|
(Hát ả Đào - một loại hình nghệ thuật cổ truyền chuyên nghiệp hình thành từ thời Lý (1010 -1225) |
(VietNamNet) - 60 năm từ khi công bố Đề cương Văn hoá Việt Nam (1943 - 2003) - văn kiện về văn hoá văn nghệ giàu chất lý luận, thể hiện tầm vóc tư duy lý luận đầu tiên của Đảng ta, toàn cảnh đất nước và thế giới đã có nhiều thay đổi. Nhưng đến hôm nay, văn kiện này vẫn vẹn nguyên những giá trị.
Lễ kỷ niệm 60 năm Đề cương Văn hoá Việt Nam được tổ chức long trọng sáng qua (28/8) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo ngành văn hoá và đông đảo đội ngũ nhà nghiên cứu lý luận, giảng dạy, nhà thơ, nhà văn, cán bộ quản lý văn hóa trong cả nước.
Tuy đã được khẳng định về giá trị trong suốt 60 năm qua, nhưng đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình phát triển và hoàn thiện từ Đề cương văn hóa Việt Nam đến các văn kiện về văn hoá, văn nghệ sau này của Đảng ta.
Nhiều vấn đề mới về lý luận, thực tiễn hiện nay đang đặt ra, đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết: những giá trị nào của truyền thống cần kế thừa, phát huy; cái gì cần đổi mới, nâng cao thêm; làm gì và làm như thế nào để chúng ta có đủ bản lĩnh, tự tin giao lưu và hội nhập, để lựa chọn được tinh hoa văn hoá nhân loại nhằm bổ sung, làm giàu thêm nền văn hoá chúng ta. Làm thế nào để tạo nên động lực khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta cống hiến nhiều hơn, tốt hơn cho sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của đất nước? Quan hệ giữa "xây" và "chống" trong phát triển văn hóa nên xử lý ra sao...? Tác động tích cực lẫn tiêu cực của kinh tế thị trường đối với phát triển văn hoá như thế nào? Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đặt sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá trước những thời cơ và nguy cơ, thách thức đến đâu? Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là thế nào?... Đó luôn là những câu hỏi được đặt ra và cần thiết phải có một đường hướng rõ ràng. Điều này đang chờ đợi sự giải đáp của đội ngũ làm công tác nghiên cứu lý luận để Đề cương có thể "sống'' gần hơn với thực tiễn.
Một Hội thảo khoa học về Đề cương Văn hoá Việt Nam đã được tổ chức trước đó (ngày 22/8/2003) với nhiều tham luận của các giả công tác trong ngành văn hoá. Những bản tham luận đã đưa ra những cảm nhận, ý kiến đánh giá, cũng như những quan điểm riêng của mỗi tác giả về văn kiện này, với mục đích để đề cương ngày một thể hiện giá trị và quy mô của một công trình văn hoá lớn. Có ý kiến cho rằng, mặc dù Đề cương mới chỉ đưa ra những nét đại cương, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đã mang trong mình những cơ sở lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng, đặt nền móng cho các luận điểm, các chủ trương, chính sách của Đảng về văn hoá văn nghệ.
Chặng đường dài...
Năm 1938, Giáo sư Đào Duy Anh công bố ''Việt Nam văn hoá sử cương'', trong đó, ông quan niệm: "Hai tiếng văn hoá chẳng qua là chỉ chung tất cả các phuơng tiện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: "Văn hoá tức là sinh hoạt". Sau 5 năm, Đảng ta công bố quan niệm văn hoá gồm: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Có thể thấy sự khác biệt trong quan niệm về văn hoá giữa tác giả ''Việt Nam văn hoá sử cương'' và tác giả ''Đề cương văn hóa Việt Nam''.
Ngay khi được công bố, Đề cương văn hoá Việt Nam đã là ngọn cờ có sức vẫy gọi, tập họp các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ, trí thức giàu lòng yêu nước thời ấy đến với mặt trận Việt Minh, Hội Văn hoá cứu quốc, tham gia cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, và đi tiếp những chặng đường mới của dân tộc. Tự bản chất, tự chiều sâu, văn hoá luôn luôn có tác dụng làm thanh lọc tâm hồn con người, làm điểm tựa cho tinh thần con người, giúp con người vươn tới cái tốt đẹp, tránh xa, từ bỏ cái xấu xa, thấp hèn...
Sẽ còn dài mãi...
Làm sao để mỗi gia đình, mỗi làng xã, mỗi cộng đồng xã hội là một cộng đồng văn hoá giàu sức sống, đề kháng mạnh mẽ sự xuống cấp về văn hoá, đạo đức, bài trừ những tệ nạn xã hội. Làm sao để mỗi con người có đủ đức tính tốt đẹp chống lại những tác động của mặt trái kinh tế thị trường... Do đó, văn hoá phải xây dựng những mẫu hình của thời kỳ đổi mới, huớng con người tới cái chân, thiện, mỹ, nuôi dưỡng và phát huy các giá trị tốt đẹp của sự nghiệp cách mạng, của truyền thống dân tộc, hình thành nhân tố nội sinh bền vững trong mỗi con người và cả dân tộc.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã nêu ý kiến của mình: "...Công tác quản lý Nhà nước về văn hoá thông tin trong giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống luật pháp, chính sách về văn hoá phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một số chính sách văn hoá của ta hiện nay tỏ ra bất cập, chưa thích ứng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhiều chính sách khuyến khích phát huy nghệ thuật truyền thống, phát triển tài năng chậm ban hành, gây trở ngại cho sự phát triển văn hoá...''
Những điều nêu trên tưởng chừng quen thuộc, nhưng đó đều là những vấn đề rất lớn và bức xúc. 60 năm - một chặng đường dài và sẽ còn dài mãi cùng những vinh quang và thử thách. Đề cương văn hoá Việt Nam vẫn nóng hổi với chúng ta trong công tác nghiên cứu lý luận của ngành văn hoá thông tin Việt Nam hiện nay...
|