|
"Ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn. |
Bận túi bụi với 3 sân khấu hoạt động thường xuyên ở TP.HCM (kịch IDECAF, kịch Trần Cao Vân, và các sân khấu thiếu nhi) nhưng Giám đốc Công ty Thái Dương Huỳnh Anh Tuấn - "ông bầu" mát tay nhất của sân khấu TP.HCM, vẫn cố gắng bỏ 3 ngày để bay ra Hà Nội "ngó nghiêng" tình hình hoạt động của các "đội bạn" và đã "thu hoạch" được nhiều chuyện.
- Anh có nghĩ sự sôi động hay trầm lắng của sân khấu là do khán giả "điều tiết"?
- Không hoàn toàn như vậy, nhưng qua quan sát của tôi, khán giả Hà Nội chắc chắn là khác với khán giả ở TP.HCM. Trở lại sau 2 năm, Hà Nội có nhiều thay đổi theo chiều hướng đi lên, đời sống rất khá, thế mà đời sống văn hoá nói chung và nói riêng khu vực sân khấu lại không "nóng" bằng TP.HCM. Có thể do điều kiện thời tiết 4 mùa và khuynh hướng sống của người Hà Nội thường thích ở nhà hơn đến nhà hát vào buổi tối. Quan niệm về nghệ thuật của người Hà Nội cũng khác, thưởng thức chứ không phải giải trí. Ở TP.HCM kịch nói nghiêng về chức năng giải trí, vì vậy mà các sân khấu xã hội hoá mới có môi trường hoạt động và phát triển.
- Có phải vì thế nên nghe nói có nhiều lời mời ra Bắc biểu diễn, mà anh chưa "động tĩnh" gì?
- Mang quân đi diễn thì không được rồi vì cầm chắc là lỗ do chi phí đi lại quá lớn, hơn nữa khán giả ở TP.HCM đã ổn định hàng đêm. Còn tổ chức một sân khấu kiểu "IDECAF" ở Hà Nội thì phải có nghiên cứu thị trường thật kỹ, mà phải xác định trước hết là "làm chơi" chứ chưa thể "làm ăn" được. Tôi có một dự định chắn hơn là đem múa rối, chủ yếu là rối cạn, ra Hà Nội cơ.
- Sân khấu kịch TP.HCM thắng lợi về thị trường giải trí, điều này ai cũng phải thừa nhận, nhưng liệu các anh có quá mải mê chạy theo yếu tố giải trí không?
- Ở TP.HCM hiện nay, bi kịch dài cũng có khán giả mà hài kịch càng có khán giả. Chỉ tính riêng sân khấu kịch IDECAF của chúng tôi, tính tới 2/9 năm nay là tròn 6 năm hoạt động đã có một kịch mục 48 vở dành cho người lớn với hơn 2.000 suất diễn (từ 1/9/1997 đến 30/6/2003), 13 vở kịch dành cho thiếu nhi với 436 suất diễn, trong đó có cả những vở cổ điển lớn như Ba người lính ngự âm, Âm mưu và tình yêu, Kẻ ghét đời, và sắp tới là Vua Lia. Có những lúc, có những nơi sân khấu chạy theo khán giả hoặc bỏ khán giả để chạy theo chính mình. Tôi nghĩ sân khấu TP.HCM hiện nay đã đi cùng với khán giả, "lôi" được khán giả cùng đi theo mình.
(Theo TT & VH)
|