Nhà điêu khắc Glen Clarke vừa trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc triển lãm của ông cùng ba đồng nghiệp khác cũng là người Australia, sẽ tổ chức tại TP. HCM vào tháng 9 tới. Từng tham gia Trại điêu khắc quốc tế năm 1998 ở Huế, và sang Việt Nam nhiều lần, ông nói rằng, Việt Nam là nơi ý tưởng sáng tạo đến với ông mỗi ngày.
- Glen, ông có biết số phận tác phẩm của mình ở vườn tượng trước Trường Quốc học Huế hiện nay không?
- Tôi vừa về thăm vườn tượng vào tháng 3 năm nay. Tôi làm nó khi tham gia Trại điêu khắc quốc tế năm 1998 ở Huế. Một tác phẩm rất thú vị với tôi vì tất cả được nảy sinh trong lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, trên máy bay của Vietnam Airlines tôi đọc được câu chuyện cổ tích Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho. Những cái niêu đất chính là lấy ý tưởng từ câu chuyện này đấy. Đến nay cũng đã năm năm rồi, màu sắc tác phẩm đã thay đổi, có chỗ bị vỡ. Nhưng nói chung là tốt, tôi chẳng thấy có gì phàn nàn cả.
- Sao lại vậy? Ông có biết rằng thời gian qua ở đây có nhiều người, nhiều bài báo lên tiếng về tình trạng vườn tượng Huế, trong đó có cả tác phẩm của ông, bị hư hỏng, cũ vỡ do không được các nhà chức trách quan tâm, bảo quản? Tôi cứ chờ đợi ở ông lời phàn nàn cơ.
- Đây là một điều thật thú vị mà tôi chỉ gặp ở Việt Nam, có lẽ đó cũng chính là một lý do khiến tôi muốn quay lại đây làm việc. Tôi biết tất cả những điều bạn nói, và tôi thấy rất vui khi có nhiều người quan tâm đến số phận những bức tượng như vậy. Còn gì buồn hơn là những bức tượng cứ đứng ở đấy mà chẳng có ai để ý đến chúng. Ở Việt Nam mọi người rất thích quan tâm đến nhau. Ở nước tôi, và nhiều nước châu Á khác mà tôi có dịp qua, mọi người không thế đâu. Còn về chuyện các tác phẩm điêu khắc ở Huế, việc chúng bị biến đổi, thậm chí bị ai đó làm hư hỏng là chuyện bình thường. Điêu khắc đương đại bây giờ được làm bằng nhiều loại chất liệu, thậm chí bằng cả trái cây, bánh, chúng khó có thể giữ được lâu dài. Có triển lãm, khi tôi đến xem thì tác phẩm chỉ còn lại... một mẩu bánh mì! Đừng nghĩ cứ là tác phẩm nghệ thuật thì bất biến và mãi mãi. Thế thì có bảo tàng nào chứa hết. Hơn nữa, việc các tác phẩm điêu khắc ở Huế bị thay đổi là do môi trường, do con người... thì chính điều ấy cũng đã nói lên điều gì đó về môi trường và con người ở đó, về thái độ của họ đối với tác phẩm. Thú thực là khi tôi nói ra điều này, nhiều người ở trại điêu khắc còn giận tôi đấy.
- Điêu khắc đương đại có vẻ gần giống nghệ thuật sắp đặt (installation)?
- Điêu khắc hiện nay đúng là có nhiều thay đổi, về hình thức chất liệu, cách sử dụng không gian. Nhưng với cá nhân tôi, trong điêu khắc khoảng trống mới là quan trọng. Khi thực hiện một tác phẩm tôi thường quan tâm đặc biệt đến khoảng trống giữa các vật trong không gian. Bao nhiêu thì là vừa đủ trong cái khoảng trống đó, chỉ có cảm xúc, cảm giác về vật chất và văn hóa mới có thể đong vừa. Hai vật như người đàn ông với người đàn bà vậy, phải có khoảng cách bao nhiêu là vừa để hiểu nhau. Xa quá không tốt và gần quá cũng không tốt đâu (cười vui).
- Hiện nay các điêu khắc gia ở Việt Nam rất khó sống bằng nghệ thuật của họ, các gallery không muốn triển lãm điêu khắc vì vừa tốn chỗ vừa khó bán, các nhà điêu khắc của chúng tôi nghề chính là nhận hợp đồng làm tượng đài, trong đó phần nhiều bị kêu ca là tốn tiền mà lại xấu. Ông có sống được bằng việc bán các tác phẩm của mình không?
- Trước đây thì có, khi tôi còn vẽ tranh. Nhưng sau đó tôi không còn đủ cảm xúc để vẽ tranh nữa. Tôi muốn làm những cái gì khác để có thể bộc lộ được hết những cảm xúc và suy nghĩ, tôi đã chọn điêu khắc. Ở Australia cũng như ở nhiều nước khác, các nghệ sĩ điêu khắc cũng ở trong tình trạng giống Việt Nam thôi. Chỉ có một số ít người may mắn có tác phẩm bán cho một số sưu tập hoặc bảo tàng. Nhiều người cũng phải nhận hợp đồng làm tượng cho các khách sạn, công ty. Tôi không cho đấy là nghệ thuật của họ. Hiện nay tôi sống bằng việc giảng dạy mỹ thuật. Đấy cũng là một nghề phổ biến của các họa sĩ trên thế giới hiện nay.
- Vậy lý do gì khiến ông thích đến Việt Nam làm việc và triển lãm?
- Đối với tôi, việc đến một đất nước ngoài Australia, một môi trường, một nền văn hóa khác, luôn thú vị và bổ ích, tôi sẽ học được nhiều điều. Trước khi đến Việt Nam tôi có đi nhiều nước Đông Nam Á và châu Á. Nhưng thú thật là với cá nhân tôi, Việt Nam có một cái gì đó hoàn toàn khác. Rất nhiều thứ ở đây làm tôi thích thú và nhớ mãi: những câu chuyện cổ tích, những con người cởi mở, thích quan tâm đến người khác, các món ăn Việt Nam, nhất là món ăn Huế (vì tôi ở đây khá lâu mà) như bún bò Huế, tôi có thể nấu được. Đặc biệt là văn hóa Việt Nam, giống phim nhiều tập, nó có rất nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau, có lẽ bởi Việt Nam có một lịch sử văn hóa nhiều nghìn năm, khác với nước Australia chúng tôi. Sau khi dự Trại sáng tác năm 1998 về, tôi đã quay lại Việt Nam nhiều lần, đi du lịch nhiều tỉnh phía bắc, không phải đi theo tour du lịch đâu, đi bằng xe gắn máy. Australia là quê hương của tôi, có gia đình tôi, tôi không thể xa nó, nhưng về quê thì tôi lại nhớ Việt Nam. Ở đây những ý tưởng sáng tạo đến với tôi mỗi ngày, bạn xem này (Clarke giở những trang phác thảo ông luôn mang theo người: phác thảo những chiếc áo gấp từ đồng đô-la địa phủ, những con thuyền nan, những bình rượu Minh Mạng thang...). Có lẽ không phải chỉ có tôi cảm giác như vậy, mà còn ba người bạn khác là Bonita Ely, Gail Joy Kenning và Sue Pedley, họ tham gia Trại điêu khắc quốc tế tại Huế lần thứ 3. Năm ngoái nhóm bốn người chúng tôi làm chung một triển lãm tại Gallery 4a (Sydney) có tên là Huế. Các tác phẩm trong triển lãm này đều được gợi cảm hứng từ ý tưởng đến chất liệu ở Việt Nam. Còn cuộc triển lãm của chúng tôi vào tháng 9 tới ở TP. Hồ Chí Minh sẽ có tên là Trở về. Cả bốn chúng tôi cùng có chung ý nghĩ như thế khi đến Việt Nam.
- Chúc cho cuộc "Trở về" của ông và các bạn thành công.
(Theo TT&VH)
|