|
Xem cổ vật tại bảo tàng lịch sử. (Ảnh: Nguyên Vũ). |
(VietNamNet) - Hôm nay (29/8), các cổ vật vớt được từ 5 con tàu đắm dưới lòng biển Đông lần đầu tiên được đưa ra trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Đây là những hiện vật vô giá minh chứng vai trò quan trọng mang tính chiến lược của ''con đường tơ lụa trên biển'', một huyết mạch trong các quan hệ giao thương trên biển giữa Việt Nam và các nước khác.
5 con tàu cổ gồm: Tàu cổ Hòn Cau, được phát hiện và khai quật đầu tiên tại vùng biển gần kề đảo Hòn Cau, Bà Rịa - Vũng Tàu, vào năm 1990-1992. Hàng hoá khai quật được trên tàu chủ yếu là gốm sứ, với số lượng khoảng 60.000 hiện vật. Hầu hết chúng đều có xuất xứ từ lò Cảnh Đức Trấn, Sơn Đầu, Đức Hoá-Trung Quốc. Căn cứ vào đồ dùng của thuỷ thủ đoàn còn tìm thấy và cấu trúc thân tàu, các nhà khảo cổ cho rằng đây có thể là một con tàu đang trên đường chở hàng từ Trung Quốc sang hội chợ Batavia (Indonesia), từ đây hàng hoá sẽ sang châu Âu. Nhưng không may nó bị đắm tại vùng biển này. Niên đại tuyệt đối của con tàu được xác định là vào năm 1690.
|
Giới thiệu cổ vật tại Bảo tàng Lịch sử. |
Tàu cổ Hòn Dầm, bị đắm tại vùng biển Hòn Dầm, xã An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Trên tàu mang hàng hoá chủ yếu là gốm sứ Sawankhalok của Thái Lan có niên đại vào khoảng thế kỷ XV. Việc xác định chủ nhân và hải trình của con tàu này rất khó khăn vì những thông tin tìm kiếm được qua khảo sát rất ít ỏi. Tổng số hiện vật thu hồi được gồm 10.000 mẫu. Chúng chủ yếu là gốm men màu xanh ngọc và một số ít loại men khác như men màu chì, da lươn, vàng, nâu… Trang trí chủ yếu là kỹ thuật khắc chìm, in vào xương đất và phủ men bên ngoài.
Tàu cổ Cù Lao Chàm, nằm tại vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An, với độ sâu 72m so với mực nước biển. Đây là một độ sâu thách thức đối với cả ngành khảo cổ học thế giới. Cuộc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm cũng là cuộc khai quật có quy mô và khoa học nhất mà Việt Nam tham gia từ trước tới nay. Rất nhiều trang thiết bị tối tân được huy động cùng với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cộng với nguồn kinh phí lên tới 6 triệu USD. Tàu có kích thước 29,4m x 7,2m, được làm bằng gỗ Tếch. Hàng hoá trên tàu chủ yếu là đồ gốm sứ có nguồn gốc Mỹ Xá, Chu Đậu, Hải Dương, niên đại nửa đầu thế kỷ 15. Đây là những sản phẩm của trung tâm gốm Hải Dương nổi tiếng. Chúng có loại hình, kiểu dáng phong phú, trang trí sinh động và có chất lượng cao dùng để xuất khẩu. Lần đầu tiên trong các cuộc khai quật dưới nước, di cốt của đoàn thuỷ thủ cũng được phát hiện, bao gồm 11 cá thể, trong đó có một sọ phụ nữ tương đối hoàn chỉnh. Đây có thể là một cô gái khoảng 18, 19 tuổi và có đặc điểm của chủng tộc Thái. Tàu cổ Cù Lao Chàm mang ý nghĩa khá quan trọng. Nó giúp các nhà khảo cổ học xác định được hành trình giao thương trên biển giữa Việt Nam và các nước khác. Đây là một hành trình được mệnh danh là ''con đường tơ lụa trên biển'' rất nổi tiếng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 15.
Tàu cổ Cà Mau, được khai quật vào những năm 1998-1999. Hàng hoá trên tàu chủ yếu là gốm sứ men trắng vẽ lam từ các lò vùng Cảnh Đức Trấn, Quảng Châu (Trung Quốc). Kiểu dáng, hoa văn trang trí trên đồ gốm cực kỳ phong phú, sinh động. Đặc biệt phát hiện loại hình gốm men nhiều màu nặng lửa dưới men, kết hợp với vẽ lam. Có nhiều hiện vật mang đặc điểm, phong cách châu Âu khá rõ. Rất nhiều đồ gốm sứ có dấu vết của lửa cháy làm cho biến dạng và dính lại từng cục. Thân tàu cũng có nhiều vết cháy, các khoá bằng đồng bị đập méo, bẻ gẫy khiến các nhà khảo cổ học cho rằng con tàu này có thể đã gặp cướp biển đốt hoặc bị hoả hoạn. Dựa theo các vết tích trên hiện vật, kết luận ban đầu về niên đại của con tàu có thể thuộc thời Ung Chính - Trung Quốc (1723 - 1735).
Tàu cổ Bình Thuận, chính thức được khai quật vào năm 2001 - 2002. Trước đó, các hiện vật của tàu đã xuất hiện lẻ tẻ vào năm 1999, 2000, trên thị trường trôi nổi. Hàng hoá trên tàu chủ yếu là đồ gốm sứ của các lò vùng Quảng Đông và Phúc Kiến, Trung Quốc. Trang trí trên đồ gốm thể hiện đậm nét phong cách dân gian Trung Quốc, đời Minh Mạt. Sau khi đối chiếu với những tài liệu khác, các nhà khảo cổ đã xác định sơ bộ niên đại của con tàu nằm trong khoảng 1573-1620 (niên hiệu Vạn Lịch).
Với số lượng khá phong phú các cổ vật từ 5 con tàu đắm được trưng bày, Bảo tàng lịch sử Việt Nam mong muốn mang lại cách nhìn nhận mới về vai trò của các quan hệ giao thương trên vùng biển Việt Nam trong quá khứ. Nó cũng đánh dấu một giai đoạn rất phát triển của ngành nghề gốm Chu Đậu cổ truyền Việt Nam. Trong buổi họp báo được tổ chức vào ngày 27/8, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, cho biết: ''Thông qua lần trưng bày các cổ vật từ 5 con tàu đắm này, chúng tôi cũng muốn hướng sự quan tâm của công chúng và các nhà chức trách đến ngành khoa học khảo cổ dưới nước, một lĩnh vực tuy đã rất phổ biến trên thế giới, nhưng còn khá mới lạ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với hơn 3.000km bờ biển, Việt Nam còn chứa đựng rất nhiều tiềm năng về cổ vật và khoa học khảo cổ dưới nước.
|