Xem "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong"!
15:12' 08/09/2003 (GMT+7)
Một cảnh trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong.

(VietNamNet) - Buổi chiếu ra mắt bộ phim truyện nhựa "Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt với sự tham gia khá đầy đủ của các lãnh đạo ngành VHTT, điều này cũng đã thể hiện phần nào ý nghĩa quan trọng của bộ phim. Nhiều ý kiến cho rằng, còn một số hạn chế đáng tiếc nhưng "Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" đã làm cho khán giả tạm hài lòng, hiểu biết hơn về một quãng đời tuy không dài nhưng đã thể hiện được nhân cách và hình ảnh của Nguyễn Ái Quốc những ngày đầu dẫn dắt Đảng.

Ấn tượng đầu tiên khi xem "Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" trên hệ thống màn ảnh rộng đó chính là những cảnh quay tương đối đẹp và khá quy mô cùng hệ thống âm thanh lập thể - yếu tố mà hiện rất hiếm bộ phim Việt Nam thực hiện được. Diễn xuất của diễn viên chính - theo nhận xét của đạo diễn Khắc Lợi, tuy chưa thật xuất sắc nhưng cũng đủ để người xem cảm nhận rằng đây là cuộc đời thực của những nhân vật sống trong thập niên 30 của thế kỷ trước chứ không phải là các diễn viên đang đảm nhiệm phần việc của mình. Cảnh quay hoành tráng nhất và cũng có thể coi là ấn tượng nhất là cảnh quay cuối cùng khi Nguyễn Ái Quốc được hộ tống về nước. Tâm sự với phóng viên VietNamNet, NSƯT Trần Lực, người vào vai Nguyễn Ái Quốc cho biết anh cũng cảm thấy rất bất ngờ khi xem "Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" trên màn ảnh rộng vì "thấy khác quá". Trước đó, anh mới chỉ được xem phim này một lần trên hệ thống băng video.

Tuy nhiên, bộ phim vẫn vấp phải một số hạn chế cơ bản. Chính NSƯT Trần Lực đã thừa nhận rằng có nhiều cảnh mình còn chưa diễn đạt. Anh cũng tỏ ý "tiếc rẻ" cảnh đến nhà luật sư Loseby và được họ mời thuốc, "giá như không hút thuốc thì hơn". Anh cũng cảm thấy đây là một vai diễn đầy thách thức: "Đây là một bộ phim khắc hoạ chân dung lãnh tụ, hơn nữa đây lại là Bác Hồ nên sẽ rất khó thể hiện. Đó cũng chính là điều khiến tôi cảm thấy căng thẳng, trong quá trình đóng, tôi phải mất hơn 1 tuần luôn luôn bị ức chế nên không cảm thấy không thoải mái lắm khi vào vai. Nhưng sau đó tôi phải tự nhủ với chính mình rằng đây cũng giống như những vai diễn khác và hoàn thành được vai diễn này. Nhưng nếu để ý kỹ thì khán giả sẽ thấy có đôi chỗ tôi diễn hơi cứng một chút".

Đặc biệt, những cảnh có sự tham gia của diễn viên quần chúng còn rất khiên cưỡng và không khác lắm so với những cảnh có nhiều diễn viên quần chúng trong....phim Việt Nam. So với nhiều bộ phim lịch sử được TQ thực hiện trong bối cảnh những năm 30 thì sức thuyết phục còn chưa cao. Đáng chú ý nữa là phần khẩu hình còn có nhiều điểm phải bàn. Có một điều dễ nhận thấy là việc giao tiếp giữa các nhân vật tham gia bộ phim còn có một rào cản khá lớn, tiếng không khớp hình và có vẻ như các diễn viên "cứ y kịch bản mà theo" mà chưa hiểu nhau thực sự. Theo ông Lâm Tê Bình - Phó Giám đốc hãng phim Châu Giang thì bản được trình chiếu trong đêm ra mắt 1/9 là bản quốc tế. Nếu được trình chiếu ở Việt Nam thì sẽ thuyết minh những đoạn thoại tiếng Trung và tiếng Anh ra tiếng Việt, nếu được chiếu ở TQ thì dịch những đoạn thoại tiếng Việt và Anh sang tiếng Trung. Thêm một câu hỏi phải đặt ra nữa là việc lồng tiếng cho nhân vật Nguyễn Ái Quốc, một người con của miền Trung, lại được thực hiện bằng một diễn viên miền Bắc chính hiệu, Công Lý. Như vậy thì có đảm bảo được sức thuyết phục của nhân vật không?

Trong buổi gặp gỡ với báo chí và đoàn làm phim sau khi kết thúc buổi chiếu ra mắt ông Lâm tê Bình cũng đã thừa nhận thách thức khi làm bộ phim này: "Tôi cảm thấy đây là đề tài rất khó làm vì Nguyễn Ái Quốc là một lãnh tụ có nhân cách lớn. Làm sao để câu chuyện chúng tôi phản ánh trên phim thực sự hấp dẫn. Nhưng rất may là chúng tôi đã có kịch bản tốt và hai bên hợp tác rất tận tình. Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu là phải có những cảnh quay đẹp và xem quần chúng có thích và muốn xem bộ phim này hay không. Nếu khán giả không thích thì dù có tinh thần chỉ đạo tốt đến đâu, đề tài tốt đến đâu cũng không thực hiện được. Chính vì vậy, khi thực hiện bộ phim, cả hai đạo diễn rất chú trọng đến việc khắc hoạ hình tượng nhân vật Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh". Ông Lâm Tê Bình cho biết hai bên cũng đang có kế hoạch hợp tác lâu dài nhưng không tiết lộ gì thêm ngoài thông tin hai đoàn làm phim sẽ cùng làm một bộ phim truyền hình dài tập.

"Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" đã tạo được ấn tượng khá tốt tại Việt Nam nhưng khả năng phát hành thu hồi vốn tại Trung Quốc đến đâu thì chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía đại diện của TQ. Bởi nếu so với nhiều bộ phim lịch sử khác của TQ thì "Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" không phải là trường hợp đặc biệt. Hơn nữa, không phải khán giả TQ nào cũng biết đến chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay cả hai diễn viên nữ chính, cô Phương Hâm Dĩnh (vai Lâm Bình) và nghệ sĩ người Đức vào vai vợ luật sư Loseby cũng thừa nhận rằng chưa hiểu và biết nhiều về Bác mà chỉ được biết về vĩ nhân Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc qua sách báo là chủ yếu. Vấn đề đặt ra là hãng phim Châu Giang sẽ có kế hoạch quảng bá bộ phim này đến với khán giả nước mình như thế nào vì việc "quốc tế hoá" một cái tên vẫn chưa đủ (hãng Châu Giang lấy tên bộ phim này là "Thoát hiểm ở Hongkong " khi phát hành tại TQ).

Kế hoạch thực hiện "Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" đã hình thành từ năm 1999 nhưng đến cuối năm 2002 mới bấm máy. Bộ phim được thực hiện trong vòng 2 tháng từ 25/11/2002-25/1/2003 chủ yếu ở Quảng Đông và làm hậu kỳ tại Bắc Kinh. Khó khăn lớn nhất của đoàn làm phim chính là làm việc đúng vào thời kỳ SARS bùng nổ nên cản trở rất lớn công tác hậu kỳ. Tuy nhiên, "Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" cũng đã kịp hoàn thành và ra mắt khán giả Việt Nam những người quan tâm đúng dịp Quốc khánh.

  • Bích Hạnh - Nhật Mai

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bán trang phục trong phim - nghề hốt bạc (01/09/2003)
Lệ Quyên - Giọng ca lạ lẫm và hấp dẫn (01/09/2003)
Thêm một tư liệu mới về Bác Hồ (01/09/2003)
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: ''Thơ là sứ mệnh trong định mệnh'' (01/09/2003)
Hè 2003 - Mùa gặt hái của Hollywood (08/09/2003)
Ca sĩ Khánh Linh chạy sô ''bở hơi tai'' (08/09/2003)
Lễ hội Văn hóa Việt - Nhật tại Hội An (01/09/2003)
Hôm nay, ra mắt phim "Nguyễn Ái Quốc ở HongKong" (01/09/2003)
"Lễ hội thời hiện đại": Còn quá ít người "quen việc" (01/09/2003)
Lễ hội Văn hóa Việt - Nhật tại Hội An (01/09/2003)
Chuyện thoái vị của vua Bảo Đại qua lời kể Huy Cận (31/08/2003)
L'Espace - triển vọng phát triển văn hóa Pháp - Việt (31/08/2003)
"Tháng 8/1998": chương đau buồn trong Living History (30/08/2003)
Ba cuốn sách quý vừa xuất bản (30/08/2003)
Xem Nokia Đêm trẻ: Nhà tổ chức đã không "nói điêu"! (30/08/2003)
Tro ve dau trang