|
Ông Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại hội thảo. |
(VietNamNet) - Phát biểu tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm Đề cương văn hoá Việt Nam do Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức sáng 22/8 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Khoa Điềm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá TƯ đã nhấn mạnh nội dung: "Nền văn hoá nước ta không tách rời với con đường toàn dân tộc đang đi - chính là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội"...
Đó cũng chính là nội dung cơ bản của Cương lĩnh chính trị của Đảng được bổ sung bằng Đề cương Văn hoá Việt Nam do các ông Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo và được Hội nghị Ban Thường vụ TƯ Đảng thông qua năm 1945. Đề cương văn hoá Việt Nam bao gồm 5 nội dung chính: cách đặt vấn đề, lịch sử và tính chất văn hoá Việt Nam, nguy cơ văn hoá dưới ách phát xít Nhật - Pháp, vấn đề cách mạng và văn hoá Việt Nam, nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hoá Mác xít Đông Dương nhất là những nhà văn hoá Mác xít ở Việt Nam. Đây là một văn kiện quan trọng, được trình bày ngắn gọn và xúc tích, xác định rõ: Việt Nam tất yếu phải tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng - văn hoá và cuộc cách mạng đó phải do Đảng lãnh đạo.
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Khoa Điềm khẳng định: Bản Đề cương văn hoá Việt Nam ra đời nói lên tầm vóc chính trị tư tưởng sâu sắc của một chính đảng của giai cấp công nhân, đánh dấu bước phát triển mới của văn hoá nước nhà. Những quan điểm cơ bản về văn hoá Mác xít nêu ra trong đề cương trở thành ánh sáng soi rọi, kim chỉ nam cho chương trình hành động của văn hoá cách mạng. Ngay từ lúc mới ra đời, Đề cương văn hoá Việt Nam đã thu hút đông đảo đội ngũ những người hoạt động văn hoá văn nghệ ưu tú nhất của nước ta hồi ấy, đưa họ đến với Mặt trận Việt Minh, tích cực tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc...
Tham dự Hội thảo có hơn 50 tham luận của các nhà nghiên cứu lý luận nước ta quán triệt các tư tưởng chỉ đạo của Đề cương Văn hoá Việt Nam. Nhiều tác giả đã bám sát bối cảnh lịch sử, nghiên cứu sâu các khía cạnh nội dung, quan điểm của đề cương, làm sáng tỏ tư duy khoa học và đúng đắn của Đảng ta về các nguyên tắc dân tộc, khoa học đại chúng của nền văn hoá Việt Nam. GS, TSKH. Trần Ngọc Thêm nêu rõ: Đây là Đề cương văn hoá của một dân tộc yêu chuộng văn hoá.
Một số tham luận khác từ đề cương để nhìn nhận những vấn đề thực tiễn như bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc trong xu hướng toàn cầu hoá, quốc tế hoá. Việc nghiên cứu các giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương văn hoá Việt Nam vẫn là công tác đầy ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu lý luận nói chung, lý luận văn hoá, văn nghệ nói riêng. TS. Phạm Quang Nghị - Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin tiếp tục khẳng định đề cương văn hoá Việt Nam là một văn kiện đặt nền móng về quan điểm lý luận cho các chủ trương, chính sách của Đảng về văn hoá, văn nghệ. Chúng ta có dịp nhìn lại quá trình phát triển và hoàn thiện từ đề cương văn hoá Việt Nam đến các văn kiện về văn hoá, văn nghệ của Đảng ta, để hiểu sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền Văn hoá của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Khoa Điềm, Hội thảo 60 năm Đề cương Văn hoá Việt Nam cũng là dịp để nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 05 về Xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết 05 với ý nghĩa một chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã đi vào đời sống, tạo ra những chuyển biến nhận thức của xã hội về vai trò của văn hoá. Với những thành công và chưa thành công, ưu và khuyết điểm trong tổ chức, chỉ đạo; thực tiễn thực hiện Nghị quyết TƯ 5 đã và đang đặt ra những vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu và giải đáp như: việc xử lý quan hệ giữa phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, tác động tích cực lẫn tiêu cực của kinh tế thị trường đối với phát triển văn hoá, phát triển văn hoá trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cần tiến hành ra sao....
60 năm đã qua. Quán triệt những tư tưởng định hướng, mở đường của Đề cương văn hoá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng là thực hiện quan điểm, nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết TƯ5 về văn hoá theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi .
|