|
Một cổ vật được trưng bày ở triển lãm. |
Lần đầu tiên, 416 cổ vật được phép xuất ngoại để trưng bày tại châu Âu. Toàn bộ các kiện hàng đặc biệt trên được đưa vào bảo tàng lớn nhất nước Bỉ với sự giám sát của bà Đào Thị Minh Nguyệt - cán bộ bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và TS. Đặng Văn Thông - PGĐ bảo tàng TP.HCM. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa báo chí và ông Đặng Văn Thông xung quanh cuộc triển lãm này.
- Thưa ông, số hiện vật này sẽ được trưng bày tại bảo tàng nào, nội dung chính của đợt giới thiệu là gì?
- Vì nội dung yêu cầu của phía Bỉ là lịch sử, văn hoá Việt Nam trong quá khứ và hiện tại nên một số hiện vật đưa sang cho họ mượn phải nói lên những nét tiêu biểu của cả thời cổ đại lẫn hiện đại. Đặc biệt, họ chờ đợi ở hiện vật Việt Nam thể hiện những "mảng trời phương Đông" sâu lắng trên đất nước mình như tượng Phật, tượng Thần khác với những Apollon và Prométhé của thần thoại phương Tây. Chúng ta cũng chuyển tới đó nhiều tranh dân gian ngộ nghĩnh, trang phục, đồ mỹ nghệ trang trí, đồ thờ các dân tộc sinh sống lâu đời tại Việt Nam... Tất cả sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng Gia nằm ngay khu trung tâm của thủ đô Brusselle từ 17/9/2003 đến 29/2/2004.
- Hiện việc chuẩn bị đến đâu và ngoài số hiện vật do chúng ta đưa sang châu Âu sẽ còn có những cổ vật thuộc các nguồn khác nữa?
- Hiện 250 nhân viên, chuyên viên, nhà khoa học đang cùng bố trí hiện vật sẽ trưng bày về VN trên mặt bằng khoảng 1000 m2 trong khuôn viên bảo tàng. Theo thông báo mới nhất của ban tổ chức, ngoài số hiện vật do VN chọn từ 13 bảo tàng trong nước, Bỉ còn đón nhận một số hiện vật khác có xuất xứ từ Việt Nam do 8 bảo tàng ở các nước châu Âu đang lưu giữ gửi tới cho mượn. Riêng tại bảo tàng Hoàng gia, nơi diễn ra cuộc trưng bày nói trên, hiện giữ tới 3000 món cổ vật có xuất xứ từ VN gồm đủ mọi chất liệu, chủng loại sẽ được sử dụng trong kỳ này.
- Ông thấy hoạt động của các bảo tàng mà mình có dịp đến thăm trong chuyến đi như thế nào?
- Tôi đi thăm một số bảo tàng và di tích tại Paris (Pháp) và Amsterdam (Hà Lan) nhưng ấn tượng nhất là bảo tàng Hoàng gia ở Brusselle vì cách thức rất "chuyên" của nó. Họ dùng nguyên cung điện của của một hoàng đế vương quốc Bỉ để lại làm bảo tàng để nguyên mọi thứ.
(Theo Thanh Niên) |