Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn
"Tôi là người lữ khách..."
18:31' 05/08/2003 (GMT+7)
93 tuổi vẫn tràn đầy sức sáng tạo.

Xin mượn câu thơ của nhà thơ Hồ Dzếnh để bắt đầu câu chuyện về ông, một người ưa "xê dịch", có tâm hồn phóng khoáng, rộng mở và cái nhìn minh triết, hồn hậu về đời, về người. Cách đây nửa thế kỷ, ông là họa sĩ đầu tiên ở Việt Nam tiến hành một "cuộc triển lãm lưu động" suốt từ Bắc vào Nam. Cuộc "triển lãm" này, diễn ra từ năm 1941 đến 1944, được thực hiện trên một... cỗ xe ngựa.

Cậu rể ngang tàng

Một tối mùa xuân năm 1939, trời se lạnh, ngồi trong một căn nhà ở khu phố người Hoa tại Hà thành là cậu thanh niên tên Ngôn mới tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cậu đến để hỏi vợ. Từ lâu, cậu đã "cảm" cô bé người Hoa vừa qua 17 trăng tròn của gia đình này. Song từ trước đến khi đó, hầu như không có gia đình người Hoa nào gả con cho người Việt vì họ muốn sống khép kín trong cộng đồng của mình. Gia đình cô gái vì thế đã ra sức ngăn cản quan hệ của đôi trẻ. Hoàng Lập Ngôn biết phải đến nói chuyện "phải quấy" mới xong.

Sinh năm 1919 tại Ninh Bình, quê Bắc Ninh, tốt nghiệp khóa 9 Trường Mỹ thuật Đông Dương (1934-1934), Hoàng Lập Ngôn nổi tiếng qua những bức tranh về các thiếu nữ, như Ngây thơ hay Thiếu nữ Việt Nam. Triển lãm cá nhân gần đây nhất của ông được tổ chức tại TP.HCM cách đây 2 năm. 

Chủ khách an tọa, khi Hoàng Lập Ngôn vừa nói đến chuyện tình duyên, ông bố cô gái đã đùng đùng giận dữ ném chiếc chén uống nước xuống sàn nhà rồi trỏ xuống những mảnh vỡ nói: "Tôi mà gả con gái cho cậu, đời tôi sẽ như cái chén này!". Đây là bộ ấm chén gia bảo của nhà ông, giá trị của nó rất lớn. Cậu thanh niên đến hỏi vợ cũng ngang tàng chả kém. Anh cầm ấm nước trong bộ ấm chén quý giá đó ném vỡ tan và nói: "Tôi mà không lấy được con gái ông, đời tôi cũng như cái ấm nước này!". Ông bố cô gái phải chịu thua. Thế là Hoàng Lập Ngôn có vợ.

Ngựa xe rong ruổi... và con đường mưu sinh

Câu chuyện khiến Hoàng Lập Ngôn trở thành huyền thoại xảy ra vào đầu năm 1941. Ông mua gỗ, mua ngựa về đóng một cỗ  xe ngựa nuôi ý định rong ruổi khắp xứ Đông Dương. Chuyến đi mà nhiều người khi đó cho rằng ông đi để có thực tế sáng tác hay ông đi vì ham cuộc sống phiêu du bất định nhưng sau này qua tâm sự của ông với người con trai, hoạ sĩ Hoàng Hồng Cẩm, thì lý do chính để ông thực hiện chuyến đi là do ông không muốn nghiện thuốc phiện như nhiều nghệ sĩ, văn sĩ Bắc kỳ thời đó.

Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn và vợ con cùng chiếc xe ngựa vào Nam ra Bắc của ông.

Ngày lên đường, bạn bè đưa tiễn ông ở đầu đường Cổ Ngư (bây giờ là đường Thanh Niên) rất đông, ai cũng ký tên hoặc ký hoạ lên thùng xe ngựa để cầu chúc may mắn cho ông. Cùng đi với ông, ngoài người vợ trẻ và đứa con gái đầu lòng mới 10 tháng tuổi còn có hai người bạn trẻ là Song Văn và Dương Bích Liên. Lẽ dĩ nhiên, nhà họ Dương gia giáo chẳng đời nào cho phép cậu Bích Liên, khi đó mới có 17 tuổi và khá xốc nổi, rong ruổi trên đường xa gian khó. Chí đã quyết, Dương Bích Liên phản ứng bằng cách ngồi trước ngọn đèn dầu tuyệt thực mấy ngày liền. Dương gia phải mang con tới gửi gắm Hoàng Lập Ngôn.

Bao nhiêu sự hồi hởi khi xuất phát nhanh chóng bị xua đi bởi những cực nhọc. Để mưu sinh, ở những chốn thị thành, đoàn người này căng dây xung quanh bãi đất trống như gánh xiếc, trưng những bức tranh Hoàng Lập Ngôn vẽ dọc đường rồi bán vé cho mọi người vào xem "triển lãm tranh". Ai ưng bức nào, bán ngay bức đó lấy tiền đổi gạo, mắm muối. Có nhiều hôm, ông còn ngồi vẽ ký hoạ chân dung cho người qua đường lấy tiền. Đến khi trò "triển lãm tranh" để mưu sinh có vẻ nhạt, đoàn người xoay ra diễn kịch, những vở kịch dí dỏm do ông viết đả phá những thói xấu trong xã hội cũ.

Khổ cực nhất là khi dong ngựa qua vùng rừng núi, sơn lam chướng khí. Đó là những lúc không có ai xem diễn trò, tiền cạn, thực phẩm dự trữ hết, phải ăn cơm với nước mắm và rau rừng. Là lúc phải dáo dác tìm mua ngựa mới vì ngựa cũ chết. Là những lúc đứa con gái nhỏ của ông cảm sốt, sài đẹn mà vốn kiến thức về nghề thuốc của ông lĩnh hội từ cha mẹ chả được mấy. Là những buổi tịch dương, khi dừng ngựa giữa rừng, phải nhanh chóng thu gom tre nứa quây quanh xe ngựa phòng cọp đánh hơi người đến quấy rối... Hai anh bạn trẻ Dương Bích Liên và Song Văn không chịu được cực khổ, đi đến Quảng Bình thì xin quay về. Hai người sau chuyến đi đều thi vào học Trường Mỹ thuật Đông Dưong và trở thành hoạ sĩ lớn ở Việt Nam.

Thời trai trẻ qua đi, nhưng máu du mục vẫn chảy mãi trong Hoàng Lập Ngôn, đến cả bây giờ. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông xắn tay cùng anh em hoạ sĩ lập Trường Mỹ thuật Công nghiệp và Mỹ thuật Yết Kiêu, tham gia giảng dạy ở đó. Yên chỗ đâu vài năm, đến năm 1964, khi chiến tranh phá hoại miền Bắc bước vào giai đoạn ác liệt, ông xin nghỉ rồi lọc cọc chiếc xe đạp cà tàng đi khắp miền Bắc để vẽ, để tìm hiểu cuộc sống. Hai miền thống nhất, bạn bè lại thấy ông khi đầu Bắc, lúc đầu Nam...

Giờ đây, đã ở tuổi 93, nhưng hình như tìm ông xem chừng khó. Khi nằm Đà Lạt viết hồi ký, lúc xuống Đà Nẵng thăm bạn bè rồi thoắt cái đã về đến Hà Nội. Vui thay, đôi mắt ông còn tinh anh lắm, đôi bàn tay vung những nét bút ký hoạ còn rắn rỏi lắm.

Đinh Lang (Thể Thao & Văn Hóa)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ai sẽ được nhận danh hiệu "Huyền thoại"? (05/08/2003)
Justin Timberlake - người đàn ông quyến rũ nhất thế giới (05/08/2003)
Các hoạt động văn hoá kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Nhật - Việt (05/08/2003)
Cửa đã mở cho các đạo diễn trẻ (05/08/2003)
Các nghệ sĩ Accordeon VN lại chuẩn bị vào cuộc (05/08/2003)
Hãy gìn giữ đôi bờ sông Hương (06/08/2003)
Kim Phượng và Hồ Đức Vĩnh đoạt giải nhất siêu mẫu khu vực TP.HCM (04/08/2003)
Huế: đã phục hồi xong bộ tranh tường ở cung An Định (04/08/2003)
Festival các nhà văn hoá thiếu nhi toàn quốc 2003 (04/08/2003)
Hiền Mai: "Ăn mặc đẹp là một đòi hỏi tất yếu trong giao tiếp" (04/08/2003)
VTV thể hiện vai trò ''ông bầu'' (04/08/2003)
NSND Trần Hiếu - ''Con khủng long trong làng ca nhạc'' (04/08/2003)
Trung tâm Văn hoá Pháp L'Espace: Không chỉ đổi tên, đổi chỗ (03/08/2003)
The Light muốn tạo sự khác biệt với ''Giấc mơ hoang tàn'' (04/08/2003)
Mốt Việt: Cuộc đua gay cấn (03/08/2003)
Tro ve dau trang