|
Nhạc sĩ Huy Tuấn. |
Cùng với nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn được biết đến với những ca khúc viết riêng cho giọng hát Mỹ Linh kể từ album Tóc ngắn phát hành năm 1999. Đến năm 2002, cái tên Huy Tuấn trở nên quen thuộc hơn với người nghe nhạc khi anh liên tiếp nhận được “đơn đặt hàng” của nhiều ca sĩ như Hồng Nhung (album Ngày không mưa), Thu Phương (album Như chưa bắt dầu) hay Mỹ Lệ (album Cho nhau một nụ cười)...
- Với một nhạc sĩ, phải chăng khi cảm xúc căng đầy một bài hát mới sẽ ra đời?
- Với tôi thì không. Tôi thường sáng tác khi có... đơn đặt hàng. Thói quen của tôi khi sáng tác là phải có hình ảnh của người ca sĩ. Ví dụ, viết cho Mỹ Linh thì phải như thế nào, đâu là điểm mạnh, là phù hợp với Linh.
- Với 4-5 ca khúc mỗi năm, chắc anh thuộc dạng nhạc sĩ nghèo?
- Chưa hẳn, họ sáng tác nhiều, có khi tiền trả lại “bèo”. Còn tôi, tôi cứ bán 5 triệu đồng một bài.
- Các sáng tác của anh vẫn không vượt ra ngoài ranh giới của tình yêu trong khi còn biết bao điều khác có thể nói?
- Tình yêu dễ tạo hứng cho người sáng tác, và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tất nhiên là không phải thứ tình yêu “dại khờ”, “đau đớn”. Hơn nữa, bây giờ tôi đang sống trong tuổi trẻ của mình và tôi muốn viết về nó. Các đề tài khác, khi nào trải nghiệm và có cảm xúc tôi sẽ viết. Chuyện này không thể ép được.
- Anh bình luận gì về xu thế các nhạc sĩ đang đem tác phẩm của mình đi rao bán như một món hàng?
- Đấy là sản phẩm người ta làm ra, mà đã là sản phẩm thì phải có người tiêu thụ. Người ta cần tiền, đi bán cũng chẳng sao cả. Tôi đồng tình thôi, nhưng tôi không làm vậy.
- Vậy đồng tiền chi phối bao nhiêu phần trăm sự sáng tạo của anh?
- 30-40%. Nhưng đồng tiền phải đến sau cảm xúc. Khi ca sĩ đặt bài của tôi, tôi sáng tác xong mới nói đến chuyện tiền nong. Tôi nghĩ, đó là cách tốt nhất. Chứ nếu đặt vấn đề tiền nong lên trước tiên thì khó mà có tác phẩm hay được.
- Có khó hay không để một nhạc sĩ trẻ như anh tránh được sự cám dỗ của nhạc thị trường?
- Tôi nghĩ nếu nhìn một cách nghiêm túc, nhạc thị trường chẳng có gì là xấu xa, tội lỗi cả. Ca khúc vừa được thị trường chấp nhận vừa được người trong nghề đánh giá cao là điều lý tưởng. Còn ca khúc được giới trong nghề khen nhưng ra đến thị trường lại bị xếp xó thì cũng chẳng hay ho gì. Tôi không ủng hộ chuyện ấy.
- Nhưng nhạc thị trường đang tỏ rõ chiều hướng dễ dãi, nhảm nhí, bi lụy?
- Đúng là thị trường nghe nhạc của mình đang hỏng. Nhưng đó không phải là lỗi của các nhạc sĩ mà là của những người biên tập đã không sàng lọc kỹ. Các nhạc sĩ ngày nay đa số đều là người trẻ, họ cần danh tiếng, cần tiền, nên cũng dễ hiểu khi họ bị thị trường chi phối.
- Nhưng dù sao anh cũng sốt ruột trước sự ồn ào của đồng nghiệp?
- Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tôi sốt ruột hay dao động. Mỗi người có một cách thể hiện mình riêng, có khi chính sự im lặng lại là cái ồn ào của tôi. Tôi sẵn sàng đổi sự ồn ào trong thời gian ngắn ngủi để lấy sự im lặng. Vì tôi biết sự im lặng thường sẽ âm ỉ hơn.
(Theo Sành Điệu)
|