|
Mẹ Nguyễn Thị Khánh có 7 người con là liệt sĩ. |
(VietNamNet) – ''Tự bao giờ tôi chẳng nhớ, chỉ biết ống kính máy ảnh - phương tiện nghiệp đời của tôi đã dồn cả về những bà mẹ, khao khát đến mê để khám phá, khai thác phẩm chất tiềm ẩn tuyệt vời của họ. Đứng trước mỗi bà mẹ, tôi như được che chở. Trong khuôn hình máy ảnh có hình bóng mẹ tôi. Tôi được vơi đi nỗi nhớ và cảm nhận an toàn'' - Nghệ sĩ, nhà báo Trần Hồng tâm sự với phóng viên VietNamNet trong một buổi trò chuyện.
Con tìm về cội nguồn ở mẹ. Ý tưởng ấy đã dẫn dắt ống kính của nghệ sĩ Trần Hồng đến trước mỗi chân dung. May mắn thay! Không phải hình ảnh đối tượng được thu vào như một ghi chép mà là niềm tôn kính, hiếu nghĩa được dâng lên, niềm xúc động rung lên, tan hoà vào tác phẩm của anh. Dường như mỗi số phận, mỗi cuộc đời được khắc hoạ qua từng tác phẩm của nghệ sĩ Trần Hồng để mà dâng cao công lao trời biển, nỗi đau thương suốt đời mẹ gánh. Có ánh niềm tự hào chút vinh quang khi dân tộc tôn vinh nhưng nén chịu goá bụa, u buồn, mất mát mãi mãi chìm vào ánh mắt, nếp nhăn và cả nụ cười của các bà mẹ.
Bằng đức tính khiêm nhường, tài năng, sự đam mê và sức đi mải miết, nghệ sĩ Trần Hồng đã ''dành dụm'' cho riêng mình những bức ảnh giản đơn, bình dị nhưng rất có ''hồn'' qua nhiều khuôn mặt khác nhau của những bà mẹ Việt Nam. Anh tâm sự về một kỷ niệm khó quên trong quá trình cầm máy của mình (tính đến thời điểm này): ''Tháng 8/1996, tôi đi đến Sư đoàn 4 ở Ấp Tám Ngàn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, tôi được các chiến sĩ dẫn đến nhà bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Khánh (86 tuổi). Lần đầu tôi đến nhà bà cụ thì bắt gặp hình ảnh mẹ Khánh đang ngồi ăn cơm một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang. Khoảnh khắc rất đẹp nhưng lần đó tôi không sao chụp được ảnh, tay chân cứ run bần bật. Tối hôm đó, tôi ngủ lại với mẹ và được nghe những câu chuyện xúc động về từng người con của mẹ. Hôm sau, thủ thỉ bên tai mẹ tôi nói: Má ơi, má cho con chụp hình của má nhé! Sáng mai con về Hà Nội rồi. Thật bất ngờ tôi nhận được lời đáp của má: Chụp má làm chi con ơi, cuộc đời này có nhiều người đáng được chụp hơn má... Sau 4 lần đến nhà mẹ Khánh chơi tôi mới chụp được những bức ảnh cho riêng mình. Một kỷ niệm không bao giờ quên''.
Giải thích lý do chỉ chọn đề tài chân dung các bà mẹ để chụp, nghệ sĩ Trần Hồng nói: ''Giống như bao người mẹ Việt Nam khác, mẹ tôi là người tần tảo, một đời chịu thương chịu khó nuôi dạy các con. Đến nay, mái đầu của tôi đã hai thứ tóc nhưng với mẹ, tôi luôn luôn như một trẻ sơ sinh và thường xuyên phải có người chăm bẵm. Mỗi lần về thăm nhà, tôi đều bị mẹ đè ra mà gội đầu, kỳ cọ, tắm táp. Những lúc như thế, tôi thấy mắt mẹ mình ánh lên. Hẳn mẹ tôi vui lắm! Niềm vui nhỏ nhoi vậy mà hàng triệu bà mẹ của đồng đội tôi không còn có nữa. Bởi các con của mẹ vì nghĩa nước đã ra đi và mãi mãi không về''.
Nghệ sĩ Trần Hồng đang cố gắng tiến lên một bậc nữa trong nghệ thuật chân dung bằng ảnh. Anh muốn tạo một cơ hội cho ta đối thoại bày tỏ với người trong ảnh nhiều hơn là chiêm ngưỡng kỹ xảo. Ý tưởng ấy sẽ thấm mãi vào ta vì chúng ta không bao giờ muốn lìa mạch với cội nguồn. Hiện anh đang tiếp tục công việc chụp chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp, dự định 2 năm nữa khi đại tướng tròn 95 tuổi thì anh sẽ làm một triển lãm chân dung về ông.
Nhà báo, nghệ sĩ - chiến sĩ Trần Hồng sinh ngày 2/1/1949 tại Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp ĐH Báo chí (1973) và hiện nay là thượng tá, phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ngoài ra, anh còn là Hội viên Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP). Hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Năm 1995, anh thực hiện triển lãm riêng đầu tiên mang tên ''Chân dung mẹ'' ở 47 Tràng Tiền, Hà Nội. Năm 1997, cuốn sách Chân dung ảnh do NXB Nhân Dân ấn hành đoạt giải xuất sắc công trình nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1986, bức ảnh Mẹ liệt sĩ của anh đoạt giải OYSI (Liên đoàn báo chí các nước XHCN). Năm 1998, phóng sự ảnh ''Con tìm về với mẹ'' đoạt giải Ba của Hội báo chí Việt Nam... |
VietNamNet xin giới thiệu một số tác phẩm của nghệ sĩ Trần Hồng.
|
Ở viện Quân y 108 - Bà mẹ ngoại thành tự nguyện chăm sóc những chiến sĩ bị đau yếu. | |
|
Mẹ Trần Thị Truật (Đức Vịnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đau đáu dõi theo đoàn quân diễu duyệt qua quảng trường Quân khu 4 như thể tìm con. | |
|
Hai bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng chung tâm trạng: Nỗi đau mất mát và niềm tự hào được đất nước tôn vinh. | |
|
Mẹ là người Tây Ninh bị bọn Pôn Pốt (Campuchia) giết hại cả chồng, con trước tháng 1/1979. | |
|
Thời gian đọng đầy trong mẹ! Cụ Ngân Thị Quảng dân tộc Thái ở Nghệ An. | |
|
Ngày đưa hài cốt con mẹ Cả Tám về quê nhà xã Đồng Nguyên, Tiên Sơn, Hà Bắc. | |
|
Bao nỗi riêng tư! | |
|
Mẹ Nguyễn Thị Diệp (Huế) có 6 người con đều là liệt sĩ. | |
|
Mẹ ơi! Chúng con luôn bên mẹ! | |
Hà Sơn |