(VietNamNet) - Tôi nhớ trong một cuộc họp của Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm ngoái, một kết luận được coi là quan trọng, rút ra từ sự tổng kết tình hình sân khấu nói chung, là sân khấu Việt Nam hiện đại đang lâm nguy và đang tồn tại một số vùng trắng. Một trong mấy vùng trắng nhất, và hình như bị coi là trắng phớ, chính là phê bình sân khấu. Bằng vào những quan sát và trắc nghiệm của riêng tôi, tôi ngờ rằng, đó là một kết luận khá vội vàng, hấp tấp, không lý giải đúng thực trạng sân khấu hiểm nghèo hôm nay.
|
Ảnh: NGUYÊN VŨ |
Tôi cho rằng, vùng trắng nhất hiện nay của sân khấu, chính là khán giả. Và, mặc dù, với tư cách là một nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn, bởi nó được biểu diễn bằng thân thể, giọng nói, tâm hồn của ngừời diễn viên cụ thể bằng xương bằng thịt trên sân khấu, một nghệ thuật thật là hấp dẫn đến điều - ấy vậy mà hôm nay vẫn vắng bóng người xem.
Tôi buộc phải hoài nhớ sân khấu biểu diễn những năm cuối thập kỷ 70, suốt thập kỷ 80, và đầu thập kỷ 90, các rạp hát tràn ngập người xem, nô nức người người rủ nhau đi xem kịch, đi coi hát. Rạp hát lúc đó tuy chưa hẳn là thánh đường đúng nghĩa, nhưng vẫn cứ là nơi vô cùng quyến rũ và hấp dẫn cái nghe - nhìn , và sau đó là cái nghĩ ngợi của người xem đại chúng. Sân khấu biểu diễn Việt Nam hiện đại đã đạt đến cực điểm về sức mạnh và sự tồn tại, thông qua vẻ đẹp bản thể của nó là nghệ thuật biểu diễn, mà trong đó có sự kết hợp ngoạn mục giữa những yếu tố sân khấu truyền thống và hiện đại đã được xây đắp qua hàng nửa thế kỉ phát triển, kể từ những năm 20 của thế kỷ XX.
Vì vậy, nếu quả thực tồn tại những vùng trắng đáng tiếc của những năm cuối thế kỷ XX vắt sang đầu thế kỷ XXI, thì vùng trắng nhất, theo tôi, chính là khán giả. Sân khấu bị mất khán giả một cách nhãn tiền, và dù có là người lạc quan đến mấy, thì vẫn phải công nhận rằng, đó là một sự thật cay đắng. Rất nhiều rạp hát biến thành chùa "Bà Đanh", và ở thủ đô Hà Nội, số nhà hát đỏ đèn hàng đêm, đã chỉ đếm được trên đầu ngón tay, có thể chỉ trên một bàn tay… Vì vậy, chỉ có thể nói rằng, trong cái vùng trắng khán giả kia, phê bình sân khấu chịu trách nhiệm một phần quan trọng trong đó, với tư cách là người môi giới cái đẹp của một nghệ thuật biểu diễn đặc thù. Mà theo Jean Vilar, một ''người - sân - khấu ''( chữ dùng của Thế Lữ) Pháp nổi tiếng, thì bản chất đặc trưng và sứ mệnh của sân khấu chính là ở chỗ: ''Sân khấu không chỉ là giải trí, sân khấu còn là khoái lạc đau đớn của trí tuệ và trái tim.
''Với tư cách một người viết phê bình sân khấu mà đã lâu nay, ít viết hẳn đi loại bài viết này, tôi cho rằng một trong những lầm lạc của việc sân khấu đang cố công đi tìm lại khán giả đã mất hôm nay, đó là việc cứ chăm chăm thoả mãn cho việc giải trí của khán giả bằng bất cứ giá nào. Tôi không hiểu tại sao sân khấu lại cứ quên bẵng đi rằng, người xem sân khấu đâu chỉ mua lấy tiếng cười tiếng khóc tại chỗ, rồi thôi. Và ngay cả khi có những khán giả đi xem sân khấu cốt chỉ để khóc cười tại chỗ, rồi thôi, thì họ cũng không phải là tất cả công chúng của sân khấu. Vì thế, ở sân khấu hiện đại Pháp, những người sân khấu Pháp đã có lý khi chia đôi hai loại khán giả, để cung cấp hai loại sân khấu : Một loại vở diễn chú trọng cung cấp những khoái lạc đau đớn của trí tuệ và trái tim, cho loại khán giả lý tưởng, có văn hoá cao về sân khấu, còn một loại vở diễn khác ''chuyên trị ''phục vụ mục đích tiêu khiển cho loại khán giả thích giải trí.
Tuy nhiên, lại không thể nói rằng, hai loại khán giả này lại khác nhau về thái độ văn hoá khi thưởng thức sân khấu. Sinh thời, đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi, khi sang Paris xem sân khấu Pháp hiện đại vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, đã tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ cách làm có hiệu quả này của người sân khấu Pháp, và ông rất mê khi nhìn thấy khán giả lý tưởng của sân khấu Pháp. Khi ông bày tỏ sự thán phục cùng với ngạc nhiên về điều này với bà Ariane Mnouchkine, một người sân khấu rất nổi tiếng ở Paris, là người Pháp gốc Nga, thì bà trả lời ngay: Anh khen khán giả Pháp là đúng thôi. Chúng tôi mất 200 năm mới tạo dựng cho sân khấu Pháp một khán giả như vậy.
Tôi ngoảnh nhìn sang sân khấu, một nghệ thuật rất gần gũi với nghệ thuật văn chương, trước khi nói về văn chương, cốt để nói rằng, sự khủng hoảng người xem sân khấu hôm nay, cũng tương tự như sự khủng hoảng của người đọc văn học hôm nay, hay như báo chí thường nói, là văn hoá đọc văn học Việt đang bị mất mùa. Và nếu gọi theo cách của sân khấu, thì liệu đây có phải là vùng trắng nhất của văn chương hôm nay không, hay là phê bình văn học mới là vùng trắng nhất?
Theo chỗ tôi hiểu, mà hiểu một cách giản dị nhất, ít ra là đối với tôi, thì sở dĩ sân khấu mất người xem, và rất có thể phải đối diện với nguy cơ mất trắng, là vì sân khấu đang thiếu cái để người ta xem một cách tử tế. Còn văn chương thì lại đang thiếu cái để người đọc đọc cho… tử tế. Tôi xin nhấn mạnh ngay để khỏi hiểu lầm, rằng thiếu không có nghĩa là hoàn toàn không có gì để xem hoặc không có gì để đọc. Chỉ có điều những cái để xem được, và những cái để đọc được của văn chương và sân khấu, nghĩa là được coi là tử tế đều quá hiếm hoi, ít ỏi… Phải chăng, từ cái hiện trạng chẳng mấy vui như thế, mà có thể chỉ đổ lỗi cho lý luận phê bình văn nghệ, và buộc họ phải chịu trách nhiệm chính về sự thiếu vắng những tác phẩm hay về văn chương, về sân khấu và về văn nghệ nói chung?
Thực ra cái vùng trắng của người xem sân khấu, người đọc văn chương hôm nay, lại liên quan trực tiếp và trước hết đến những chủ thể sáng tạo sân khấu và chủ thể văn chương. Có một chân lý giản dị là: vở diễn hay thì khắc có người xem, tiểu thuyết hay, truyện ngắn hay… thì khắc có người đọc. Hiểu giản dị như thế, mới có thể cắt nghĩa được rằng, trong thời buổi rặt những món ăn nhanh, những dịch vụ nhằm tiết kiệm thời gian tối đa, những truyện ngắn được viết rất ngắn, thu gọn đến 100 chữ, 1000 chữ, những vở diễn nhỏ chỉ vài nhân vật, thậm chí diễn kịch một mình, những phim ngắn, và tiểu thuyết ngắn đủ để đọc trong một chuyến bay xuyên quốc gia, v.v.và v.v…, mà vẫn có người say mê đọc Cái trống thiếc, Phế đô, Nôn nóng, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Linh sơn, và Hồ Quý Ly,…toàn những tiểu thuyết dày vài trăm trang. Cũng như, trong vài tháng gần đây, tôi để ý, người ta đang tìm đọc, và đọc lại hẳn hoi, những: Tự sự 265 ngày, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, Nằm nghiêng của Phan Huyền Thư, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, mặc dù cho đến bây giờ, ý kiến về nhà văn này vẫn rất khác nhau. Tập truyện ngắn mới của Nguyễn Thị Thu Huệ Nào, ta cùng lãng quên, vừa mới ra, cũng được hào hứng đón đọc.
Bằng vào kinh nghiệm bản thân, tôi thấy, đã là tác phẩm văn học hay, thì chẳng bao giờ thất mùa người đọc. Ngay cả những cây viết trẻ, vừa mới xuất hiện tác phẩm đầu tay, mà lại viết chỉ cho người trẻ đọc chẳng hạn, như Nguyễn Ngọc Thuần, với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Nguyễn Ngọc Tư với những truyện ngắn xinh xẻo, và Phương Trinh, mới toanh, với Mây bay ngang rồi mây bay qua, Quả táo, là những truyện ngắn khá tinh tế, hứa hẹn mới lạ… cũng đã đựơc người đọc chú ý ngay.
Và đã là sách văn học hay, nghĩa là nó sẽ còn được đọc đi đọc lại, chỉ bởi vì, với tính'' phi vật thể ''của hình tượng nghệ thuật ngôn từ, tác phẩm văn học hay, thường có một chiều sâu thăm thẳm, dường như không có đáy.
Tôi thấy mình dường như đã lóng nghe được sự trở lại của văn hoá đọc, ít nhất là qua những điều đã chiêm nghiệm ở trên. Hy vọng, đó chẳng phải là sự lóng nghe của một mình tôi. Và như thế thì còn chờ đợi gì nữa, hỡi các nhà phê bình, mà không làm ngay công việc cần làm ngay, là phê bình văn chương của hôm nay đi, khi mà sứ mệnh của nhà phê bình, với người đọc, chính là người môi giới cái đẹp, còn với nhà văn, là kẻ tri âm? Nếu không muốn nói một cách to tát rằng, một nền văn học mà thiếu đi những nhà phê bình, thì hẳn nhiên là vẫn còn ấu trĩ. Hình như mới đây, nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư có khẩn khoản kêu gọi rằng, các nhà phê bình văn học hãy ra roi đi để tôi biết rõ hiệu quả cái viết của tôi như thế nào, chứ đừng im lặng như thế.
Theo tôi, đấy là lời khẩn cầu tha thiết nhất của người sáng tác, dành cho đích thị những nhà phê bình của hôm nay, phải chăng văn chương đầu thế kỷ XXI đang có những vận động mới, văn hoá đọc đang có cơ được mùa trở lại, nên mới cần đến thế, sự trở lại của phê bình văn học? Và, hoàn toàn có thể là của văn nghệ hôm nay nói chung?
|