Ông Trần Đăng Tuấn, trưởng ban tổ chức giải Sao Mai 2003:
"Sao Mai 2003 đã là một hoạt động mang tính xã hội cao"
22:06' 13/08/2003 (GMT+7)
Khánh Linh - Sao Mai được độc giả VietNamNet ưa thích nhất

(VietNamNet) -  Sao Mai 2003 đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong nhiều người. Để có được một Vòng chung kết thành công, Ban tổ chức và những người thực hiện đã phải "vắt chân lên cổ' và làm việc đến kiệt sức. Sao Mai 2003 đã có chủ còn kế hoạch "hậu Sao Mai" đang ở giai đoạn đầu. Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan tiếng hát truyền hình - Sao Mai 2003 về những bí mật hậu trường cũng như những điều còn đang gây tranh cãi.

- Sau giải Sao Mai, đội quân VTV kéo về, có tổng kết về cuộc thi hay liên hoan gì không thưa ông?

- Sau đêm trao giải, sáng hôm sau đội quân có khoảng trên trăm người ấy kéo về Hà Nội, rồi thì cũng biến mất vào các việc khác, chẳng gặp ai nữa cả. Họ lại đi làm các chương trình khác, theo kế hoạch lúc nào cũng đầy ăm ắp. Nhân câu hỏi của bạn tôi mới nghĩ lại thấy ở VTV hầu như cứ xong việc là xong, chẳng có lúc nào tụ tập lại đội hình cũ đó, chứ đừng nói đến liên hoan này kia.

- Như vậy xong giải đó, coi như mọi sự lại ...chẳng còn gì nữa?

- Không hẳn thế. Tôi là người cuối cùng của VTV rời Hạ Long. Để chuẩn bị và tiến hành Vòng chung kết, tôi đến Hạ Long 4-5 lần gì đó, nhưng chưa thò chân xuống nước biển lần nào. Kết thúc xong, tôi ở lại một ngày, rủ ông Chủ tịch HĐQT Công ty Đất Việt - Đơn vị đại diện cho tài trợ, đi tham quan Vịnh và bàn việc thực hiện chương trình ''hậu Sao Mai'' - việc phải nghĩ đến nhiều nhất trong những ngày qua.

- Chứ không phải là các việc liên quan tới tổ chức giải?

- Tổ chức thì trăm chuyện bận rộn. Khác với các lần trước, giải chỉ là cuộc thi, lần này Vòng chung kết chúng tôi chủ định làm theo hướng tiếp cận với một hoạt động trình diễn, mà lĩnh vực này chúng tôi là dân nghiệp dư. Đã là nghiệp dư thì càng bận rộn, do nhiều động tác thừa, chưa thuần thục. Về mặt kỹ thuật cũng luôn luôn có những chuyện bất thường, nhất là các cuộc truyền trực tiếp. Nhưng đó là bận rộn thông thường. Tôi rất thích đội ngũ VTV, cả nội dung và kỹ thuật, cứ lăn vào rồi thế nào cũng làm được. Do vậy bận nhưng tôi vẫn biết là rồi mọi cái cũng sẽ ổn thôi. Cái phải trăn trở là chuyện làm sao tìm được một hình thức để đưa các ca s vừa dự giải thật sự bước được ra sân khấu ca nhạc thời gian tới.

-Vậy kế hoạch “hậu Sao Mai” hiện đã bàn đến đâu?

- Cuộc bàn luận với ông Thành của Đất Việt rất hiệu quả. Chúng tôi hầu như đã quyết tâm bắt tay vào việc này với một hình thức được phác thảo khá lạ và chắc chắn là nếu làm được sẽ rất hiệu quả. Tôi đã báo cáo lại với Tổng Giám đốc VTV và nhận được sự ủng hộ về ý tưởng. Tuy nhiên bây giờ phải cụ thể hoá, lượng hoá các chi tiết. Còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có những việc khó.

- Trở lại với Vòng chung kết vừa diễn ra, thành công lớn nhất của giải năm nay là gì thưa ông?

- Là đã có sự quan tâm theo dõi lớn đến mức tôi ngạc nhiên từ khán giả, dư luận, và cả các thành phần chuyên môn. Đây là bước đệm rất tốt để làm các việc tiếp theo. Sự quan tâm, thậm chí trở thành dư luận sôi nổi này, theo tôi nghĩ, có lẽ có nguyên nhân sâu xa hơn là giải Sao Mai. Xã hội đã có nhiều bức xúc trước hiện trạng hay và chưa hay trong sân khấu ca nhạc Việt Nam. Đông đảo công chúng muốn có sự thay đổi, sao cho ca nhạc thực sự là ca nhạc, chứ không phải là thứ dịch vụ do dây chuyền công nghệ bầu sô tạo lập. Cơ chế thị trường không có lỗi, vấn đề là chúng ta chưa vận dụng các mặt tích cực của cơ chế thị trường để làm sân khấu ca nhạc sinh động nhưng không nhốn nháo. Các lần trước, Sao Mai là một liên hoan của truyền hình. Sao Mai 2003 đã là một hoạt động mang tính xã hội cao. Cho dẫu mới chỉ làm được 1/10 điều muốn làm thì đây đã là thành công đối với chúng tôi. Hay nói cách khác, thành công của giải lần này chính là ở chỗ sau giải chúng tôi đã hình dung rõ làm cách nào thì sẽ có thành công ở giải sau, và cách làm nào sẽ được sự ủng hộ, khuyến khích của đông đảo mọi người.

-
Có khía cạnh nữa: Nhiều người ''nghi'' rằng Hoàng Tùng là thí sinh Quảng Ninh, vậy Ban tổ chức ''có ý'' gì không nhằm tạo thành công cho Vòng chung kết từ góc độ “đội nhà”?

 - Không có chuyện đó đâu, cả trong suy nghĩ cũng không có. Từ phía Quảng Ninh, lẫn phía VTV, rồi cả BGK. Vả lại, lần này lại là một BGK dày dạn, đầy bản lĩnh, cũng rất gai góc nữa!. Thực ra có cách kiểm tra đơn giản: Ai có nghi ngại, nên xem lại băng hình đêm chung kết - VTV hiện vẫn phát sóng lại. Nếu xem lại, bạn sẽ thấy BGK đã hoàn toàn chính xác.

- Như vậy có sự khác nhau giữa hai khái niệm: vòng nguyệt quế và sự yêu thích. Điều này cũng dễ thấy. Nhưng có thể, là Trưởng ban Tổ chức, ông chắc không dễ nói ra: với riêng ông thì thí sinh nào tạo ấn tượng mạnh hơn, và điều này có khác với sự đánh giá của BGK không?

- Là Trưởng ban Tổ chức, tôi phải góp sức cùng đồng nghiệp của tôi lo cho các việc của giải được thực hiện trôi chảy, từ góc độ tổ chức lẫn khía cạnh truyền hình, phát sóng. Còn ngoài ra thì tôi là khán giả như các khán giả khác, không chủ tâm bình chọn, nhưng cũng có sự ưa thích cảm tính của riêng mình. Mà nói cho cùng, kể cả giám khảo cũng có sự yêu thích với giọng ca nào đó, chỉ có điều khi đánh giá thì họ phải căn cứ vào các tiêu chí khác nữa thuộc về chuyên môn chứ không như chúng ta được. Vì sự công bằng chuyên môn, họ đã cho Hoàng Tùng điểm cao nhất, nhưng sự chú ý và kỳ vọng nhiều hơn của họ có lẽ lại hướng về các khuôn mặt khác. Sự bình chọn của khán giả và đánh giá của BGK khác nhau còn có nguyên do nữa: Ít thí sinh gây ấn tượng được như nhau ở cả hai bài hát. Thường là có một bài họ thể hiện hay hơn bài kia. Vì thế có lúc mình thích khi họ hát bài này, nhưng đêm chung kết họ lại chọn bài khác.

Ban Giám khảo cuộc thi

- Theo ông, có lật ra được ''quặng'' để tiếp tục thực hiện kế hoạch góp phần xây dựng các gương mặt mới trên sân khấu ca nhạc, nhằm cùng với các lực lượng khác làm thay đổi tình huống đang có trên sàn diễn ca nhạc, thay đổi theo hướng gần với chân giá trị thực không?

- Về mặt này, tôi tin là một số trong số các thí sinh đã phát hiện ra (kể cả đoạt giải, kể cả không) có tiềm năng phát triển, và chắc chắn phát triển tốt nếu được sự hỗ trợ tích cực. Nhạc sĩ Bảo Chấn, Dương Thụ và hầu hết các nhạc sĩ uy tín khác đều vừa ''kêu'' rằng tài năng còn hiếm nhưng các nhạc sĩ rất tinh tường đó cũng kể ra các gương mặt mới mà theo ý họ, chỉ cần tìm được hai ba người như vậy để gây dựng thì đó cùng là rất thành công cho giải rồi.

Có thể đồng ý với nhận định là chưa có ca sĩ nào mà sự xuất hiện trong Sao Mai 2003 là hiện tượng mới. Là người trong Ban tổ chức, tôi cũng chưa bao giờ có kỳ vọng kiểu như vậy ở tất cả mọi lần tổ chức giải. Việc của người tổ chức là phải nỗ lực để tạo ra một sân rộng cho các tiềm năng bộc lộ. Còn việc xuất hiện các tài năng thì không phụ thuộc vào ý định chủ quan của chúng ta. Nó không phải là chuyện kế hoạch hoá được trong mỗi lần tổ chức giải. Điều đó luôn là vấn đề tự nhiên, thậm chí ngẫu nhiên.

Mặt khác, không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều người đã đánh giá trên nhiều tờ báo, là giải Sao Mai 2003 có mặt bằng chất lượng cao hơn. Cho dù chưa phải rất xuất sắc, nhưng lứa thí sinh ở giải này hình như bắt đầu thoát khỏi kiểu cách học sinh đi thi kiểm tra thanh nhạc - kiểu cách này phổ biến ở các giải khác - mà đã có khí chất của người quyết tâm chen chân vào sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp. Ở các giải khác, đoạt giải tại cuộc thi là đích. Giải này, thí sinh nhìn nhận sân khấu Sao Mai là bước khởi đầu, và họ đã có ý thức khá chuyên nghiệp cho sự khởi đầu này. Chất lượng Sao Mai 2003 cao hơn là ở chỗ đó.

- Ông có thể tiết lộ những câu chuyện hay chi tiết bất ngờ  mà ông gặp phải xung quanh giải Sao Mai 2003?

- Tôi và đồng nghiệp của tôi là những người làm truyền hình. Và chúng tôi không nhìn nhận giải Sao Mai đơn thuần là cuộc thi hát. Có nhiều chuyện khác nữa rất quan trọng với chúng tôi: Nụ cười của người công nhân mỏ Cẩm Phả, nét tài hoa hồn nhiên trong con người Quảng Ninh, sự hồi sinh của du lịch Hạ Long. Nhưng nếu chỉ kể một chuyện, thì tôi kể chuyện này. Trong cuộc giao lưu tại Cẩm Phả được truyền trực tiếp tối 7/8, đồng chí Giám đốc Mỏ hát (rất hay) bài “Cô gái Sầm nưa” và trước khi hát đã mời Trần Tiến lên... nhảy. Vốn biết rất rõ khí chất của nhạc sĩ luôn đồng hành với chúng tôi trong các hoạt động của VTV, trong đó có giải Sao Mai, tôi thấy lo. Nhưng rồi yên tâm khi thấy Trần Tiến vẫn ngồi im.

Số là tôi là một trong rất ít người biết Trần Tiến vừa qua ca mổ khá phức tạp, và thậm chí anh còn nói qua điện thoại với tôi: Mình muốn ra làm giám khảo lắm, nhưng không biết có ra nổi không, sợ nhất là phải ngồi ô tô từ sân bay Hà Nội ra Hạ Long, có khi xe xóc, vết mổ bung ra. Hôm sau Trần Tiến cho tôi biết: Cũng theo dõi truyền trực tiếp, bác sỹ đã gọi điện cho anh Tiến, nói rằng ”Ngồi im, không được lên nhảy nhót gì cả!”. Nhưng cuối cùng Trần Tiến, như người xem truyền hình cả nước thấy, cũng không nhịn được, vẫn lên hát và vẫn nhảy. Cú điện thoại thứ hai, bác sỹ bảo: ”Kiểm tra lại xem bụng dạ có vấn đề gì không và dứt khoát là thôi đấy, không được lên sân khấu nữa, vừa mổ cho ông xong mà ông làm vậy thì chết tôi!''.

  • Thảo Chi (thực hiện)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhạc sĩ trẻ Hồng Kiên "không dám viết cho ca sĩ trên trời rơi xuống" (13/08/2003)
Vĩnh biệt nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (13/08/2003)
Khởi động ''Đường lên đỉnh Olympia'' lần thứ 5 (12/08/2003)
Duy Thanh - người hay vào vai cán bộ biến chất (12/08/2003)
Angelia Jolie tặng 1,5 triệu USD cho Chương trình bảo tồn rừng Campuchia (12/08/2003)
Nhà hát Trần Hữu Trang: giới thiệu "đặc sản" cải lương (12/08/2003)
Kevin Costner được ghi tên trên Đại lộ danh vọng ở Hollywood (12/08/2003)
Độc giả Anh thích đọc Harry Potter hơn Hamlet (12/08/2003)
"Lực lượng làm phim truyền hình không thể như trái cây ép dú" (12/08/2003)
Sao Mai đã thuộc về người tạo ra sự bứt phá (12/08/2003)
Hoà nhạc Hữu Nghị Canada - Việt Nam (12/08/2003)
Sôi nổi Festival các nhà thiếu nhi (11/08/2003)
Những gương mặt đoạt giải Sao Mai 2003 (11/08/2003)
Chùm ảnh đêm chung kết Sao mai 2003 (11/08/2003)
Diễn viên Kim Oanh: Đanh đá nhưng phải duyên! (11/08/2003)
Tro ve dau trang