|
David Glass (trái) và Paul Zetter. |
Đạo diễn sân khấu nổi tiếng David Glass (Anh) sang Việt Nam làm giảng viên chính cho chương trình đào tạo "Nghệ thuật hỗ trợ phát triển cộng đồng" đang tiến hành giai đoạn 1 tại Hà Nội. Theo anh, sáng tạo tốt nhất chính là thông qua các trò chơi của trẻ em và anh sẽ áp dụng điều này tại Việt Nam. Báo giới đã phỏng vấn anh cùng người trợ giảng của mình: nhạc sĩ Paul Zetter, đại diện đoàn nghệ thuật David Glass tại khu vực Đông Nam Á...
- Nói đến nghệ thuật là nói đến sáng tạo. Nhưng sáng tạo hỗ trợ cho sự phát triển cộng đồng thì nghệ sĩ có quyền "áp đặt" cái riêng độc đáo của mình?
- David Glass: Trong lĩnh vực dùng "nghệ thuật hỗ trợ phát triển cộng đồng", người tham gia không đơn thuần sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có giá trị mà còn tạo điều kiện cho cộng đồng có tiếng nói mà ở nơi khác họ sẽ không có được. Điều này thách thức các nghệ sĩ đôi khi không nên đưa ra quan điểm riêng của mình thế nào là nghệ thuật thực sự, mà để cộng đồng xác định nghệ thuật ấy là hay, dở, đúng, sai theo quan điểm của họ. Sáng tạo cần cho con người như không khí, thức ăn và nước uống. Sáng tạo thường ở các mức độ khác nhau, với ba hình thức: Thích ứng, biến đổi và chuyển giao. Sự thích ứng thuộc về kỹ năng nhiều hơn. Với văn hoá luôn luôn phải thích ứng, nhiều khi nó làm ta mệt mỏi. Còn biến đổi là sự tập trung tạo ra cái mới. Chuyển giao là sự kết hợp cả hai yếu tố trên.
- Paul Zetter: Sáng tạo sẽ bắt ta tiêu tốn nhiều năng lượng, nhưng sáng tạo chính là để tồn tại. Sáng tạo còn để chia sẻ với mọi người, làm sao để truyền đạt những thông điệp mới mẻ đến với họ.
- Để kích thích sự sáng tạo trong cộng đồng thì hình thức nào là thích hợp nhất?
- David Glass: Sáng tạo tốt nhất chính là thông qua các trò chơi của trẻ em. Nếu nhìn lại tuổi thơ của những con người thành đạt, bạn sẽ thấy họ chơi rất nhiều. Nhưng ngay cả khi sáng tạo ra một trò chơi, thì bạn cũng phải tuân theo 5 bước (hệt như khi sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật). Đó là: Chuẩn bị, khơi nguồn ý tưởng, tổ chức- sắp xếp, thực hiện và đánh giá- suy ngẫm về nó.
- Paul Zetter: Qua trò chơi, các bạn còn học được sự liên kết, cộng cảm và tổ chức, phát huy tính sáng tạo của các thành viên khác nhau.
- Nhưng David Glass còn là giám đốc Đoàn kịch, vậy "ông chủ" có sợ bị mất đi sự sáng tạo của bản thân với cảm giác "bề trên", trong khi lại "khuôn" sáng tạo của các nghệ sĩ trong Nhà hát theo một dòng David Glass?
- David Glass: Để giành lấy sự tôn trọng của mọi người, đôi khi bạn phải thể hiện tính cách của một "ông chủ". Nhưng để mọi người tham gia có thể bộc lộ tính độc lập sáng tạo, bạn không thể mãi mãi ở vai trò nhà "độc tài", mà phải chuyển vai trò như một người đang yêu.
- Paul Zetter: Trong nghệ thuật không nên có sự "đồng loã" mà phải có sự hợp tác, cùng hưởng ứng như sự phức hợp cần có của các trò chơi. Nếu kiểm soát theo một chuẩn mực nào đó thì đôi khi không nâng cao mà kìm nén sức sáng tạo.
(Theo Lao Động) |