Chiếc nghiên mực bằng đá xanh, với chiều cao toàn thân là 51cm, đường kính chỗ rộng nhất theo chiều dọc là 95cm, theo bề ngang là 70cm vừa được phát hiện tại Việt Nam. Đây là chiếc nghiên lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam từ trước đến nay.
Nghiên mực gồm có 3 ô và 3 chân đều giống hình quả đào bổ dọc. Hai ô nhỏ nằm đối xứng, dùng để đựng và mài mực, có độ sâu 33cm và đường kính miệng rộng 18cm. Các nhà khoa học cũng cho rằng chiếc nghiên có thể được chế tác từ thời hậu Lê.
Chiếc nghiên mực này nguyên là của ông Lê Văn Ư, làng Yên Hoạch, xã Đông Tân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Theo ông Ư, chiếc nghiên có xuất xứ từ vùng Xuân Lan, huyện Thọ Xuân. Năm 1956, ông ngoại ông đã mang chiếc nghiên về lưu giữ tại thôn Bản Thiện, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn. Sau đó ông Ư được thừa kế chiêc nghiên này. Rất tiếc, ông lại vừa bán chiếc nghiên cho một người ở Hà Nội.
(Theo TTXVN) |