Đưa tiễn GS. Nguyễn Lân về cõi vĩnh hằng
17:43' 14/08/2003 (GMT+7)
GS. Nguyễn Lân

(VietNamNet) - "Ba ra đi không để lại của cải vật chất gì cho con cháu, vẫn căn hộ nhỏ 13 mét vuông trên tầng hai khu tập thể Kim Liên được phân phối hồi nào. Nhưng ba đã để lại cho các con các cháu di sản tinh thần, một niền tin vào chân,  thiện, mỹ. Ba đã truyền cho chúng con ý chí học tập vươn lên không ngừng để trở thành người có ích cho đất nước"... Lời từ giã người cha của GS Nguyễn Lân Dũng đọc trong tang lễ cha mình khiến bao người cảm động.

Hôm qua (13/8),  hàng chục ngàn người  đến nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (Hà Nội) tiễn đưa GS - NGND Nguyễn Lân về nơi an nghỉ cuối cùng. Đông đảo các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội và đến đưa tiến ông. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ghi sổ tang: "Lòng yêu mến Quốc Văn và đạo đức người thầy suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục của GS - NGND Nguyễn Lân là tấm gương sáng cho các thầy cô giáo trong sự nghiệp phát triển nền giáo dục nước nhà thời kỳ đổi mới".

 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, đọc điếu văn (ảnh Phú Cương).
Hàng nghìn học trò cũ của thầy tóc bạc trắng đội mưa chờ vào viếng. Đồng chí Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trưởng ban tổ chức tang lễ đọc điếu văn đã nhấn mạnh công lao to lớn của GS - NGND Nguyễn Lân đối với sự nghiệp "trồng người", Bộ trưởng nhấn mạnh cách đây hơn 30 năm chính GS. Nguyễn Lân đã đề xuất khôi phục tinh thần 'Tôn sư trọng đạo", "Tiên học lễ hậu học văn" lúc đó có ý kiến không nhất trí.

Giáo sư Nguyễn Lân quê ở: thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sinh ngày 14/6/1906. Ngay từ khi ngồi học trong ghế nhà trường, Nguyễn Lân đã là một học sinh xuất sắc, năm 1925 khi còn đang là học sinh, ông đã viết tiểu thuyết "Cậu bé nhà quê", tác phẩm đã được nhà văn Alfred Bouchet dịch sang tiếng Pháp "Le petit campagnard" và sau đó được đưa vào sách giáo khoa. Tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (1932) ông dạy học ở hai trường tư thục Hồng Bàng và Thăng Long tại Hà Nội. Năm 1935, ông vào Huế dạy ba trường : Quốc Học, Đồng Khánh, và Bách Công. Ông rất tích cực tham gia trong Hội truyền bá chữ quốc ngữ năm 1938. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được giao trọng trách "Giám đốc Học chính Trung bộ", rồi giám đốc giáo dục khu 10, thời kỳ này ông được Hồ Chủ tịch gửi thư khen, và tặng ông một bộ quần áo lụa, năm sau ông lại được Bác Hồ tặng bằng khen... Cuộc đời gần một thế kỷ của ông gắn bó với công tác dạy học. Có bao nhiêu thế hệ học sinh đã được ông dạy dỗ. Có nhiều người sau này là bậc "lương đống" của đất nước: nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Trần Hoàn... Đúng như một bức trướng học trò tặng ông "Đào Lý mãn thiên hạ" - những người tài giỏi là học trò của thầy ở khắp đất nước.

Đưa lĩnh cứ GS, NGND về noi nơi an nghỉ cuối cùng (ảnh Phú Cương).

Ông là nhà viết tiểu thuyết thế hệ đầu ở nước ta với các tác phẩm "Cậu bé nhà quê" (1925), "Khói hương" (1935),  "Ngược dòng" (1936), "Hai ngả" (1936) đều in tại NXB Tân Dân, Hà Nội. Sau này giáo sư (GS) dành nhiều tâm huyết viết giáo trình giảng dạy, và đặc biệt ông đã để lại cho đời những quyển từ điển rất có giá trị.

GS từng tâm sự: "Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, anh em chúng tôi từ Khu học xá trung ương tại Trung Quốc phấn khởi về nước. Nhận thấy rằng sinh viên và học sinh các trường không có một từ điển tiếng Việt nào để tra cứu, một số chúng tôi đã quyết định cùng họp lại để giải quyết sự thiếu thốn ấy. Vì thế năm 1969, quyển Từ điển Tiếng Việt đầu tiên của chế độ ta đã được ra mắt bạn đọc...". Quyển Từ điển "Từ và ngữ Việt Nam" dày 2111 trang ra đời năm 2000 là một cống hiến to lớn của gần năm năm trời làm việc khi GS đã ở tuổi 94 (là một trong những trước tác mà GS được trao giải thưởng nhà nước về công trình Khoa học). Theo GS Vũ Khiêu, "cuốn từ điển này ra đời đã mang lại một sự bất ngờ cho xã hội... Là người bạn vong niên của giáo sư Nguyễn Lân cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi luôn luôn kính phục sự uyên bác của ông... Qua những buổi cùng làm việc với đông đảo trí thức, ông luôn luôn thể hiện những ý kiến sâu sắc và phong phú của mình. Người ta thường gọi đùa ông là cuốn từ điển sống". Nhân dịp GS, NGND Nguyễn Lân 90 tuổi, GS Vũ Khiêu đã tặng cụ đôi câu đối:

"Bác cổ thông kim chân trí giả"
"Hiền mô, thánh phạm hiển nhân sư".

(dịch ý: am hiểu chuyện xưa, tỏ tường việc nay đúng là bậc trí thức chân chính - Tư cách người hiền, phong pham bậc thánh, xứng danh là người thầy giáo mẫu mực).

Vĩnh biệt GS, NGND Nguyễn Lân, (ảnh Phú Cương).

Lời từ giã người cha yêu quý đọc trong tang lễ của GS. Nguyễn Lân Dũng có đoạn: "Ba ra đi không để lại của cải vật chất gì cho con cháu, vẫn căn hộ nhỏ 13 mét vuông trên tầng hai khu tập thể Kim Liên được phân phối hồi nào. Nhưng ba đã để lại cho các con các cháu di sản tinh thần, một niền tin vào chân,  thiện, mỹ. Ba đã truyền cho chúng con ý chí học tập vươn lên không ngừng để trở thành người có ích cho đất nước".

Theo ý nguyện của GS, con cháu đã đưa cụ về quê nhà, an táng tại nghĩa trang xã Phùng Chí Kiên. Trên cánh đồng lúa đang làm đòng toả hương thơm ngát, hàng nghìn bà con quê hương đã đón linh cữu Giáo sư đặt cạnh cụ bà - người vợ mà cụ vô cùng yêu quý.

  • Phú Cương
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mai Phương có bị tước danh hiệu hoa hậu? (15/08/2003)
David Bowie trở lại với chuyến lưu diễn thế giới (14/08/2003)
Bắt giữ nhiều cơ sở in sao đĩa sex giữa lòng Hà Nội (14/08/2003)
Đoàn Lê và "Cái chết của Hồ Xuân Hương" (14/08/2003)
50 nghệ sĩ tồi nhất trong lịch sử âm nhạc (14/08/2003)
Việt Nam, nơi ý tưởng sáng tạo đến với tôi mỗi ngày (14/08/2003)
Brazil đăng quang tại cuộc thi Nam Hậu Thế giới 2003 (13/08/2003)
"Sao Mai 2003 đã là một hoạt động mang tính xã hội cao" (13/08/2003)
Nhạc sĩ trẻ Hồng Kiên "không dám viết cho ca sĩ trên trời rơi xuống" (13/08/2003)
Vĩnh biệt nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (13/08/2003)
Khởi động ''Đường lên đỉnh Olympia'' lần thứ 5 (12/08/2003)
Duy Thanh - người hay vào vai cán bộ biến chất (12/08/2003)
Angelia Jolie tặng 1,5 triệu USD cho Chương trình bảo tồn rừng Campuchia (12/08/2003)
Nhà hát Trần Hữu Trang: giới thiệu "đặc sản" cải lương (12/08/2003)
Kevin Costner được ghi tên trên Đại lộ danh vọng ở Hollywood (12/08/2003)
Tro ve dau trang