88 tuổi đời, nhưng có đến 70 năm tuổi nghề và vẫn say mê hát, ông là nghệ nhân ca trù "giàu có" nhất Việt Nam vì đã sưu tầm và "sở hữu" tới 50 làn điệu, trong đó có nhiều làn điệu mà người trong nghề cũng phải ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nghe như: Dựng khúc tương tư, Khúc ca trường hận, Dương đường thân điểu... Ông là Nguyễn Văn Khôi (làng Yên Lộ, xã Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây), người hát ca trù đầu tiên được Hội Văn nghệ Dân gian phong tặng nghệ nhân.
Mối tình với cô chủ trò đoản mệnh
Cuộc đời của nghệ nhân này cũng thăng trầm. Khi còn nhỏ tuổi, cậu bé Khôi sớm mồ côi, được người ta thương dẫn đến học đàn ở nhà trò Bông Đỏ (Hà Đông, Hà Tây). Và ở đây, Khôi đã có những tháng ngày hạnh phúc với cô đào Nhiên - con gái ông chủ nhà trò và cũng là thầy dạy, dẫn dắt Khôi vào làng ca trù. Bây giờ ông yêu nó và thường lý giải: "Không phải chỉ vì bản thân ca trù, mà còn vì tình yêu của tôi dành cho đào Nhiên. Tôi phải hát cả cho đào Nhiên, phải say mê cho cả đào Nhiên và hát cho mối tình đầu đẹp đẽ nhưng đoản mệnh". Vì cô đào Nhiên đã sớm lìa xa người yêu của mình sau một lần ngã bệnh khi cô còn chưa kịp bước sang tuổi 18.
Thế là Văn Khôi phải ôm theo mối tình đầu thơ mộng nhưng đau đớn của mình gửi gắm vào lời ca, tiếng nhạc của ca trù. Chàng đã dồn tình yêu của mình cho việc học đàn và hát ca trù: một chân gõ cảnh, một chân gõ phách, một tay thổi sáo và một tay đánh đàn. Tiếng tom, chát cứ vẳng xa vào trời đất nghe xa xôi như tiếng gọi của tình yêu. Trên nền nhạc réo rắt ấy là tiếng hát nỉ non, da diết như rút ruột của một người con trai cứ mãi nhớ thương đi tìm bóng dáng người yêu.
Ngày xưa, đàn ông thường đi xem ả đào hoặc nghe hát cô đầu. Nhưng đến nhà trỏ Bông Đỏ, họ không xem "ả" và cũng chẳng nghe "cô" nào hát cả, mà họ rủ nhau đi nghe giọng hát mê hoặc lòng người của một "cậu" say mê ca trù. Cảm vì mối tình đầu của hai người và vì tài năng của Khôi, đã có rất nhiều người con gái đem lòng si mê người nghệ sĩ tài hoa này. Một bà giáo Dùng (ở bản Mường) đã làm tặng Khôi một bài thơ: Đời em chưa thấy có hai/Sáo, đàn, cảnh, phách một bài hoa chung/ Tài riêng anh thật lạ lùng/Một mình bốn việc ung dung nhịp nhàng...
Rồi ông khoe cả một tập các bài thơ của những người yêu mến tiếng hát mình ở khắp nơi gửi tặng. Những lời thơ động viên đó đã khích lệ và nuôi dưỡng tình cảm của ông dành cho ca trù trong suốt 70 năm qua.
32 năm lưu lạc với tiếng đàn
Năm 1937, ông rời nhà trò Bông Đỏ và đi theo tiếng gọi của Cách mạng. Năm 1940, ông được kết nạp Đảng. Năm 1941, ông là Phó Bí thư phụ trách tổ chức và tuyên truyền xây dựng cơ sở Đảng của xã Yên Lộ. Trong thời gian từ năm 1941-1945, ông đã đi xây dựng được 8 chi bộ Đảng ở các cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh... Nhưng đến năm 1955, do bị kẻ xấu vu là Quốc dân Đảng nên ông bị bắt, bị khai trừ khỏi Đảng và bị tước quyền công dân. Từ đây, ông phải sống cuộc đời lưu lạc trong suốt 32 năm. Nhưng đến đâu, ông cũng mang tiếng đàn, tiếng sáo và giọng hát ca trù đằm thắm của mình phục vụ cho hoạt động văn hóa ở các tỉnh. Và trong khoảng thời gian này, ông đã có điều kiện đi khắp đất nước, vừa sáng tạo vừa sưu tầm các làn điệu ca trù cổ.
Đến năm 1990, ông được minh oan, được phục hồi danh dự. Ông được mời về xây dựng đội ca trù ở địa phương. Đây là cả một thách thức lớn. Không có lấy một cây đàn đáy, ông phải dùng đàn mandolin; không có phách, ông nghĩ ra việc dùng đôi đũa cả làm phách. Nhiều người không thích đi hát và tham gia học hát, bởi thời kỳ này, đời sống của người dân vẫn còn hết sức khó khăn. Ông vẫn cố gắng thuyết phục mọi người tham gia, thậm chí, không được trả một đồng tiền công nào mà ông lại còn phải trích tiền lương hưu để thưởng hoặc nuôi học trò mình ăn học.
Đời cách mạng vui với tiếng phách, sênh
Bây giờ thì ông sung sướng cho biết, ông đã có 50 học trò và sở hữu 4 cây đàn đáy. Đối với ông đó quả là một gia sản đáng mơ ước suốt đời. CLB ca trù ở thôn do ông thành lập cũng đã thu hút được hơn 10 người tham gia sinh hoạt và cả CLB có tới 10 chiếc đàn các loại.
Hiện tại, ông sống cùng một người cháu trai. Ông vẫn rất tinh tường và minh mẫn, vẫn truyền dạy cách đàn và hát ca trù cho 3 đứa cháu và học trò. Ông vừa là một vị lão thành cách mạng và là bố của một liệt sĩ, lại vừa là một nghệ nhân dân gian. Không những hát hay, đàn giỏi và là người sưu tầm được nhiều làn điệu ca trù nhất trong nước, ông còn là người am hiểu và tinh tường về tử vi. Ông quan niệm đó là một môn khoa học và phải được học bài bản thì mới xem tử vi được. Nhiều người bảo ông xem tử vi đúng lắm, nhưng không biết ông có xem được vận hạn cho mình không mà số ông lận đận, có những quãng vui và cũng có cả những quãng buồn lặng như ca trù vậy.
(Theo TT & VH) |