Khánh Hòa. Ông chọn các cộng sự, vì lý do gì là chính mối quen thân... hay quen việc?
- Vì sự vững nghề, uy tín, tính "thiện chiến" và đồng cảm. Lễ hội 350 năm Khánh Hòa cũng "liên quan đến việc tôi và Nguyễn Khắc Phục gặp nhau ở Para Games II như mối tương giao. Phục mời tôi viết ca khúc về Khánh Hòa và tôi nhờ Phục viết kịch bản phần hội Para Games II, có 10 ngày chạy đua để hai bên trao "hợp đồng". Tôi viết Ta nghe Nha Trang cho Trọng Tấn, Phương Anh, nhóm Con gái và ban nhạc Bạn Bè thể hiện, còn Phục thì đưa kịch bản vào đầu tháng tư. Tổ đạo diễn của chúng tôi còn có Phó tổng đạo diễn Danh Long, Đỗ Tiến Định; trợ lý Vũ Hải, Đức Trịnh, Xuân Thủy.
- Phần hội 45 phút của Para Games II được thực hiện như thế nào?
- Tổ chức trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, phần hội của Para Games lần này sẽ mang bản sắc Việt Nam, thể hiện qua âm nhạc, thiết kế và vũ đạo, trong đó âm nhạc là hồn cốt. Para Games II có năm môn thi đấu, thì phần hội Para Games II cũng có năm chương, sử dụng 3.300 diễn viên, trong đó có 500 người khuyết tật. Chiếm thời lượng dài nhất, 18 phút, là chương 1 Những đứa con của Đất nước với điệu múa rồng cổ truyền về những con rồng châu Á. Xuyên suốt lễ hội là âm nhạc giao hưởng (Dàn Nhạc giao hưởng, Nhạc viện Hà Nội) và dàn hợp xướng 500 người. Nhạc chương 1 do tôi và Trọng Đài đảm nhiệm. Chương 2, Thử thách (âm nhạc Nguyễn Cường), được thể hiện với đèn laser, các thiết bị âm thanh và ánh sáng hiện đại... Chương 3 Chào người anh em - Sức mạnh của trái tim (âm nhạc Trương Ngọc Ninh) thể hiện sự hợp lưu, đoàn kết của các dân tộc trong khu vực, phô diễn vẻ đẹp và sức mạnh trong tinh thần thể thao và bản lĩnh sống. Chương 4 Khát vọng của chúng ta sẽ có một hình tượng quan trọng là một nữ ca sĩ (trong "vai" một vận động viên khuyết tật) ngồi hát trên mô hình một chiếc xe lăn (đặt trên một chiếc xe tải nhỏ), với màn phụ họa của 500 xe lăn bao quanh, thể hiện nỗi thao thức tìm đến mục đích thực sự của cuộc đời ở đoạn cao trào của bài hát, cô ca sĩ "khuyết tật" sẽ vụt đứng lên, hát mạnh mẽ và da diết và cùng lúc đó, dàn động cơ thủy lực nâng cô lên cao. Nhạc chương này do tôi viết. Tại Chương 5 Cao hơn và đẹp hơn (âm nhạc Đức Trịnh), sẽ có 509 em thiếu nhi xếp thành chữ Para Games II.
- Có phải bởi ông là nhạc sĩ nên trong phần hội của Para Games II lần này, âm nhạc đặc biệt được chú trọng? Ông đã tham khảo các lễ hội các nước để tạo ra lễ hội mang bản sắc Việt Nam thế nào?
- Âm nhạc tạo hiệu ứng cộng hưởng cao, là linh hồn của múa - mà múa lại là sự vận chuyển chính yếu của lễ hội. Nhạc của lễ hội này được thể hiện bằng dàn nhạc giao hưởng, toát lên tinh thần Việt Nam qua tâm hồn và giọng điệu âm nhạc, đồng thời vẫn có nét nhạc của từng nước tham gia Para Games II. Tôi đã xem nhiều băng về các lễ hội âm nhạc, thể thao... để rút kinh nghiệm.
- Tạo một lễ hội hoành tráng chắc hẳn việc huy động nhân lực và chọn ca sĩ là công việc vất vả nhất?
- Kịch bản của Nguyễn Khắc Phục thực sự đã gây hưng phấn cảm xúc cho những người thực hiện. Sự hoành tráng luôn gây ấn tượng về tính chuyên nghiệp, quy mô. Để đạt được điều đó chúng tôi phải huy động diễn viên của các đoàn nghệ thuật T.Ư và Hà Nội, trường Múa, Xiếc, Thể dục Thể thao, Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội. Nan giải nhất hiện nay là việc chọn ca sĩ cho biểu tượng quan trọng kia. Không chỉ có giọng hay, nhan sắc ưa nhìn, vóc dáng khỏe khoắn, biết diễn truyền cảm, cô ấy còn cần có một cốt cách, nhân thân tốt. Ban chỉ đạo và Ban tổ chức không chấp nhận nếu đó là một "sao" nhưng nhiều scandal để được tôn vinh trong đại hội thể thao đề cao nghị lực, khát vọng, tinh thần thượng võ. Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa quyết định được đó là ca sĩ nào. Đây là chuyện khó hơn cả chỉ huy hơn ba nghìn "quân" trên sân.
- Ở tuổi 59, ông nhận một việc lớn như vậy, lần đầu tiên làm, lại nhiều phức tạp khó khăn, sức khỏe và tinh thần của ông đủ mạnh để thành công chứ?
- Tinh thần, rất hăng say, hiểu việc và hết lòng cống hiến. Về sức khỏe, bác sĩ mới khám tổng quát cho tôi và ông ấy nói một cách ngạc nhiên: "Ông khỏe như thanh niên mới lớn".
(Theo TTVH) |