(VietNamNet) - Sông Hương là báu vật tạo hoá ưu ái dành cho Huế. Sông Hương là linh hồn của Huế. Sông Hương là một phần di sản văn hoá Huế. Sông Hương là... Không ai có thể hình dung Huế mà không có sông Hương. Vậy mà sông Hương đang bị biến dạng nghiêm trọng.
Nhà Nguyễn đã tinh tế khi chọn nơi có khúc sông đẹp nhất để thiết lập kinh đô. Đó là khúc sông từ Cồn Dã Viên đến Cồn Hến. Phía bờ bắc là hoàng thành, bờ nam là những dinh thự, công sở, trường học theo lối kiến trúc Pháp, ẩn mình trong những vườn cây. Đến khúc sông nầy, dòng Hương chuyển mình tạo nên nửa vành trăng khuyết, đẹp đến ngẩn ngơ. Thế nhưng, ngay trên khúc sông tuyệt đẹp ấy, dòng Hương đang từng ngày biến dạng, đặc biệt ở phía bờ nam. Xin nêu vài ví dụ:
1/ Từ cửa sông An Cựu, men theo tường thành phía sau trường Bình Linh cũ, Đại học Huế, Nhà khách 5 Lê Lợi, 50 năm trước là bờ sông Hương. Những năm 70, một số ngư dân vạn đò khai thác lớp phù sa dọc bờ sông để làm ruộng lúa. Khoảng 10 năm sau này, cát bồi lấp hẳn ruộng lúa, lấn dần ra sông, biến khu vực nầy thành cồn cát, lau lách rậm rạp, suốt một dải dài từ 800m - 1.000m, rộng từ 100 - 150m.
2/ Cách cồn cát trên khoảng 100m, dọc theo bờ sông, ngay trước bia Quốc học, gần đối diện Phu Văn Lâu, mấy năm trở lại đây, bỗng xuất hiện cồn cát thứ hai, dài khoảng 100m, rộng khoảng 30m.
3/ Mặt sau khách sạn Hương Giang, KTS Ngô Viết Thụ tạo dáng “hồ con mắt” cho công trình tiếp cận dòng sông này duyên dáng hơn. Sau trận lụt 1999, một lớp phù sa bị chặn lại bởi các trụ bê tông của vòng ngoài “hồ con mắt”, dần dần biến thành con đê ngăn cách hồ với sông. Bờ sông phía sau khách sạn Century từ đó cũng bị phù sa bồi lấn ra sông hàng chục mét.
4/ Để phục vụ các thuyền rồng neo đậu, bờ sông trước trường Đại học Sư phạm bị người ta từng bước đua nhau lấp đất lấn ra sông hàng vài chục mét.
Rõ ràng sông Hương đang bị thiên nhiên và con người thi nhau xâm lấn. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, liệu rồi đây sông Hương có còn là sông Hương nữa không?
Xin hãy gìn giữ đôi bờ sông Hương!
|
Hai dải cát bồi trên đoạn sông từ trường Bình Linh đến trường Quốc Học. | |
|
Dải cồn cát trước trường Quốc Học. | |
|
Một lớp học sinh trường Bình Linh năm 1951. Sau nơi này, hồi ấy là Sông Hương. | |
|
Sau nơi này, bây giờ là cồn cát. | |
|
Nơi này, 15 năm trước là lòng sông. | |
|
Nhìn từ sân sau nhà khách 5 Lê Lợi - Sau bức rào này trước đây là sông. | |
|
"Hồ con mắt" của khách sạn Hương Giang. | |
|
Các bậc cấp bên ngoài kè đá bờ sông trước trường Đại học Sư phạm Huế. | |
|
Đất mới tiếp tục đổ lấn ra ngoài các bậc cấp. | |
|