|
Di tích Huế hồi sinh sau khi được công nhận di sản văn hoá thế giới. |
Đã 10 năm kể từ ngày Huế được công nhận là Di sản văn hoá thế giới (11/12/1993). Thời điểm đó, toàn bộ khu du tích lịch sử và văn hoá có tổng diện tích 5.696.273,65m2, trong đó hơn một nửa trong tổng số 147 công trình ở khu vực Đại Nội - nơi tập trung các cung điện nguy nga tráng lệ nhất đã thành phế tích. Các kiến trúc gỗ còn lại, hầu hết đều bị mối mọt huỷ hoại.
Thực ra, di tích Huế đã được chính quyền các cấp quan tâm bảo tồn, tôn tạo từ những năm đầu sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Nhưng địa danh này chỉ thật sự chuyển mình mạnh mẽ chỉ đến khi được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, và tiếp theo đó là quyết định của Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế, với ba mục tiêu phải bảo tồn là văn hoá vật thể, phi vật thể và cảnh quan thiên nhiên gắn liền với đô thị, với tổng vốn đầu tư là 720 tỉ đồng cho ba giai đoạn từ 1996 -2010.
|
Nhã nhạc Huế, đang đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể. |
KTS Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhìn lại những công việc đã làm của một chặng đường 10 năm: Tất cả các di tích đều được bảo quản cấp thiết và gia cố chống hư hại. Các công trình và cơ sở hạ tầng có mức độ hư hại từ 40% đến 70% đều được lập dự án tu bổ, trong đó có 80 công trình đã được tiến hành với nhiều mức độ khác nhau. Tu bổ từng phần (điện Long An, Ngọ Môn, điện Thái Hoà, điện Long Ân, Kỳ Đài), tu bổ hoàn nguyên (cửa Quảng Đức, cung Diên Thọ, điện Minh Thành, hệ thống kè hồ Kim Thuỷ), tu bổ, tôn tạo thích nghi và tái sử dụng (Duyệt Thị Đường, hệ thống sân Đại Triều, quảng trường Ngọ Môn...). Nâng cấp hạ tầng để tạo điều kiện cho việc quản lý, bảo vệ và tham quan ở khu vực Đại Nội, cải tạo và nâng cấp hệ thống chiếu sáng tại các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, đàn Nam Giao... Dù có những khen chê khác nhau quanh chuyện trùng tu, tôn tạo ở một vài công trình, hạng mục, nhưng phải thừa nhận rằng, đấy là thành quả của những nỗ lực to lớn của chính quyền và người dân TT-Huế.
Không chỉ là trùng tu di tích
Song song với công tác trùng tu di tích, các ngành nghề thủ công truyền thống phục vụ công tác tu bổ cũng được chú trọng bảo tồn. Cụ thể là xưởng sản xuất vật liệu truyền thống của Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã sản xuất thành công và cung cấp ngói tráng men thanh lưu ly và hoàng lưu ly cho gần 30.000m2 mái lợp của các cung điện. Đây có thể coi là xưởng sản xuất duy nhất trong cả nước, mặc dù chỉ có 46 công nhân, nhưng đã cung ứng được thường xuyên 70 chủng loại vật liệu đặc thù khác nhau phục vụ cho việc trùng tu di tích. Ngoài ra, các ngành nghề sơn thếp, hội hoạ, lắp ghép sành sứ, mộc, đúc đồng truyền thống và các nghệ nhân làm thủ công của địa phương cũng đã nhân cơ hội này "nương" theo di tích mà phục sinh. Ông Nguyễn Văn Sính - nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng ở phường Đúc (Huế), một trong những người được UNESCO gọi là "báu vật nhân văn sống" - nhớ lại: "Những năm 90 trở về trước, cơ sở đúc đồng của tui chỉ là cái bóng của một quá khứ danh tiếng. Chỉ những năm trở lại đây, nhờ sự hồi sinh của di tích, cũng như sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mà cơ sở của tui được sống trở lại với những đơn đặt hàng khắp nơi từ trong nước đến Châu Á, Châu Âu...".
Bên cạnh việc bảo tồn và tôn tạo văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể, mà gần nhất là nhạc, múa, tuồng và lễ hội cung đình cũng được chú trọng và đã gặt hái được nhiều thành quả. Sau 9 năm thành lập, nhà hát cung đình đã nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ tế giao, 9 nhạc chương trong lễ tế miếu, 5 nhạc khúc trong lễ đoan dương, vạn thọ và Tết Nguyên Đán, 40 nhạc khúc thường được diễn tấu với đội tiểu nhạc, 14 khúc kèn dùng trong đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi vua ngự...,15 điệu múa cung đình đã được sưu tầm nghiên cứu, trong đó có 7 điệu múa được phục hồi, 13 điệu múa được dàn dựng nâng cao. Dàn dựng hai vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn (tuồng cổ) và Người khởi nghiệp đàng Trong (lịch sử). Với đa số bạn đọc, có thể những con số vừa kể chưa nói lên được điều gì lớn lao, nhưng với nghệ nhân tuồng La Cháu, cũng như hàng trăm nghệ sĩ khác đang hoạt động trong Nhà hát cung đình, Đoàn Ca kịch Huế, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế... thì đó là "một cuộc cách mạng lớn, mở ra cho chúng tôi nhiều vận hội: Việc làm, thu nhập, và quan trọng hơn cả là có đất để được sống chết với nghề mà cũng là nghiệp của đời".
Ông Võ Phi Hùng - Giám đốc Sở Du lịch TT-Huế - nhận xét: Những thành tựu trong tu bổ và bảo tồn di sản Huế đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy các giá trị văn hoá, làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Nếu như năm 1993, lượng khách tham quan đến Huế chỉ có 243.000 người thì đến năm 2002, con số là 1.335.337 người, với tổng doanh thu 33.697.267.000đ.
Hơn thế nữa, một hoạt động tầm cỡ quốc tế là Festival Huế đã rất thành công qua hai lần tổ chức, và xa hơn là việc xây dựng Huế thành một thành phố festival như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng là chùm "quả ngọt" từ "thân cây di sản". Tuy vậy, trong chùm "quả ngọt" ấy cũng còn có rất nhiều "trái đắng", mà sự nửa vời của các tour du lịch như nhà vườn Phú Mộng - Kim Long, phố cổ Gia Hội, phố ẩm thực..., hay những tệ nạn của loại hình ca Huế trên sông Hương đã nhiều năm rồi chưa được chấn chỉnh dứt điểm là những ví dụ.
10 năm là một chặng đường không dài, nhưng đủ để người dân, những người có trách nhiệm với di sản văn hoá Huế nhìn lại, đánh giá những gì được, chưa được. Với KTS Phùng Phu, những thành tựu của chặng đường 10 năm đã tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tiếp theo, giai đoạn phát triển bền vững. Với những gì đã làm, UNESCO đã tuyên bố, giai đoạn cứu nguy khẩn cấp di tích Huế đã qua đi, nhưng điều đó không có nghĩa, chấm dứt giai đoạn cứu nguy khẩn cấp là kết thúc mọi nỗ lực bảo tồn. Mà đây chính là sự mở đầu của một giai đoạn mới với những thách thức mới, đòi hỏi việc bảo tồn di sản Huế phải được thực hiện tốt hơn nữa.
(Theo Lao Động) |