(ViệtNamNet) – Như tin đã đưa, lẽ ra sáng nay (8/8), phiên toà phúc thẩm vụ kiện vi phạm bản quyền tác giả kịch bản Hôn nhân không giá thú sẽ diễn ra. Nhưng chính ông Nguyễn Kim Ánh, nguyên đơn vụ kiện, người đã bỏ cả thời gian và tiền bạc trong 5 năm trời nay vào vụ kiện này và nộp đơn kháng cáo hết lần này đến lần khác, lại là người làm đơn đề nghị tạm ngừng không mở phiên toà.
|
NV Nguyễn Kim Ánh |
Giải thích cho việc làm này, ông Nguyễn Kim Ánh cho biết: Đối với tất cả các đương sự tham gia tố tụng, toà phải lấy lời khai của họ trước khi mở phiên toà. Nhưng tôi không thấy họ được lấy lời khai. Vậy chắc chắn phiên toà lần này cũng lại không có mặt Cục Điện ảnh là đồng bị đơn và đại diện Hội đồng Giám định. Cho nên tôi đề nghị tạm ngừng phiên toà.
Đây là lần thứ ba vụ kiện của ông Nguyễn Kim Ánh được đem ra xử. Khi gọi vụ kiện này là một vở hài kịch, ông Ánh tự nhận mình là nhân vật chính của nó, một nhân vật chính phải độc thoại từ đầu đến cuối, nói để cho mình và những ngưòi ngoài cuộc nghe. "Phiên toà sơ thẩm ngày 14/3/2003 một mình tôi diễn" - ông Ánh nói – "Toà cũng nghe, nhưng dù sao bản án cũng đã có sẵn rồi, tôi được nói thoải mái, rồi cuối buổi người ta công bố bản án". Lần đó, bên bị đơn không ai có mặt. Lần thứ ba này ông Ánh không muốn lặp lại điều đó nữa, vì ông sẽ tiết lộ một số "tin mật".
Trong đơn đề nghị tạm ngừng không mở phiên toà, ông Ánh khẳng định: "Tôi sẽ không tham gia phiên toà nếu không có sự tham gia tố tụng của Đại diện HĐGĐ".
Để chứng minh tại sao sự có mặt của đại diện HĐGĐ trong phiên toà này là điều cần thiết, ông Ánh căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm số 123/GĐT-DS ngày 26/6/2002: "Chi phí giám định đã được chi cho HĐGĐ, nên để giải quyết lại về chi phí giám định phải có sự tham gia tố tụng của đại diện HĐGĐ". Các nội dung cần xem xét trong lần xử này cũng đều phải có mặt đại diện HĐGĐ mới minh bạch được. Các nội dung đó theo ông Nguyễn Kim Ánh và luật sư của ông là: 1/ Mức bồi dưỡng cho từng Giám định viên và tổng chi phí giám định theo quy định pháp luật; 2/ Bên nào phải chịu nộp chi phí giám định, tức là ai là người đưa ra yêu cầu giám định; 3/ Theo quyết định giám đốc thẩm số 123/GĐT-DS ngày 26/6/2002 của Toà án nhân dân tối cao, chi phí giám định đã xác định là không đúng theo quy định của Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1998 về giám định tư pháp, vậy trách nhiệm này thuộc về ai?; 4/ HĐGĐ phải giải trình về số tiền mà ông Ánh cho rằng ông "đã nộp tạm ứng nhưng không được chi hết".
Khi được hỏi, nếu bên Cục Điện Ảnh và HĐGĐ quyết không cử đại diện của họ ra mà toà phúc thẩm cứ xử vắng mặt họ thì sao, ông Ánh quả quyết: "Lần này tôi hoãn, lần sau họ không có mặt tôi lại hoãn. Tôi còn hoãn nữa. Lần tới đến toà tôi mang sẵn đơn đề nghị tạm ngừng phiên toà, nếu bên kia vắng mặt tôi sẽ đưa đơn luôn tại toà. Còn nếu toà xử không có bên bị, tôi sẽ đề nghị thay đổi hội đồng xét xử".
Thực ra quyết định chấp nhận hoãn phiên toà đã có từ hôm qua (7/8). Còn giấy mời báo chí đến dự phiên toà thì ông Ánh gửi đến các báo từ trước đó một tuần. Để rất nhiều báo đưa tin phiên toà diễn ra rồi lại báo hoãn như thế, phải chăng là một cách ông Nguyễn Kim Ánh tạo ra dư luận để đánh động đến bên Cục Điện Ảnh và HĐGĐ?
|