Lâu nay, việc cấp giấy chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản của Cục Xuất bản là một cách quản lý của cơ quan Nhà nước đối với các nhà xuất bản (NXB). Thế nhưng công việc này trên thực tế làm nảy sinh một số vướng mắt cần tháo gỡ.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, năm 2002, Cục đã phải chịu một tình trạng "quá tải" khi xem xét, chấp nhận kế hoạch xuất bản, gây lãng phí thời gian và công sức ở khâu này. Sở dĩ như vậy là do hiện tượng đăng ký "xếp chỗ" quá nhiều đề tài cộng thêm sự bổ sung nhiều phần của các NXB. Cụ thể là trong năm 2002, Cục Xuất bản đã chấp nhận gần 24.000 tên sách trong khi sách nộp lưu chiểu chỉ chiếm 65% số đề tài hợp lý.
Về thực chất khi cấp giấy chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản. Cục Xuất bản chỉ dựa vào tên sách (đề tài) và một vài dòng tóm tắt nội dung. Do đó không thể hiểu sâu đề tài mà NXB đăng ký. Khi một ấn phẩm có "vấn đề" thì Cục Xuất bản cũng không thể phát biểu gì hơn ngoài việc quy trách nhiệm chính cho NXB. So với Điều 11 Luật Xuất bản thì trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập khá nặng nề mà quyền chủ động của họ thì lại quá hẹp. Cho nên, nhiều giám đốc, tổng biên tập đề nghị Cục Xuất bản bỏ việc cấp giấy phép chấp nhận kinh doanh, giao trọn quyền và trách nhiệm cho giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản giống như trách nhiệm và quyền hạn của tổng biên tập báo, đài.
Theo ông Trần Đình Việt, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM, việc quản lý công tác xuất bản thông qua chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản đã không còn phù hợp nữa. Nếu bỏ khâu này, Cục Xuất bản sẽ tập trung vào công tác hoạch định chiến lược phát triển của ngành thông qua việc tìm hiểu, giúp đỡ các NXB và tham gia công tác thẩm định tác phẩm khi cần thiết.
Ông Thái Thăng Long, trưởng chi nhánh NXB Thanh Niên tại TP.HCM lại cho rằng vai trò của Cục Xuất bản chỉ nên gói gọn trong việc theo dõi tình hình vi phạm bản quyền, nội dung và tăng cường giám sát, kiểm tra. Nên các NXB in sách thuộc nhiều lĩnh vực. Bằng uy tín và sức cạnh tranh, những NXB lớn sẽ đứng vững và chủ động hơn khi được giao quyền hành nhiều hơn, trực tiếp chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và pháp luật.
Còn với bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ vẫn có thể chấp nhận được phương án đăng ký kế hoạch đề tài cho các NXB. Chính bạn đọc sẽ là người thẩm định sách hay, sách dở cũng như sàng lọc, phân loại NXB nào hoạt động nghiêm túc. Điều này cũng có ý nghĩa là mở rộng quyền hạn của các NXB.
(Theo Lao Động) |