|
Nhà thơ Hồng Minh. |
Gần đây, trong những gương mặt thơ xuất hiện đầu thế kỷ mới, dư luận đã chú ý đến thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Nhưng ít ai biết rằng khởi điểm của nhà thơ này là viết văn xuôi và đã từng đoạt giải Ba giải truyện ngắn tác phẩm Tuổi xanh lần I năm 1990. Mới đây, anh vừa chính thức nhận giải thưởng thơ của tạp chí Sông Hương 2003 và chuẩn bị xuất bản tập thơ mới.
- Tập thơ mới của anh sẽ có tên gì?
- Vỉa Từ. Câu... đề từ của tôi để có thể xuyên suốt tập thơ là: - ''Từ bùng nổ thành thế giới!''
- Các nhan đề tập sách của anh có vẻ cô đọng nhưng khô khan: "Để xem", "Giọng nói mơ hồ", "Tháo đáy", "Vỉa từ"... vẫn có thể hiểu được. Nhưng còn "Chất trụ"? Anh muốn nói đến ''chất'' gì vậy?
- Tôi muốn hướng đến vai trò của nội thể bên trong. Hình như không hợp lắm với thơ chúng ta đang quan tâm và chú trọng đến vai trò phản ánh của cái chủ thể bên ngoài. Dễ hiểu là thế này, chúng ta đều nhìn thấy lửa cháy đều mô tả được sự dữ dội của ngọn lửa. Nhưng lửa cháy dữ dội do quá trình năng lượng nội kết từ bên trong. Cái bên ngoài là phản ứng chứ không trực tiếp làm bùng lên ngọn lửa. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có một tập thơ rất hay và cháy rất dữ dội là ''Sự mất ngủ của lửa''. Nội lực để bùng cháy khát vọng, bùng cháy thi ca gây sự ''nổ'' ở trên tiến trình sáng tạo, với tôi đó chính là ''Chất trụ''.
- Nhưng ví như nhan đề một bài thơ của anh ''Cái tôi có là cái tôi là...''. Là cái gì? Làm sao có thể cháy, có thể ''trụ'' khi chưa khẳng định hay xác định cụ thể nó là gì?
- Nhưng đó là chữ ''Là'' nghệ thuật. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của bản thể. Thơ là sứ mệnh trong định mệnh.
- Anh thường làm thơ trong trạng thái nào? Đọc thơ anh có người đã nhận xét: ''Nói như... điên!''...
- Cám ơn, Với tôi đó là một lời khen chứ không phải là chê. Có điều tôi đồ rằng người khen chưa phân biệt được đâu là tính đương đại và tầm hiện đại, bối cảnh thực tại đang nương náu của thơ chúng ta hiện nay. Octavio Paz có một bài thơ viết về công việc và sứ mạng của nhà thơ có nhan đề Cây Nói. Tại sao vậy? Ông cho rằng nói tức là động thái biểu hiện. Hoạ sĩ nói, thi sĩ nói, văn sĩ nói, điêu khắc gia nói, nhà lý luận phê bình nói... Nói như một cách phát biểu với con đường nghệ thuật mà mình đang viễn hành và tìm kiếm.
- Các nhà thơ đi trước và thơ trẻ hiện nay anh thích nhất thơ của tác giả nào? Tại sao?
- Rất nhiều nhà thơ thế hệ trước tôi thích nhưng không hẳn là thích thơ họ mà thích con đường và cây thập giá Thơ mà họ đã mang vác, chọn lựa. Bởi như tôi đã nói, ngoài thơ sẽ gặp số phận. Tôi ngưỡng mộ ý chí của nhà thơ Trinh Đường, hệ thống thi pháp của Lê Đạt, phong cách dữ dội của Văn Cao, tài hoa và đáng yêu như Trúc Thông, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Hưng... ở thơ trẻ tôi thường đọc hai thi pháp thơ khá ngược nhau và học hỏi được khá nhiều điều từ hai nhà thơ hiện đại Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quốc Chánh. Tôi thích Nguyễn Quang Thiều bởi quan điểm yêu thơ như một sự tiến bộ, tiến lên còn Nguyễn Quốc Chánh yêu thơ như một sự... ''cùng đường''(!).
- Anh vừa nhận được giải thưởng thơ của tạp chí Sông Hương, một giải thưởng được đánh giá là trao gần hết cho thế hệ Thơ Trẻ. Anh nghĩ gì về thơ của thế hệ mình?
- Chắc chắn một điều là chúng tôi phải viết khác những thế hệ đi trước. Nhưng đó không phải là để làm lạ đi, là ngược đời hay phủ nhận những giá trị truyền thống mà thực sự là một quá trình kế thừa. Kế thừa và tiếp diễn những giá trị, những di sản văn hoá tinh thần là giàu thêm bản lĩnh và ý chí của nội lực sáng tạo. Những nhà thơ hiện đại điều thấy rằng niềm vinh dự lớn nhất là được có mặt ở... cõi bất tử (!?). Và cõi bất tử phải chăng có nghĩa là sẽ gặp gỡ trở lại những thơ ''lỡ'' bất tử từ những thế kỷ trước trở thành người đồng thời(!?)...
(Theo Tiền Phong) |