Nhiều khách du lịch không hề đắn đo bỏ ra 20 USD để có được một vật lưu niệm ý nghĩa - những mẫu búp bê dân tộc xinh xắn. Nhưng ít ai biết rằng tác giả của những mẫu búp bê độc đáo này là Nguyễn Khánh Ngọc, người đã chia tay với công việc mình yêu thích - thiết kế thời trang, để đến với công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn này sau một tai nạn giao thông.
Là hoạ sĩ vẽ mẫu thời trang của Viện Mốt (Thuộc Tổng Công ty Dệt - May Việt Nam), năm 1990, một tai nạn giao thông đã buộc Nguyễn Khánh Ngọc phải chia tay với công việc mình yêu thích. Trong những tháng ngày buồn chán của một người vốn ưa hoạt động sôi nổi, tình cờ chị được xem một số mẫu búp bê dân tộc của Trung Quốc, Nhật Bản... chị nghĩ nước mình có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có trang phục đẹp, độc đáo không thua kém các dân tộc khác trên thế giới. Mình cũng có thể làm ra những búp bê có trang phục dân tộc để giới thiệu nền văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bước vào sản xuất, chị phải đối mặt với nhiều khó khăn: trước hết là vốn, rồi đào tạo thợ có tay nghề giỏi, tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, để may trang phục cho đúng quy cách, kiểu dáng của từng dân tộc. Bên cạnh đó, các loại đồ trang sức dùng trang trí thường dùng phải có tỷ lệ thích hợp với kích thước của búp bê. Các thứ này phần lớn không có trên thị trường mà phải tự làm lấy cho giống như thật...
Những khó khăn này tưởng chừng ngăn cản bước đi của một hoạ sĩ tâm huyết. May thay chị đã tìm được người chắp cánh cho ước mơ trở thành hiện thực. Công ty Mỹ thuật Sơn Hà đã tạo mọi điều kiện cần thiết để cơ sở làm búp bê của hoạ sĩ Khánh Ngọc trở thành Trung tâm sản xuất búp bê dân tộc trực thuộc Công ty.
Để kịp thời phục vụ khách đến Việt Nam tham dự SEA Games 22, Trung tâm sẽ sản xuất thêm nhiều mẫu đẹp, mang tâm hồn, phong cách riêng và trang phục đặc trưng của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
(Theo Thế Giới Nhiếp Ảnh) |