Mùa thu này ở Việt Nam đang được dự báo sẽ đặc biệt sôi động với rất nhiều các lễ hội lớn được tổ chức trên quy mô vừa và lớn ở khắp mọi nơi: 110 năm Đà Lạt (tháng 9), 40 năm Quảng Ninh, 100 năm Sa Pa (tháng 10), Festival Du lịch Hà Nội (tháng 11)... Điều này khiến chúng ta phải nghĩ nhiều hơn đến khái niệm "lễ hội thời hiện đại".
Không phải chuyện "làm sinh nhật của các tỉnh giàu"
Có thể nói, chưa bao giờ các địa phương trong cả nước (nhất là những địa phương có "lộc" làm du lịch) lại chịu đổ công, đổ của cho việc tổ chức lễ hội như bây giờ. Có người cho rằng vì 2 năm gần đây ngẫu nhiên là những "con số tròn" như 10 năm, 100 năm, 350 năm... ở một số địa phương nên việc tổ chức "đại sinh nhật" cho cả một tỉnh, một vùng âu cũng là điều dễ hiểu. Chưa nói, đất cũng như người, giữa lúc thời buổi khấm khá hơn, lẽ thường: "Phú quý sinh lễ nghĩa"!
Cùng với việc vùng vùng, tỉnh tỉnh thi nhau ra tận Hà Nội hay vào tận TP.HCM mở hội nghị kêu gọi đầu tư, hứa hẹn "trải thảm đỏ" cho các nhà kinh tế thì các địa phương đồng thời cũng đua nhau làm lễ hội để quảng bá du lịch. Xa dần ý nghĩa nguyên thuỷ của lễ hội xưa, lễ hội thời hiện đại rõ ràng là nhằm thu hút khách du lịch, tạo "đầu vào" cho ngân sách địa phương và vì là một trong những chiếc "cần câu cơm", lễ hội đương nhiên không còn chỉ là chuyện "làm sinh nhật của các tỉnh giàu". Đơn cử: lễ hội 100 năm Sa Pa" vào tháng 10 tới đây tại Lào Cai - là một trong 6 tỉnh nghèo nhất nước. Trên một nghĩa nào đó, "lễ hội thời hiện đại" được tổ chức có khi cũng giống như chuyện một nhà dù nghèo cũng vẫn cố làm cho được một "mâm cơm thết khách cho tử tế". Nhưng điều quan trọng hơn, trong chuyện này, nói như ông Giám đốc Sở VHTT tỉnh Lào Cai Trần Hữu Sơn: "Chưa ngại cái nghèo về kinh tế. Cái nghèo về văn hoá mới đáng sợ hơn nhiều!".
"Nghề thời thượng hốt bạc"?
Cùng với sự bung ra của "mốt" làm lễ hội, nghề viết kịch bản và tổng đạo diễn lễ hội trong vài năm trở lại đây cũng đang dần trở nên một nghề "thời thượng" khiến không ít người muốn ghé vào. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, "nhân tài (lại chỉ) như lá mùa thu". Một loạt lễ hội lớn gây chú ý vừa qua cũng như sắp được tổ chức tới đây chủ yếu quẩn quanh quanh vài ba cái tên quen đến mức sắp nhàm chán... Dễ hiểu khi công việc đó cần đến họ - những nhà văn, nhà sân khấu "quen tay" ấy khi nhu cầu "sân khấu hoá" lễ hội đang được coi là hình thức tổ chức lễ hội phổ biến. Điều này đưa tới câu hỏi: Giới sân khấu và văn học nước ta thiếu gì nhân tài mà quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu, khiến cho lễ hội các nơi phần lớn được tổ chức nhang nhác nhau? Chưa nói: Những nhà "lễ hội học" nói trên, chắc gì đã hiểu được văn hoá vùng bằng nguồn nhân tài tự có của địa phương? Nguyên nhân chủ yếu có thể là do các nhà lãnh đạo tỉnh đều không đủ gan để "thử nghiệm" với các tác giả kịch bản, các tổng đạo diễn chưa quen tên, quen việc.
Nói một cách công bằng: Những cố gắng sáng tạo vừa qua của các nhà "lễ hội học" nói trên, có chỗ đáng phục, có chỗ còn non tay, trùng lặp nhưng lẽ đương nhiên không thể phủ nhận vai trò "đứng mũi chịu sào" cùng vị trí "của hiếm" hiện nay của họ trong lĩnh vực tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, khi sự sáng tạo bị "khoanh vùng" quá mức bởi cái gọi là "của hiếm" về mặt nhân tài thì thiết nghĩ cũng cần lưu tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm, đào tạo người kế cận, làm mới cách tổ chức lễ hội thời hiện đại bằng những tư duy trẻ. Bởi sáng tạo là vô biên, nhưng sáng tạo cũng có thể là hữu hạn!
(Theo LĐ) |