Điện ảnh Việt Nam bắt đầu cuộc phiêu lưu mới?
14:03' 29/07/2003 (GMT+7)
Tiết mục chào mừng Thủ đô tròn 990 năm.

Mong muốn có được một bộ phim lịch sử hoành tráng nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là điều chính đáng. Thế nhưng đã có những ý kiến lo ngại rằng, với bộ phim này, điện ảnh của chúng ta bắt đầu một cuộc phiêu lưu đắt giá khác, sau hàng loạt những cuộc phiêu lưu tiền tỉ như: Điện Biên Phủ trên không, Giải phóng Sài Gòn...

Cuộc thi kịch bản phim truyện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với tổng giải thưởng hơn nửa tỉ đồng (trong đó giải đặc biệt lên tới 100 triệu đồng, 2 giải nhất mỗi giải 80 triệu đồng), mặc dù đã phát động gần một năm qua nhưng Ban tổ chức mới nhận được 12 kịch bản của 10 tác giả gửi đến tham dự. Do vậy, Ban tổ chức đã quyết định kéo dài cuộc thi thêm một năm nữa, đồng thời đầu tư chiều sâu cho gần mười nhà biên kịch, nhà văn có kinh nghiệm viết kịch bản, am hiểu Hà Nội (mỗi tác giả có thể được đầu tư 20 triệu đồng). Các tác giả này không tham dự cuộc thi nhưng cùng tham gia vào cuộc đua nhằm chọn cho được kịch bản tốt nhất.

Chưa biết rồi đây ban tổ chức sẽ thu được những gì qua cuộc thi và kế hoạch đầu tư tốn kém này, nhưng đây rõ ràng là một "sự kiện" vô tiền khoáng hậu của điện ảnh Việt Nam. Trước hết, giải thưởng cho kịch bản vượt khỏi "giá trần" đến 4-5 lần so với các cuộc thi văn học nghệ thuật từ trước đến nay. Dù vậy điều tất nhiên là tiền không phải bao giờ cũng bảo đảm mang lại giá trị nghệ thuật. Thứ hai, ví thử cuộc thi có kết quả tốt nhất, BTC chọn được cả giải đặc biệt và 2 giải nhất (chưa kể các giải khác) đồng thời việc đầu tư trực tiếp cho các tác giả mang lại hiệu quả như mong muốn, thế rồi sẽ chỉ sử dụng một kịch bản để làm phim.

Vậy các kịch bản còn lại sau khi trao giải thưởng và đầu tư hàng trăm triệu đồng thì chẳng lẽ xếp kho? Mà không xếp kho thì để làm gì bởi không thể có chuyện cùng lúc đổ hàng núi tiền tỉ làm vài ba bộ phim cùng đề tài. Dám nghĩ dám làm là tốt nhưng phải dựa trên thực tế tài năng, trình độ của đội ngũ. Hãy thử nhìn lại con số lèo tèo vài ba bộ phim yếu kém được gọi là phim truyện lịch sử mà điện ảnh Việt Nam sản xuất được cho đến nay để tự lượng sức mình xem đã đến lúc nghĩ tới một tác phẩm điện ảnh lớn bao quát cả nghìn năm lịch sử của dân tộc hay chưa. Cuối cùng, nếu cứ làm cho có nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì thử hỏi, đầu ra nào cho bộ phim tốn kém hàng chục tỉ đồng hay lại nối theo bao nhiêu bộ phim khác do Nhà nước tài trợ chỉ nhằm cất kỹ vào kho?

Có một cách khởi động dự án đầu tư sản xuất một số bộ phim truyện lịch sử nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là thành lập nhiều nhóm biên kịch, nhóm đạo diễn; mỗi nhóm được giao trách nhiệm tổ chức kịch bản và dàn dựng về một thời kỳ (sự kiện) lịch sử, có sự tham gia cố vấn chặt chẽ của các nhà sử học; tất cả đặt dưới sự điều phối, chỉ đạo của một tổng biên kịch, tổng đạo diễn.

Để làm được các tác phẩm quy mô hoành tráng, đặc biệt là về đề tài lịch sử, các nhà làm phim nước ta không có cách gì khác hơn là phải học cách tôn trọng lẫn nhau để cùng làm việc tập thể. Nhiều nước có nền điện ảnh phát triển hơn chúng ta vẫn tổ chức kịch bản và sản xuất những bộ phim hoành tráng kéo dài hàng chục tập theo cách này, đặc biệt phim lịch sử của nước láng giềng Trung Quốc mà chúng ta rất ngưỡng mộ.    

(Theo Thanh Niên)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Thí sinh nào mon men xin chiếu cố thì đừng có hy vọng" (29/07/2003)
Bức Tường muốn được hát cho SEA Games (29/07/2003)
"Bruce Almighty" bị cấm trình chiếu tại Malaysia (29/07/2003)
Báo động văn hoá ứng xử của nhiều ca sĩ trẻ (29/07/2003)
Bán đấu giá những kỷ vật của John Lennon (29/07/2003)
Vòng chung kết Giải Sao Mai 2003 hứa hẹn nhiều bất ngờ (29/07/2003)
Phát động Chương trình bảo vệ môi trường và gìn giữ di sản văn hoá (29/07/2003)
Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2003: Liệu có lỡ hẹn tháng 10? (28/07/2003)
"Spy Kids 3-D: Game Over" - sự kết hợp giữa kỹ thuật và nhân văn (28/07/2003)
Từ 1/11/2003, phát hành 12 triệu bản lịch bloc 2004 (28/07/2003)
Hoa hậu Phạm Thị Mai Phương nhận học bổng du học tại Anh (28/07/2003)
Nhạc sĩ Trần Hoàn - tân chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (28/07/2003)
Madonna chuyển sang làm đạo diễn (28/07/2003)
Nhạc Pháp đang phục hưng... (28/07/2003)
Ngọc Châu tự nhận vẫn làm những việc chẳng giống ai (28/07/2003)
Tro ve dau trang