Festival các nhà văn hoá thiếu nhi toàn quốc 2003:
Một ngày hội của thiếu nhi
10:10' 16/08/2003 (GMT+7)

(VietNamNet)- “Bốn phương trời ta về đây chung vui…” giai điệu của bài hát đã làm tưng bừng sân khấu của Trung tâm triển lãm Vân Hồ trong suốt thời gian diễn ra Festival các nhà văn hoá thiếu nhi toàn quốc 2003. Với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam – vươn tới tương lai”, tối qua 12/8, Festival đã kết thúc sau bốn ngày thi đấu, biểu diễn, giao lưu sôi nổi…

Thực sự là “ngày hội” của những “mái nhà chung”!

Tham dự Festival lần này có 50 nhà thiếu nhi từ vùng núi phía Bắc đến vùng cực Nam của Tổ quốc, một số lượng lớn nhất từ trước tới nay. Nhiều nhà thiếu nhi các tỉnh phía Nam vừa tham gia Liên hoan Búp Sen hồng (12- 17/7 tại thành phố Long Xuyên- An Giang), chưa kịp nghỉ ngơi đã hăng hái tiếp tục “đem chuông” ra Thủ đô.

Các đoàn đã tham gia bốn nội dung thi đấu và biểu diễn, bao gồm các môn thi đấu cờ vua và cầu lông, biểu diễn văn nghệ tổng hợp và thi mô hình sáng tạo. Hơn 2000 thiếu nhi từ mọi miền đất nước được giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau. Các “vận động viên” đã thi đấu, biểu diễn hết mình và cũng thể hiện những nét hồn nhiên rất trẻ thơ. Đêm bế mạc, các thành viên của nhà văn hoá thiếu nhi TP. Hải Phòng cứ tấm tức khóc mãi, dỗ thế nào cũng không nín; hoá ra, ở cùng khách sạn rồi chơi thân với các bạn bên đoàn Bình Phước, giờ phải chia tay, lưu luyến quá nên...

Biểu diễn văn nghệ là bộ môn có tính chất điểm nút, cái đinh của Festival được các đoàn chuẩn bị dàn dựng công phu. Các nhà văn hoá thiếu nhi đã khai thác tối đa lợi thế của dân ca như “các điệu hò ba lý” của nhà văn hoá tỉnh Quảng Ngãi, Về thăm Kiên Giang của nhà văn hoá tỉnh Kiên Giang, đoàn Daklak lại rất ấn tượng với những tiết mục hát, múa, hoà tấu nhạc dân tộc như múa Ring reo, hoà tấu chiêng ống Tiếng chim Pocrotốc gọi mùa; nhiều đoàn tập trung vào chủ đề Hướng tới SEA Games tạo nên màu sắc phong phú, sôi động cho sàn diễn, thể hiện được nét văn hoá đặc sắc của các vùng, miền trên toàn quốc. Kết quả có 7 đơn vị đạt giải xuất sắc, 25 đơn vị đạt giải A1 và 17 đơn vị đạt giải A2.… Nhạc sĩ Phạm Tuyên, thành viên Ban giám khảo cho biết, việc các nhà văn hoá chọn những tiết mục dân ca, múa hát dân tộc thực sự đã tạo nên một sự bứt phá trong việc giáo dục các em góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Tại Festival này, lần đầu tiên, Ban tổ chức đã đưa bộ môn thi các mô hình sáng tạo vào nội dung thi. Với chủ đề “Em yêu khoa học đây là một quyết định quan trọng trong việc định hướng các hoạt động giáo dục của nhà thiếu nhi trong thời gian tới, khuyến khích các em thể hiện sự sáng tạo và những suy nghĩ mang tính nhân văn, có ý nghĩa đối với cộng đồng. 12 mô hình tham dự giải còn là con số khiêm tốn nhưng cũng đã thể hiện được trí tuệ và lòng ham học hỏi của thiếu nhi Việt Nam. Giải Nhất thuộc về hai mô hình gậy điện tử và rô bốt điều khiển từ xa phục vụ cho người già và trẻ em khuyết tật của Nguyễn Phú Sơn, Nhà văn hoá tỉnh Phú Thọ - được đánh giá cao vì tính thiết thực và khả thi. Cậu học sinh lớp 11A2 trường chuyên Hùng Vương này cho biết em rất mong những mô hình của em sẽ được ứng dụng phục vụ cho người khuyết tật : “Em sẽ làm mô hình xe lăn có thể tự lên xuống được, hoặc có thể báo động khi xe bị đổ…Tỉnh em có tới 5.000 người khuyết tật mà chỉ có rất ít xe lăn…”

Không chỉ là dịp để các em giao lưu, Festival thực sự tạo được cơ hội học hỏi cho các anh chị phụ trách trong việc tổ chức các hoạt động chung. Chu Ngọc Huấn - anh phụ trách và cũng là huấn luyện viên thể thao của Nhà thiếu nhi Quảng Bình tâm sự: “Đây là một giải phong trào được tổ chức tốt, qua đó mình cũng học hỏi được nhiều điều, đặc biệt là cần thay đổi phương pháp huấn luyện cho các em một cách chuyên nghiệp hơn nữa, đào tạo nhiều em thi đấu ở cấp quốc gia…”. Anh Đỗ Thái Sơn - Nhà thiếu nhi TP. Hải Phòng lại có ý tưởng sau Festival sẽ về nghiên cứu, lắp ráp mô hình tổ chức biểu diễn mới, hiện đại hơn cho các em… Mong rằng những dự định “hậu festival” sẽ đem lại những thành công mới cho “ngôi nhà chung” của các em!

Sẽ hay hơn nữa! Nếu…

Festival các nhà văn hoá thiếu nhi toàn quốc 2003 đã thành công tốt đẹp, thực sự đem lại cho Thủ đô những ngày tràn ngập tiếng cười của trẻ thơ. Bên cạnh những kết quả và thành công cũng vẫn còn những tồn tại nhưng không đáng kể, chẳng hạn như một số đơn vị đầu tư chương trình chưa xứng tầm của một liên hoan toàn quốc, số lượng mô hình tham gia mô hình sáng tạo còn ít, lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn các đoàn còn thiếu, sân khấu biểu diễn văn nghệ tổng hợp quá nhỏ so với yêu cầu của loại hình văn nghệ quần chúng, các hoạt động của Festival chưa được đông đảo thiếu nhi thủ đô hưởng ứng…

Khi được hỏi thì hầu hết các trưởng đoàn đều muốn có thêm thời gian để cho các em được giao lưu thêm với các bạn. Và, chính các anh chị phụ trách cũng muốn có một buổi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tổ chức, quản lý thiếu nhi với các đoàn bạn. Anh Huỳnh Ngọc La Sơn, Nhà văn hoá tỉnh Daklak còn có ý kiến đề nghị với BTC nên tổ chức một buổi để thiếu nhi toàn quốc “báo công dâng Bác”- “chỉ để hát cho Bác nghe một bài thôi, cũng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với những em thiếu nhi dân tộc, ở xa Thủ đô”….

  •  Bích Vượng 
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát hành ca khúc chưa từng công bố của Elvis Presley (16/08/2003)
Ảnh đời thường còn hiếm trên báo chí Việt Nam (16/08/2003)
Model look 2003 sẽ diễn ra tại Singapore (16/08/2003)
Đi tìm nét đặc trưng người Hà Nội (16/08/2003)
Giáng My về Hà Nội vì "Khi người ta yêu nhau" (16/08/2003)
Lễ hội văn hoá và ẩm thực Indonesia tại Hà Nội (15/08/2003)
Chương trình hoà nhạc Yamaha Motor ngày 18-19/8 (15/08/2003)
Múa dân gian và nhạc Mariachi của Mexico tại Hà Nội (15/08/2003)
Các sao ca nhạc đua nhau "tấn công" truyền hình (15/08/2003)
Khởi động dự án làm phim miễn phí (15/08/2003)
Những người hành nghề nhiếp ảnh ở Phong Nha bị "làm luật" (14/08/2003)
Nguyễn Thiện Đức - hoạ sĩ logo (14/08/2003)
Trao giải Triển lãm Mỹ thuật khu vực VI - TP.HCM (14/08/2003)
Đưa tiễn GS. Nguyễn Lân về cõi vĩnh hằng (14/08/2003)
Mai Phương có bị tước danh hiệu hoa hậu? (15/08/2003)
Tro ve dau trang