|
Đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc. |
Đã đi hết ngưỡng cửa lục tuần, bây giờ anh, đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc thỉnh thoảng ngồi trầm tư ở khoảnh vườn nhỏ trong sân nhà, một không gian với những cây kiểng, tượng đá, chim chóc, hòn non bộ... bên bộ bàn ghế cho đủ trà tam rượu tứ. Nhưng ngay cả lúc đi tìm cõi yên ổn nhất của tâm linh thì anh vẫn cứ vướng bận với nghề mà anh đã chọn.
- Dù hoạt động nghệ thuật trên 20 năm nhưng anh vẫn cứ là một nghệ sĩ tự do?
- Tôi vốn là một người không thích ràng buộc, hệ luỵ nên không thích nép mình vào khuôn khổ, bản chất con người tôi là muốn sống tự do, phóng túng. Tôi quan niệm mỗi người có một cách để đóng góp cho xã hội bởi con người là sống với, sống vì, sống bởi... Mỗi người ở một vị trí, với một khả năng, một quan niệm, trình độ, khuynh hướng nào đó thì sẽ có sự đóng góp khác nhau, và những đóng góp ấy đều có giá trị riêng.
- Nhìn lại con đường mà anh đã chọn, anh thấy có gì vui buồn?
- Tôi biết mình đã đi đúng hướng, một con đường đẹp đẽ nhưng trên cùng con đường cũng con những con người không đẹp, họ làm nghệ thuật nhưng tâm hồn thì... xơ cứng. Chính vì thế lắm lúc tôi buồn, tôi giận dữ, tôi phản ứng và tôi "choảng" nhưng rồi kết quả cũng chỉ mang đến cho mình nhiều bất lợi.
- Lâu nay, anh đã thể hiện được hết những điều anh mong muốn chưa?
- Chưa, chưa bao giờ làm đúng mơ ước của mình, cái mà mình muốn làm thì bị hạn chế rất nhiều. Khi nhận kịch bản phim không phải lúc nào cũng tâm đắc, nhưng nếu không làm thì biết làm gì? Thứ hai, nói về yếu tố khách quan, điều kiện để làm phim khiếm khuyết, thiếu thốn nhiều thứ dẫn đến hạn chế về mặt thể hiện.
- Không rẽ trái thì vẫn nhập cuộc, và trong "cuộc chơi" này nhiều đạo diễn vẫn "ê ẩm" về diễn viên, còn anh?
- Khi giao vai cho một diễn viên nào đó thì tôi hình dung nhân vật của mình như thế nào thì mới mời diễn viên đảm nhận, tôi đem nhân vật liên tưởng tới diễn viên có sự đồng dạng về ngoại hình, về tính cách cộng thêm khả năng diễn xuất. Trước khi là đạo diễn tôi đã là một diễn viên, vì thế tôi rất quý những diễn viên chịu khó hoá thân vào nhân vật mà quên mình đi. Hiện nay, tôi rất lo khi có những bạn diễn nghĩ rằng mình chỉ cần "hiện diện" trong phim thì đã là diễn viên, trong giai đoạn này đa phần diễn viên phân tâm vì cuộc sống kinh tế đời thường.
- Là một trong những đạo diễn tiên phong thực hiện phim truyền hình dài tập và cũng là một đạo diễn "đắt hàng" của các hãng phim truyền hình, cái khó nhất khi anh làm phim truyền hình?
- Có lẽ các bộ phận tổ chức chưa chuyên nghiệp, nhất là thực hiện phim nhiều tập mà không có phim trường nên khó đạt được ý như mong muốn, vì thế yêu cầu có những bộ phim truyền hình xuất sắc thì những người làm phim phải "chuyên tâm" và được đầu tư hơn nữa về tính chuyên nghiệp. Lực lượng làm phim truyền hình cần phải có tay nghề vững trước đã, còn chuyện khán giả hay đồng nghiệp thích hay không thích là chuyện bình thường. Quan trọng là cần có kinh nghiệm phim trường, các trường đã đào tạo nhiều người mới, rất kỳ vọng vào họ nhưng phải qua thử thách, phải chín chứ không thể như trái cây ép dú.
(Theo Thanh Niên)
|