Như một dạng nhật ký, cụ viết mà không chủ đích viết cho ai, chủ yếu là những tâm sự của mình, rời rạc đứt đoạn có, hào hứng sôi nổi có, tâm sự sâu lắng cũng có và bộc bạch sở học, chia sẻ kiến thức cũng có. Đó là nhận xét mà nhiều độc giả dành cho cuốn di cảo Vương Hồng Sển - tạp bút năm Nhâm Thân do Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành.
Có thể nói đây chỉ là những đoạn rời của trí nhớ một ông già tuổi 90 được ông gọi đùa là "tên già". Thế nhưng, trong những đoạn hồi tưởng của mình, "tên già" ấy ghi lại được rất nhiều điều thú vị, chẳng hạn như một bài thơ xướng hoạ tương truyền của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đối đáp với Bà Chúa Liễu Hạnh ứng thân bà quán. Bài này làm theo thể thơ liên hoàn ứng đối, tức người trước gieo một câu, người sau đối lại một câu và gieo tiếp câu khác, cứ thế cho đến hết bài. Thể thơ này là một thú chơi của giới tao nhân mặc khách thời xưa, đòi hỏi sự nhạy bén trong tư duy thơ và khả năng vận dụng ngoại cảnh ngay tại buổi chơi.
Trong tư liệu văn học bây giờ ít ai nhắc đến các trường phái chơi thơ kiểu ấy. Nay đọc được trong sách của cụ Vương, mừng rỡ như gặp một nghệ thuật tưởng chừng không ai màng đến nữa. Về sử, cụ cũng có cách tiếp cận rất riêng. Trong bài viết "Bươi đống giấy cũ, mót lại sử vụn...", cụ hé mở nhiều chi tiết lịch sử độc đáo, cái mà chính sử thường khi vì nhiều lý do đã bỏ qua. Chẳng hạn như đoạn về Nguyễn Trung Trực được dựng đình thờ như thế nào trong hoàn cảnh Pháp chiếm thời ấy. Và còn nhiều chuyện nữa, như chuyện Trần Bá Lộc, cụ Vương viết tư liệu từ những điều chứng kiến, nghe được, với tinh thần của người trong cuộc nên hẳn sẽ cần thiết nhiều chỗ cho sự học của lớp nghiên cứu đời sau.
Trong phần nói về bài "Nước non ngàn dặm ra đi chưa chắc của bà Huyền Trân sáng tác", ngoài việc cho thấy thái độ của cụ Vương trước nghi án văn chương trong lịch sử, còn cho thấy cụ có một tâm hồn trẻ trung, thơ thới khi dẫn bài thơ của Hoàng Cao Khải với những câu nổi tiếng quen thuộc: "Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm; một gái Huyền Trân của mấy mươi..." với lời bình của cụ Vương là: thơ hay, độc địa, nhức xương.
Về tình riêng thì trân trọng bài khóc thê, ít ai tâm sự khi vợ mình qua đời như cụ Vương. Tuy là đã chia tay, nhưng mối tình với người vợ nhỏ hơn mình 10 tuổi ấy hẳn là sâu sắc lắm nên cụ mới viết những dòng xúc động như thế kia. Dẫu người đời nhìn vào thì nghĩa vợ chồng đã dứt từ lâu, nhưng tâm sự của cụ già 90 tuổi với người vợ trước kia khi đã "cái quan luận định" thì chắc không giả dối làm gì.
Hẳn khi chấp bút viết tập di cảo này, cụ Vương có ý để lại cho hậu thế, như có lần cụ tâm sự "giữ riêng để chết chôn theo thì có ích gì?". Chả thế mà cụ dành nhiều trang nói về các cách chơi đồ cổ. Từ đồ mai hạc đến tô sứ chén kiểu nọi phủ, từ đồ ở chợ Lớn đến chén trà Tùng Hạc, chậu sứ Khang Hy... tất cả là một kho tàng kiến thức dành cho lớp những "người chơi" nối gót cụ Vương. Đó cũng là điều kỳ thú vượt ra ngoài một tập di cảo trong năm Thân này vậy.
(Theo Tuổi Trẻ) |