Với khả năng tư duy hiện đại, biết cảm nhận và triển khai một cách đa dạng các quan niệm của tác giả và của chính mình trong thiết kế mẫu bìa sách, Văn Sáng - sinh 7/5/1963 tại Hà Nội, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - đã đoạt nhiều giải thưởng cho bìa sách đẹp và sách đẹp tại các cuộc thi do Bộ VH-TT tổ chức và hiện là một trong những hoạ sĩ thiết kế đồ họa sách hàng đầu ở Việt Nam.
- Khi thiết kế bìa một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ... chắc anh phải đọc kỹ chúng để có thể chọn ra được hình tượng tiêu biểu, tâm đắc nhất làm nền tảng cho kết cấu của mẫu bìa sách, thưa anh?
- Theo tôi việc tiếp cận với tác phẩm trước khi thể hiện là bắt buộc; chỉ có thế mới biết được một cách khái quát tính chất riêng biệt của tác phẩm đó được thể hiện ở nội dung tư tưởng là gì; trong không gian và thời gian nào. Đó là những thông tin cần thiết giúp tôi tìm ra những ý tưởng biểu đạt chính xác nhất nội dung của cuốn sách.
- Anh có hay trực tiếp trao đổi với tác giả nhằm tìm ra nét đồng cảm hay sự gợi ý từ họ?
- Dĩ nhiên không phải tác giả nào tôi cũng gặp được, nhưng theo kinh nghiệm bản thân, việc tiếp xúc với tác giả sẽ tạo nhiều thuận lợi cho tôi khi thiết kế một mẫu bìa sách mới. Còn gì hơn khi ta có dịp tìm hiểu thêm về con người tác giả và những điều bên ngoài có liên quan đến quá trình hình thành tác phẩm của họ.
- Anh thích nhất thiết kế thể loại bìa sách nào?
- Tôi đã thiết kế nhiều thể loại bìa sách. Từ những bộ sách đồ sộ (Tổng tập văn học Việt Nam - NXB Văn học) đến một tập thơ mỏng manh. Nói chung tôi đã thiết kế hầu hết các thể loại mà không gặp một khó khăn nào và tôi cũng chưa từ bỏ hay bất lực trước một thể loại nào đấy. Làm nhiều như vậy song thật sự gây cho tôi đam mê hơn cả là những bìa tập thơ. Qua những tác phẩm của họ, tôi luôn tìm được cảm hứng cần thiết. Thơ ca là thể loại văn học mang tính trừu tượng nhất. Với thơ ca, tôi có cảm giác mình được tự do hơn trong cách cảm, cách nghĩ, cách biểu đạt ý tưởng của mình.
- Theo anh, một bìa sách đẹp có thể làm tăng thêm số lượng sách phát hành?
- Đối với những tác phẩm có chất lượng trung bình, bìa sách có vai trò tương đối quan trọng. Nhưng tác phẩm nào xuất sắc, tự thân đã có sức hấp dẫn ghê gớm, một bìa sách đẹp chỉ có ý nghĩa bổ trợ.
- Trong thời buổi kinh tế thị trường, có những hoạ sĩ thiết kế bìa sách thường chiều theo thị hiếu đại chúng hay NXB còn anh vẫn nhấn mạnh một họa sĩ vẽ bìa phải biết góp phần cùng tác giả nâng cao nhận thức xúc cảm và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.
- Đúng vậy, ngay từ khi đặt nét bút vẽ bìa đầu tiên, tôi đã ý thức rõ điều đó. Nếu một họa sĩ không thực sự tâm huyết, không có trách nhiệm với nghề, những tác phẩm của họ sẽ thiếu tính sáng tạo, và như vậy anh ta đã từ bỏ thiên chức của mình. Tôi quan niệm một bìa sách cần phải mang những thông điệp về thẩm mỹ, văn hóa.
- Anh có nhận xét gì về mỹ thuật sách thế giới nói chung và mỹ thuật sách Việt Nam nói riêng?
- Ở những quốc gia có trình độ dân trí cao, sách của họ được thiết kế cực kỳ hoàn hảo và kỹ lưỡng, được thể hiện bởi một lực lượng các hoạ sĩ thiết kế chuyên nghiệp. Do được đầu tư lớn kết hợp các công nghệ tiên tiến, sản phẩm của họ thực sự mẫu mực cho ngành xuất bản nước ta học tập. Tôi rất thích phong cách trình bày các cuốn sách của Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng rất hiện đại nhưng đầy cá tính văn hóa phương Đông. Mỹ thuật sách Việt Nam còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan: chưa đa dạng về phong cách thể hiện, lực lượng hoạ sĩ chuyên nghiệp rất ít và thiếu kinh nghiệm, hệ thống đào tạo trong các trường mỹ thuật còn thiếu đội ngũ giáo viên giỏi, các NXB chưa dám đầu tư nhiều cho công việc thiết kế sách... Vì thế chúng ta chưa có nhiều cuốn sách đẹp. Thiết kế sách Việt Nam thời gian gần đây đã có thay đổi về chất, nhưng sự quan tâm lại chưa đồng bộ. Ví dụ bìa sách thì đòi hỏi đẹp trong khi việc thiết kế phần ruột thì lại buông xuôi (do các NXB) phó mặc cho những "công chức bàn giấy" thực hiện. Vậy thì làm sao có được một cuốn sách đẹp.
- Anh có lo ngại mình sẽ đi vào lối mòn khi thiết kế một khối lượng bìa sách đồ sộ?
- Thực sự chưa bao giờ tôi ý thức lặp lại một khuôn mẫu mà mình đã làm. Tôi là người không dễ thoả mãn và luôn muốn làm mới từ thể hiện ý tưởng, bố cục, màu sắc bởi vì tôi muốn đưa ra một cách cảm, kỹ thuật và hướng biểu hiện mới, hay nói chính xác là một thông điệp mới. Tôi là người luôn vận động.
(Theo TT & VH) |