|
Ông Bruno Asseray. |
Cùng với việc chuyển địa điểm từ 42 Yết Kiêu đến Tràng Tiền đầu tháng 9 năm này, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp cũng "thay tên đổi họ" thành Trung tâm Văn hoá Pháp L'Espace. Nhân dịp này, Giám đốc Trung tâm, ông Bruno Asseray - Tuỳ viên Văn hoá Đại sứ quán Pháp - đã có cuộc trò chuyện với báo chí.
- Suốt hơn thập kỷ nay, với một danh sách dày đặc những hoạt động được dư luận chú ý trong lĩnh vực hợp tác Văn hoá nghệ thuật và Pháp ngữ, cái tên Alliance Franaise (Alliance) đã tạo được một ấn tượng rất "đáng kể". Tại sao các ông lại tự "bỏ đi" lợi thế lớn đó của mình?
- Đã từ lâu, thực chất chúng tôi không còn là... "Alliance" nữa. Đây là cái tên chung của một hệ thống gồm 1.500 tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới, hoạt động chỉ trong lĩnh vực Pháp ngữ và văn hoá. Khi bắt đầu thành lập, Trung tâm hoạt động với tư cách là một đại diện tại Hà Nội của Alliance Franaise Paris. Nhưng từ năm 1993 đến nay, Trung tâm đã trở thành một bộ phận thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, không còn là tổ chức phi chính phủ nữa. Vì vậy, hiện nay chúng tôi đang làm việc với phía Việt Nam để soạn thảo một quy chế hoạt động mới cho Trung tâm.
- Vậy đổi tên, chức năng hoạt động mới của Trung tâm sẽ như thế nào?
- Hoạt động của Trung tâm sẽ được mở rộng và đồng bộ hơn. Trước đây, một số hoạt động cũng thuộc lĩnh vực văn hoá như nghe nhìn, hợp tác báo chí, ngôn ngữ... lại nằm rải rác trong các bộ phận khác của Đại sứ quán Pháp chứ không thuộc Trung tâm. Nay tất cả sẽ được quy vào một mối. Với trụ sở mới ở Tràng Tiền, rộng và hiện đại hơn, với một bộ máy hoạt động lớn hơn và đồng bộ hơn, chúng tôi hy vọng sẽ đẩy mạnh được trình độ chuyên môn hoá trong từng lĩnh vực, chứ như điều kiện hiện nay, đôi khi cũng thấy "bó chân bó tay" lắm.
- Xin ông cho ví dụ cụ thể?
- Như bộ phận đón tiếp của Alliance hiện nay, họ vừa phải làm tiếp tân, vừa phải làm phiên dịch. Còn lái xe của chúng tôi thì cũng kiêm luôn... chiếu phim, chụp ảnh. Tình trạng này sẽ không còn tiếp diễn. Phòng chiếu phim vừa qua của Trung tâm cũng kiêm chức năng hội trường, nhưng quá nhỏ và không đủ thiết bị. Còn ở Trung tâm mới, hội trường được thiết kế như một nhà hát nhỏ với các dãy ghế thoai thoải, thiết bị sân khấu, âm thanh, ánh sáng hiện đại phù hợp với các hoạt động biểu diễn, chiếu phim cũng như hội thảo. Thư viện đa phương tiện với những thiết bị tối tân sẽ giúp cho sự tra cứu và cập nhật thông tin... Chúng tôi cũng sẽ mở rộng đối tác và công chúng của mình sang nhiều lĩnh vực và tầng lớp xã hội v.v... Tóm lại, trụ sở mới của Trung tâm rộng và hiện đại hơn hiện nay rất nhiều, nhưng là để các hoạt động của trung tâm sẽ không bị bó hẹp trong 4 bức tường của nó.
- Trung tâm có chức năng như một cây cầu nối 2 nền văn hoá Việt-Pháp, nó đòi hỏi những người am hiểu về văn hoá nghệ thuật của cả 2 đất nước, nhưng hình như các ông chưa có những chuyên gia thực sự về lĩnh vực này?
- Các nhân viên của chúng tôi không là các chuyên gia văn hoá nghệ thuật, nhưng sẽ là "chuyên gia tìm kiếm" những chuyên gia đó ở cả 2 nền văn hoá, đưa họ đến với công chúng, những người muốn tiếp cận với tri thức của họ. Xin đừng hiểu Trung tâm là cây cầu chỉ của 2 nước Việt- Pháp. Chúng tôi còn thuộc Cộng đồng chung châu Âu và khối Pháp ngữ, thành viên của khối này có mặt ở rất nhiều châu lục.
- Một đồng nghiệp phương Tây của ông đã nói, trước khi hiểu và yêu Việt Nam như hiện nay, ông ta đã trải qua nhiều cú sốc tâm lý vì sự khác biệt về văn hoá ứng xử cũng như lề lối làm việc. Đến Việt Nam chưa lâu, ông có gặp phải vấn đề này không?
- Trước đây, tôi đã làm việc ở châu Phi 8 năm, có những lúc phải sống trong hoàn cảnh bất an và khó khăn. Ở Việt Nam thì khác hẳn, tôi thấy thoải mái và dễ chịu, đến mức quên mất ở đây mình là người ngoại quốc. Đôi lúc tôi tự hỏi có phải kiếp trước mình sinh ra ở Việt Nam hay không!
- Thưa ông, các dự án hợp tác của Trung tâm sẽ đặc biệt ưu tiên với những đối tượng nào?
- Những khám phá mới và những người trẻ tuổi. Chúng tôi cho rằng, đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư cho tương lai.
(Theo LĐ)
|