|
Diễn viên Kim Oanh. |
Cùng với những Thu Hương, Vân Dung, Minh Hằng, Kim Oanh tạo thành tứ giác chọc... cười khán giả trong chương trình Gặp nhau cuối tuần... Ấn tượng về Kim Oanh trong lòng khán giả là những vai phản diện, ghê ghớm như... chính cái tên của mình. Còn Kim Oanh ngoài đời thì sao? cô cũng mạnh mẽ "chẳng kém" những nhân vật của mình.
- Sau những vai đanh đá như Mây (phim "Sóng ở đáy sông"), Tuyết ("Những ngọn nến trong đêm"), Trà ("Chuyện như đùa") làm xôn xao khán giả, Oanh trốn đi đâu?
- Từ đầu năm tới giờ, Oanh đã từ chối ba phim truyền hình. Cả ba vai đều là vai đanh đá. Em muốn khán giả tạm quên mình đi, để tìm đóng một vai chính diện. Em muốn chứng minh: Mình không chỉ biết đóng vai phản diện. Dù diễn viên trẻ như em, mà từ chối vậy, thiên hạ bảo "giữ giá làm nộm" à!
- "Giữ giá" đến nỗi bỏ lỡ cả một vai chính trong phim truyện nhựa "Thiếu phụ chưa chồng" dạo nào?
- Đạo diễn đã ký hợp đồng với em, quay đúng ba ngày thì dừng, bảo em thôi, sau đó có lời đồn: vì em cãi đạo diễn. Nhưng sự thực không phải thế! Tuy bị cắt hợp đồng chẳng có đền bù gì nhưng em... cho qua!
- Nhiều khán giả xem Oanh đóng, cảm giác: Em diễn hơi quá đà, và tự hỏi: liệu ngoài đời có những người phụ nữ ghê gớm như Mây, Tuyết?
- Nếu vậy là lỗi của em, vì em không được đào tạo đóng phim, mà là diễn viên sân khấu. Nhưng em sợ nhất là sự nhạt nhoà tính cách nhân vật!
- Cái chất đanh đá đấy, em học ở đời hay từ chính bản thân?
- Em là một người có tính cách mạnh mẽ ngoài đời và cũng có thể nói là đanh đá. Nhưng em cũng phải học rất nhiều, vì ngoài đời còn có nhiều tính cách đanh đá đa dạng khác. Đanh đá nhưng mà phải có duyên.
- Em có sợ nhân vật đanh đá của mình?
- Ngược lại em yêu nhân vật. Vì đó là xã hội. Phải có Mây, khán giả mới yêu Núi, cũng như có Tuyết thì Trúc mới bừng sáng.
- Sao diễn viên ta thường đóng vai đểu, vai ác tốt hơn là vai tử tế?
- Vì nó dễ gây sốc, còn đóng người tốt khó lắm, làm sao để khán giả tin được mình là người tốt. Như nhân vật Trúc trong "Những ngọn nến trong đêm", khó tin là ngoài đời lại có ai "Bồ Tát" như thế. Riêng Núi- Sóng ở đáy sông- vừa tốt, vừa xấu lại dễ lấy cảm tình khán giả.
- Những vai diễn đanh đá có ngấm chút nào thêm vào tính em không?
- Ngược lại, lắm khi em thuỳ mị đến không ngờ. Thật ra, có một câu em đọc được và cố học: "Khôn - chết, dại - chết, biết - sống".
- Là một diễn viên trẻ, cái lợi, cái hại là gì?
- Hại là thiếu vốn sống. Còn lợi, khi nói với người lớn tuổi: cháu không biết, thì họ sẽ chỉ ngay.
- Nhưng trẻ thì dễ bị bắt nạt, như cátxê chẳng hạn?
- Với em: vai hay thì cátxê bao nhiêu cũng được, còn vai không hay thì phải trả đúng.
- Nhưng em có tiếng dần lên thì cátxê cũng tăng?
- Không hề, như phim Những ngọn nến trong đêm dài 18 tập, vai Tuyết tập nào cũng có, thời gian quay mất 4 tháng rưỡi, em "được" trả 5,2 triệu, còn Sóng ở đáy sông 3 tập quay 2 tháng rưỡi, em có 3,2 triệu. Mà ngày ấy em đang là sinh viên năm thứ hai...
- Vậy thì em sống bằng gì?
- Bố em nuôi em.
- Nhưng bố em không thể nuôi em mãi?
- Thì sau này chồng em sẽ phải gánh trọng trách đó.
(Theo Lao Động) |