Hiện Việt Nam có hai bảo tàng lịch sử tầm cỡ quốc gia là Bảo tàng Lịch sử Việt nam (BTLS) và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (BTCM), nhưng do quá tải hiện vật nên kế hoạch xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) đã hình thành. Có thể hiểu đó là sự "hợp nhất" giữa BTLS và BTCM, nhưng với quy mô lớn gấp hàng chục lần hai bảo tàng này cộng lại (rộng tới 35.000m2), có trang thiết bị hiện đại, và được xây dựng tại một vị trí lý tưởng ở Thủ đô là khu trung tâm Chính trị Ba Đình.
PGS-TS Phạm Mai Hùng, Giám đốc BTCM, Phó trưởng Ban nghiên cứu xây dựng đề án BTLSQG sẽ nói rõ hơn về sự "hợp nhất" này.
- Thưa ông, Bảo tàng mới được xây dựng sẽ là nơi trưng bày "gộp" các nội dung của BTLS và BTCM?
- Không chỉ đơn thuần như vậy. BTLSQG sẽ trưng bày một cách hệ thống tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam từ thời đại đồ đá đến thời đại ngày nay, làm nổi bật lên sự thay thế có tính liên tục của các hình thái kinh tế xã hội.
Bổ sung cho hệ thống này là các chuyên đề chuyên sâu như chuyên đề về các nền văn hoá, về dân tộc học, về các tác phẩm nghệ thuật, về các làng nghề truyền thống. Bảo tàng mới sẽ bổ sung các mảng còn trống hoặc chưa đầy đủ của 2 bảo tàng hiện có. Cũng cần phải nói thêm rằng những mảng này khá lớn.
Các mảng trưng bày của BTLS từ thời kỳ độc lập trở đi vẫn chưa đủ, cần phải sưu tầm thêm nhiều. Còn BTCM thì mới chỉ là bảo tàng chiến tranh cách mạng, chứ chưa hẳn là bảo tàng lịch sử cận hiện đại. Chính vì vậy một năm nay, BTCM đang tiến hành sưu tầm theo 15 chuyên đề để bổ sung các phần trưng bày về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và các ngành nghề truyền thống của thời kỳ cận hiện đại.
- Công việc chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng mới gồm những gì?
- Cùng với việc tổng kiểm kê các hiện vật sẵn có của hai bảo tàng để phát hiện những mảng còn khuyết trống, Ban nghiên cứu sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tổ chức đi khảo sát trong và ngoài nước để xây dựng nội dung trưng bày của bảo tàng mới.
Từ đó chúng tôi sẽ đề xuất những yêu cầu về quy hoạch không gian, hình thức kiến trúc để phục vụ cho việc xây dựng các phương án kiến trúc của nhà bảo tàng. Chắc chắn sẽ phải tổ chức một cuộc thi quốc tế để lựa chọn phương án kiến trúc phù hợp. Đề án sẽ được hoàn chỉnh trong năm 2003-2004 để trình Chính phủ. Không thể vội được, phải 10-15 năm nữa BTLSQG mới có thể khánh thành.
- Sao đó thì toà nhà rất đẹp của BTLS và BTCM hiện nay sẽ được sử dụng vào mục đích gì?
- Sau khi có bảo tàng mới, toà nhà BTLS hiện nay, vốn là Viện Viễn Đông Bác Cổ cũ, sẽ trở thành một chi nhánh của BTLSQG, là nơi trưng bày cổ vật của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Còn toà nhà BTCM, vốn là một trụ sở hành chính thời trước, sẽ trả lại cho Nhà nước.
(Theo TT & VH) |