|
Cảnh trong phim "Nữ võ sĩ". |
Các đạo diễn trẻ của điện ảnh TP.HCM đã chứng tỏ khả năng của mình chủ yếu chỉ qua một số phim truyền hình, phim ngắn. Cánh cửa các hãng phim đang mở nhưng chỉ ưu tiên cho những đạo diễn có năng lực. Giám đốc TFS(Hãng phim Truyền hình TP.HCM) Nguyễn Việt Hùng nhận xét rằng lớp đạo diễn trẻ là bước tiếp nối nghề của TFS, hãng cũng luôn mở rộng cửa đối với họ, nhưng phải là những người có khả năng.
Tin ở mình
Quan niệm một bức ảnh thời trang đẹp còn hơn làm một cuốn phim tồi, Vũ Ngọc Đãng - thủ khoa khóa I (1995-1999) khoa Điện ảnh - Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM trong lúc chờ "thời" để được làm phim truyện nhựa, đã học thêm lớp quay phim, làm thêm nghề chụp hình thời trang và được nhiều báo đặt hàng. Ba phim ngắn của Đãng để lại khá nhiều ấn tượng cho khán giả như: Vợ chồng chuột, Chuột, Nhà tiên tri nhưng Đăng "vẫn mơ làm phim truyện nhựa" và tin rằng mình "đủ sức" để làm.
Nguyễn Quang Dũng - con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bạn cùng học với Đãng cũng rất tự tin: "Lứa đạo diễn trẻ không có quyền làm phim tệ hơn". Dũng tích kinh nghiệm từ những ngày còn đi học đã được "ưu ái" làm phó đạo diễn, trợ lý đạo diễn và rồi đạo diễn hai phim truyền hình, một phim nhựa. Dũng cho biết: "Để làm một bộ phim coi được phải chuẩn bị kỹ càng"; vì vậy để nuôi nghề chính, Dũng kiếm tiền bằng cách khác, chấp nhận làm ở một công ty làm phim quảng cáo. "Tôi đang chuẩn bị kịch bản về chính những người đồng trang lứa, dưới 30 tuổi".
Cuộc phỏng vấn "bỏ túi" với một số đạo diễn từng hợp tác với một số hãng phim cho thấy: Các hãng đã tạo điều kiện cho họ làm phim và quan trọng là nhìn chung các hãng đã chấp nhận ý tưởng mới mẻ của họ. Từ đây đến cuối năm 2003, riêng TFS có gần 20 phim truyền hình là của đạo diễn trẻ sẽ trình chiếu trên HTV. Hãng Giải Phóng cũng hứa hẹn 2-3 bộ phim của đạo diễn trẻ.
Cửa mở với tùy người
Giám đốc TFS Nguyễn Việt Hùng nhận xét: "Lớp đạo diễn trẻ là bước tiếp nối nghề của TFS; chúng tôi luôn mở rộng cửa đối với họ, nhưng phải là những người có khả năng! Các đạo diễn trẻ có ưu điểm là say nghề, vươn tới cái mới; nhưng mặt khác, họ cũng đừng quá ảo tưởng, và phải biết chia sẻ những khó khăn của hãng như: điều kiện tài chính có hạn, do đó làm phim, tính khả thi, yếu tố tài chính quan trọng. Cần có trách nhiệm, toàn tâm toàn ý với tác phẩm để có những sản phẩm đạt hiệu quả xã hội và kinh tế".
Còn NSƯT Lê Đức Tiến - Giám đốc Hãng phim Giải phóng cho hay: "Từ quan điểm: Trong một hãng phim, đạo diễn là một "ông vua", chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho các đạo diễn phát triển năng lực và quyền lực. Hãng phim Giải phóng sử dụng nguồn nhân lực trẻ theo ba cách: Tận dụng tối đa lực lượng "tại gia" như: quay phim Phạm Hoàng Nam, đạo diễn Lâm Lê Dũng... tìm cách thu hút những đạo diễn vừa ra trường. Một vài đạo diễn trẻ có lọt "mắt xanh" của hãng; mời một số từ các hãng phim khác hợp tác như: Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Tuấn Dũng... Trẻ, giỏi, tìm được kịch bản tốt, cờ đến tay họ, họ phất được...".
Cửa đã mở. Dù là được mời vào hay tự đi "chào hàng", các đạo diễn trẻ chỉ còn một cách: Làm phim hay là để tôn trọng khán giả, tôn trọng mình.
(Theo Lao động) |