|
Một tấm ảnh đời thường của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. |
Thường có một lời phê: Ảnh đẹp nhưng thiếu thông tin. Và điều đó cũng gần như đồng nghĩa với câu "ảnh không có tính báo chí". Nhưng lại có dạng ảnh đôi khi không mang nhiều thông tin mà lại cần trên mặt báo - đó là ảnh đời thường. Nó mang đến cho độc giả một nhát cắt vào cuộc sống, không hẳn là tin tức, nhưng lại độc đáo, khác lạ.
Ảnh đời thường luôn đem lại những khoảnh khắc thú vị cho bạn đọc. Có khi đó là cái duyên, sự nhạy cảm của nhà nhiếp ảnh khi phát hiện một nhân vật nổi tiếng trên đường phố như ảnh của một phóng viên ảnh chụp Giáo sư Võ Quý đi chợ mua rau... Đôi khi lại là hình ảnh ngủ gục dưới mái hiên nhà của hai cô gái bán hoa quả trong ảnh của tác giả Nguyễn Gia Tòng với cái tựa "ế!". Và có những bức ảnh của lão tướng Quang Phùng nhấn mạnh sự tương phản, trớ trêu đôi khi đến nực cười của người lao động nghèo với những kẻ "trưởng giả học làm sang".
Những tấm ảnh có một chút hài hước, dí dỏm như thế có tác dụng giúp bạn đọc thư giãn kể cả khi phải đối mặt với dòng thác thông tin hôm nay. Và những tấm ảnh như thế có quyền cạnh tranh một chỗ đứng độc lập trên mặt báo? Điều đó còn phụ thuộc ở cách đặt vấn đề qua những dòng tựa đi kèm. Trở lại tấm ảnh Giáo sư Võ Quý, nếu nó đăng đúng dịp ông được giải thưởng "Hành tinh xanh"; hay tấm ảnh của Nguyễn Gia Tòng nếu mặt hàng hoa quả hai cô gái đó bán đang bị người tiêu dùng "tẩy chay" vì chất lượng hay sự độc hại thì khi đó tấm ảnh sẽ được chấp nhận nhanh chóng.
Nhưng nếu con mắt nhà nhiếp ảnh dễ dãi thì ảnh đời thường lại trở thành những tấm ảnh vô thưởng vô phạt, chẳng nói lên điều gì và chỉ đáng nhận ánh mắt thờ ơ của độc giả.
Ở ta rất hiếm khi có những ảnh đời thường trên mặt báo, thường là ảnh tin tức, ảnh hội nghị hay đơn thuần là ảnh lưu niệm chụp những cô gái đẹp làm duyên. Trước đây đã từng có một nhóm ảnh đời thường của Báo ảnh Việt Nam mà khi mới ra mắt đã làm dư luận chú ý vì những góc nhìn góc cạnh phát hiện những cảnh đời, những trạng huống tình cảm, đánh thức cảm xúc của người xem. Nhưng sau vì nhiều lý do khác nhau, nhóm này cũng không tiếp tục con đường đi của mình nữa (hay họ đang âm thầm chờ đợi thời cơ để tung ra một cú "sốc" cho dư luận!).
May thay, nhiều sinh viên nhiếp ảnh học trong Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh đặc biệt có hứng thú với thể tài này, và đã có những tìm tòi đáng ngạc nhiên. Để có ảnh đời thường, phóng viên phải hết sức kiên trì, bám theo nhân vật. Tay máy Dương Minh Long nói vui: ảnh đời thường là loại ảnh "vu vơ" tưởng như chẳng nói lên gì mà nói rất nhiều. Trong khi nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn theo kinh nghiệm đầy mình cho hay: Lắm khi bấm nhát đầu tưởng là đắc địa nào ngờ càng đi theo nhân vật càng phát hiện ra nhiều cảnh sau mới là hay".
Ảnh đời thường không chỉ là ảnh đơn mà còn là ảnh bộ với tính chất là ký sự ảnh, nhóm ảnh và một số tờ báo ở ta đã dùng những hình thức này song chưa nhiều và thường theo kiểu "có thì dùng, không thì thôi" hơn là mang tính chủ đích. Song ảnh đời thường không có nghĩa đơn thuần là ảnh "chụp giật" "vồ chộp" trên đường phố với cái kiểu "gí sát mặt" người ta để chụp, để dùng kỹ thuật hút mắt độc giả hơn là bản thân nội dung ảnh. Mà đó còn là những dự án có chiều sâu, được nghiền ngẫm từ những phút tình cờ, sự liên tưởng hay giản dị hơn là sự loé lên của tư duy! Và như thế những hình ảnh đời thường lắm khi làm ta bất ngờ vì sự có mặt của nó trong cuộc đời này!
(Theo Lao Động)
|