|
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. |
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa dự Festival Sân khấu Mùa thu ở Mỹ về và sắp tới chị lại được Hội đồng văn hoá châu Á xét cấp học bổng sang nghiên cứu về sân khấu tại Mỹ 3 tháng. Theo chị, nghệ thuật khó thành công nếu không có sự hỗ trợ về tài chính.
- Chị có thể nói qua về Festival Sân khấu Mùa thu mà chị vừa tham dự?
- Festival có gần 20 nước tham gia nên tôi không chỉ xem sân khấu của Mỹ mà còn được xem sân khấu ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Nga... Giá vé cao nhất là 125 USD còn những hàng cuối thì giá 25 USD, có khi khán giả phải dùng ống nhòm để xem. Đó là những rạp lớn vài nghìn chỗ ngồi. Lại có những rạp chỉ có 200 ghế, 30 ghế, rất đa dạng và thích hợp cho mọi loại kịch bản.
- Chị thấy sân khấu của họ phát triển không? Nghệ sĩ ở đó sống được bằng nghề chứ?
- Họ có những sân khấu thị trường với các vở nhẹ nhàng theo thị hiếu khán giả và có những sân khấu rất nghệ thuật được tài trợ bởi các quỹ phi chính phủ. Hôm tôi đến, một số sân khấu nghệ thuật phải tạm dừng vì các quỹ này đang gặp khó khăn vẫn chưa phục hồi được qua vụ 11/9.
- Nghĩa là cũng có bao cấp như chúng ta để nuôi những tác phẩm nghệ thuật?
- Vâng, ở đâu thì nghệ thuật cũng cần có sự hỗ trợ để tồn tại và phát triển.
- Chị thấy xu hướng sân khấu thế giới và riêng của Mỹ ra sao?
- Họ đang dùng ngôn ngữ hình thể để vượt qua lời thoại, khiến tất cả khán giả dù ở nước nào cũng có thể hiểu được vở diễn. Đó là xu hướng toàn cầu hoá, sân khấu sẽ có tiếng nói chung. Trong vở, có thể vận dụng nhiều loại hình khác nhau. Thực ra Việt Nam mình đã có ngôn ngữ hình thể lâu rồi, cái mà mình gọi là vũ đạo. Tôi đã áp dụng từ vở Người đàn bà thất lạc, sử dụng hát bội, cải lương trong đó. Nhờ vậy, khi diễn khán giả đều hiểu.
- Liệu chị có dùng được những kinh nghiệm thu thập được ở nước ngoài áp dụng vào sân khấu nước ta hay không?
- Hoàn toàn được nhưng quan trọng là ai sẽ đồng cảm với tôi và hỗ trợ cho tôi. Vở Hồn Xuân Thu tôi dựng cho sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu TP.HCM tốt nghiệp vừa rồi là một thử nghiệm. Cuối cùng tôi vẫn hy vọng nhiều nhất vào lớp trẻ dám chơi dám chịu.
(Theo Thanh Niên) |