Đó là các cuốn Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế (bút ký lịch sử của Nguyễn Đắc Xuân); Truyện Kiều Bản kinh đời Tự Đức (Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị) và Châu bản triều Tự Đức 1848 - 1883 (Vũ Thanh Hằng, Trà Ngọc Anh và Tạ Quang Phát truyển chọn và dịch) do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, biên tập, Nhà xuất bản Văn học ấn hành trong quý I và II/2003.
Cuốn bút ký lịch sử Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế của nhà văn và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gồm 13 chương chính, nhưng tác giả đã phải thực hiện trong khoảng 20 năm. Nguyễn Đắc Xuân là người Huế, ông đã sưu tập, biên chép các sự kiện về Bác ngay từ hồi còn trẻ, trong kháng chiến chống Pháp.
Bằng nhiều cách tiếp cận: 70 cuốn sách, bài báo, thư từ tài liệu, đặc biệt là hơn 20 tư liệu gốc của mật thám Pháp về Bác và gia đình Bác; 26 bài viết về Bác của các tác giả trong và ngoài nước; 18 tài liệu lịch sử về thời niên thiếu của Bác; phỏng vấn 50 người cùng thời hoặc quen biết gia đình Bác Hồ thời niên thiếu, những người quen biết hoặc cùng thời với bà Thanh và ông Cả Khiêm - anh, chị ruột của Bác; của các nhân sĩ, trí thức được nghe Bác kể chuyện; những cán bộ, trí thức, nhà nghiên cứu đã quan tâm đề tài về thời niên thiếu của Bác Hồ... qua hàng trăm tư liệu lời kể (đều có địa chỉ, tên tuổi cụ thể) và hàng trăm cuộc nói chuyện về Bác... Nguyễn Đắc Xuân đã góp phần làm sáng rõ, cụ thể và sinh động khoảng thời gian Bác ở Huế từ năm 1895 cùng gia đình cho đến năm 1910, Người rời Huế vào Sài Gòn đi tìm đường cứu nước.
Những sự kiện đã được làm rõ là ngôi nhà đầu tiên Bác và gia đình thuê tại đường Đông Ba (nay là số 112 Mai Trúc Loan). Những tháng năm Bác theo cụ thân sinh về làng Dương Nổ (1898-1900) sự kiện thân mẫu Bác qua đời (1901) tại Huế; Những tháng năm Bác học trường Pháp Việt Đông Ba và trường Quốc học Huế (1905-1908) và đặc biệt soạn giả làm rõ được sự kiện Bác đã tham gia cuộc đấu tranh chống thuế tháng 4-1908 tại Huế.
Cuốn sách dày đặc tư liệu viết với một tình cảm xúc động, chân thực của Nguyễn Đắc Xuân là một đóng góp mới và lớn vào việc nghiên cứu cuộc đời sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người, một lãnh tụ Cách mạng vĩ đại, một nhân cách lớn, một nhà văn hoá lớn, một ngọn cờ tư tưởng lớn không chỉ cho Việt Nam. Nhà sử học Mỹ William J.Duiker khi thực hiện công trình nghiên cứu Hồ Chí Minh, Alife (698 trang) đã trích dẫn tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân tới 12 lần.
Về cuộc đời của Bác, các nhà nghiên cứu có thể tìm được nhiều nguồn tài liệu nhiều hơn nữa. Những cuốn Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế của Nguyễn Đắc Xuân chắc chắn là một cuốn sách hấp dẫn, bổ ích, nó là một công trình nghiên cứu công phu, tận tình, khoa học.
Truyện Kiều Bản Kinh đời Tự Đức do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị (534 trang) là một công trình mới của học giả này. Năm ngoái, cho in cuốn Truyện Kiều - Bản Nôm cổ nhất - Liễu Văn Đường tàng bản (1871), Trung tâm Quốc học đã tổ chức Hội thảo "Đi tìm nguyên tác Truyện Kiều" tại Hà Nội - Bản Kiều Nôm Liễu Văn Đường của Nguyễn Quảng Tuân sao chụp ở Thư viện Liên Trường Sinh ngữ Đông Phương - Paris đã nhận được sự chú ý của giới nghiên cứu và bạn đọc xa gần - đó là bản Phường.
Tiếp tục công trình nghiên cứu Văn bảnTruyện Kiều, năm nay học giả Nguyễn Quảng Tuân lại cho công bố một bản Kiều nôm cổ, Bản Kinh do Lâm Noạ Phu sao chép khi đang làm quan ở Bộ Công dưới triều Tự Đức, năm 1870 (sớm hơn bản Liễu Văn Đường một năm). Điều khác biệt giữa bản Phường và bản Kinh, là bản Phường được in khắc phổ biến, còn bản Kinh là bản chép tay. Bản này vốn được lưu giữ trong một tủ sách tư gia ở Sài Gòn. Sau năm 1975 không ngờ được bày bán ở chợ sách cũ và ông Đàm Quang Hưng đã mua được và gửi sang cho người ông ở Hoa Kỳ. Tháng 9 năm 2000 khi có dịp đến thăm Hoa Kỳ ông Nguyễn Quảng Tuân đã được ông Đàm Quang Hưng tặng cho một bản sao. Đó chính là bản Kiều Kinh mà Trung tâm Quốc học công bố.
Cuốn sách quý thứ ba là Châu bản triều Tự Đức 1848-1883, do nhóm Vũ Thanh Hằng, Trà Ngọc Anh, Tạ Quang Phát tuyển chọn và dịch, Giáo sư Trần Nghĩa giới thiệu, Giáo sư, Tiến sĩ Văn học Mai Quốc Liên viết tựa. Châu bản là các bản tấu được vua đích thân phê duyệt bằng mực son là một tài liệu rất có giá trị về lịch sử, văn hóa của Triều đình. Nó không chỉ cần thiết cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa mà còn rất thú vị cho những người quan tâm khi đọc Châu bản. Đây là một thứ nhật ký cung đình, sẽ rất bổ ích cho các nhà văn khi sáng tác truyện lịch sử.
Châu bản triều Tự Đức (1848-1883) gồm 352 tập, cuốn sách này tuyển chọn 1128 bản gồm 11 phần: Xã hội, Lịch sử, Dân tộc, Kinh tế, Chính trị, Pháp luật, Quân sự, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học,Văn học, Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Tôn giáo - Sách dày 286 trang khổ lớn. Toàn bộ số Châu bản của các triều Nguyễn hiện lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội.
(Theo Văn Nghệ)
|