(VietNamNet) - ''Trúng rồi… trúng rồi'', những tiếng hô vang dậy không ngớt của 15.000 khán giả trên sân vận động Đồ Sơn khi trâu của nhà ông Hoàng Gia Quý (số 9) chọc được mũi sừng vào hầu trâu nhà ông Hoàng Xuân Mỹ (số 5). Trên nền sân lầy tung như bị cầy lên, hai “ông trâu” đang đấu đầu dưới trời mưa tầm tã, trong "khuôn khổ" hội chọi trâu Đồ Sơn 2003.
Bằng một cú móc mắt quyết định trâu nhà ông Mỹ đã chọc được vào mắt trâu nhà ông Quý, con trâu mộng cỡ 4 tạ đang hung dữ là vậy đã không chịu nổi đòn quay đầu chạy, do choáng quá, nó đã lao vào hàng rào bằng sắt ống nước, và với tư thế “kéo cày”, nó kéo cả đoạn 30m hàng rào đến giữa sân khiến cả Ban tổ chức và người dân chạy dạt.
Đó mới chỉ là 1 đôi trong 8 cặp được chọn vào vòng chung kết lần này. 8 cặp đấu loại trực tiếp để chọn trâu vào tứ kết, 4 trâu đó lại đấu trực tiếp để chọn 2 cặp bán kết. 2 cặp lại đấu để vào chung kết.
Vừa thể thao, vừa tâm linh
Sân vận động Đồ Sơn đêm 4/9 (8/8 âm lịch) im phăng phắc. Giữa sân, vài người đang sì sụp khấn vái, nhang khói nghi ngút, vàng mã bập bùng. Ông Nguyễn Văn Lâm, thôn Văn Hương, có trâu chọi sáng nay đang khấn mong sao trâu nhà mình thắng trận. Quanh mâm đồ thờ nhà ông Lâm bỗng chốc trở thành cuộc đàm đạo về trâu, ông kể, trâu nhà ông mua từ miền núi về, sau khi đưa lên đình để lễ, trâu đã thành “ông trâu”. Sau đó trâu được nuôi theo chế độ đặc biệt với dinh dưỡng cao và không phải cày ruộng… Khi trâu chọi xong sẽ được giết thịt để tế.
Ông Hùng, trưởng phòng văn hóa thị xã Đồ Sơn có mặt trong cuộc đàm đạo đêm trước ngày thi đấu hào hứng kể: Trâu trước khi thi đấu đã được tập luyện rất nhiều, trong đó có các bài làm quen với đám đông, nghe tiếng trống hội… Trâu sẽ rất béo, có con đường kính cổ lên đến 50cm. Tâm lý của trâu là hết sức quan trọng, có nhiều con sức yếu hơn, vóc dáng nhỏ hơn con khác nhưng nhờ độ lỳ và chịu đòn tốt nên vẫn có thể thắng được.
Trước kia, trâu thường nhỏ nên độ rộng của cặp sừng cho phép trâu chọc cả hai đầu sừng vào mắt đối phương, nhưng nay trâu ngày càng to, các món đòn thường là “Cáng hầu”, “Cáng mắt” hoặc tấn công từ ngang sườn…
“Có cá độ mới vui”
Ông già ngồi cạnh tôi trên khán đài B đã không khỏi khiến nhiều người chú ý bởi thỉnh thoảng ông lại lấy giấy bút ghi ghi chép chép, lúc thì suýt soa, lúc lại vui mừng nhảy cẫng cả lên… Thì ra ông đã đặt cược cho trâu số 4 hai triệu đồng và trâu số 25 ba triệu đồng. Khi con số 4 thua trận, ông bức xúc đến độ tự nói bật ra khỏi miêng: “Con 25 mà thua tiếp thì mất trắng”. Khi trâu số 25 hạ gục đối thủ nhanh chóng, ông đã không kìm nổi đứng bật dậy, miệng liên hồi: “Thắng rồi, thắng rồi”. Tuy nhiên, ông vẫn chưa hòa tiền vì con số 4 ông đánh “bằng phân” còn con số 25 phải chấp 10 ăn 3 vì nó quá mạnh.
Tôi ngỏ ý nhờ ông giúp cho một suất cá độ, ông bảo: “Chú phải xuống đây ít nhất là trước 1 hôm, tìm hiểu từng con trâu xem khả năng của chúng đến đâu, sau đó đến chủ cá độ để chơi thì mới đánh lớn được, có kháp (1 cặp đấu) tiền cá lên đến hàng chục triệu đồng. Tôi đây chỉ chơi ké cho nó vui thôi. Một năm mới có một lần, không có cá độ thì mất vui”.
Trâu chọi, ông chủ lo
Ông Phạm Xuân Long (Long xăng dầu) nổi tiếng cả vùng Đồ Sơn không phải chỉ vì ông kinh doanh xăng dầu giỏi mà cả vì ông chọn và nuôi trâu thi đấu rất “siêu”. Trâu số 25 của ông hôm nay ra trận đã được ông cất công lên Lào Cai tìm cả tháng trời, sau khi mang về, ông đã cho ăn chế độ đặc biệt, thường xuyên gọt sừng và hằng ngày, ông đưa trâu ra bãi biển Đồ Sơn để trâu quen với môi trường nước bởi theo kinh nghiệm của ông, năm nào chọi trâu cũng mưa.
Trong đoàn dẫn trâu ra thi đấu hôm nay ông không thể ngồi trên khán đài. Ông đã xin bằng được Ban tổ chức để được xuống sân tận mắt xem và chỉ đạo trâu của mình. Trâu của ông đã qua vòng đấu loại đầu tiên chỉ sau 2 phút thi đấu, nhưng vòng tứ kết với trâu số 25 của ông quả thật khó khăn. Trâu số 19 tuy nhỏ hơn nhưng quá lỳ khiến trâu ông tấn công mãi không được. Trâu ông đã thua ở vòng tứ kết, nó chạt đâm cả vào hàng rào với tốc độ đến 30km/h, còn ông thì đứng thẫn thờ giữa trời mưa và tiếng hò reo của khán giả cổ vũ trâu số 19 chiến thắng. Thế là công sức hàng năm trời của ông đã tiêu tan.
100.000 đồng một cân thịt trâu chọi
Những người có trâu đi trọi kiêng gọi là mổ thịt trâu mà là “tế”. Sau khi chọi, cả trâu thắng lẫn trâu thua đều được “tế” ngay bên đường. Du khách thập phương có thể dừng lại để mua với giá 100.000 đồng/kg thịt nạc. Những tảng thịt trâu, cả bộ lòng, tấm da… được bày lầy nhầy trên mặt đất đi qua vẫn thấy hơn nóng hầm hập bốc lên.
|