(VietNamNet) - Số phận người phụ nữ Phương Đông có nhiều nét khác biệt với Phương Tây, do lịch sử, cấu trúc xã hội, tôn giáo. Nếu đứng ngắm những kiệt tác tranh nude của Phương Tây, ta có cảm nhận cái đẹp của sự nảy nở, hoặc cả yếu tố thờ phượng, thì ở Phương Đông, dường như có một cái đẹp khác nữa... Nhà phê bình Chu Hồng Tiến muốn nhắc đến từ ''thân phận''.
|
Nhà phê bình mĩ thuật Chu Hồng Tiến |
- Theo anh, tranh nude hoặc ảnh nghệ thuật khoả thân, phải có tiêu chí gì? Hay nói cách khác, vẻ đẹp của thân hình người phụ nữ phải được nhìn dưới một ánh sáng, một góc độ thế nào?
- Tôi yêu thích một nhận định: Vẽ hay chụp ảnh nude không phải tả người phụ nữ không mặc quần áo. Nhận định đó cho chúng ta một nhìn nhận, một tri thức để vào cõi của nghệ thuật. Trong trang phục của nàng Eve, người nữ không trần trụi nữa mà họ tuyệt vời trong trang phục của Thượng đế. Và còn gì đẹp hơn trang phục của Thượng đế? Bởi vậy tri thức và cảm xúc là điều cần quan tâm hơn cả. Đó là sức cộng hưởng - hoà tan của người nghệ sĩ. Không có nghệ thuật cho tấm toan và thước phim thô tục trước hình hài người phụ nữ. Tôi cam đoan như vậy, để tin rằng giá trị của cái đẹp nằm ở một nhận thức đẹp, một trái tim đẹp.
- Trên nền của văn hoá Phương Đông, với những đặc điểm kín đáo, tế nhị... các hoạ sĩ, hoặc nhiếp ảnh gia, sáng tác chủ đề nude có phải có một cái nhìn khác với các nghệ sĩ xuất thân từ những nền văn hoá khác, như văn hoá Phương Tây chẳng hạn, hay không?
- Phương Đông thâm hậu nhưng cởi mở. Từ cổ xưa, mĩ thuật Phương Đông đã đề cập - tiếp xúc với hình thể người phụ nữ. Ẩn dụ như tranh khắc Nhật Bản, hài hoà như quốc hoạ Trung Hoa, mạnh bạo như tượng cổ Ấn Độ... Và Phương Đông sâu lắng của chúng ta có cánh cửa xanh để rộng mở với các nền văn hoá khác. Khi bản sắc của Phương Đông đậm đà như vậy, rất đàng hoàng để chúng ta có chỗ đứng vững chắc trong diện mạo văn hoá nhân loại, ở cả những mảng đề tài tế nhị như tranh nude, ảnh nude.
- Nhân cuộc triển lãm tranh nude của hoạ sĩ Đoàn Hồng tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, anh có cảm nhận gì?
- Đầu những năm 80 của thế kỉ trước, ở Hà Nội có cuộc triển lãm tranh nude của hai hoạ sĩ Đỗ Phấn và Công Quốc Hà. Đây được coi là triển lãm chuyên đề tranh nude đầu tiên. Thật mừng là công chúng tán thưởng và người trong giới ngợi ca. Một triển lãm tranh nude không còn lạ lẫm với diễn đàn mĩ thuật hôm nay, các hoạ sĩ không còn rụt rè e ngại khi bày đặt đề tài được coi là kín đáo này trước đám đông thưởng ngoạn.
|
Nude - mực Nho của Lưu Công Nhân |
Trung tuần tháng 7 này, hoạ sĩ Đoàn Hồng có trưng bày một sê-ri tranh nude tại nhà triển lãm của Hội Mĩ thuật VN. Rất nhiều hoa và lời chúc. Trong cuộc truy tìm cái đẹp, tác giả rất hoan hỉ, nhưng chưa gây thoả mãn về thẩm mĩ. Phụ nữ không chỉ là thân xác mà có cả thân phận. Vẽ nude phải hướng đến cái đẹp của thân phận trong bối cảnh của hội hoạ, ngôn ngữ đòi hỏi tính cá nhân cao độ.
- Thưa anh, hội hoạ Việt Nam hiện đại đã xác lập được một phong cách, hay một khuynh hướng tranh nude mang màu sắc Á Đông chưa?
- Chúng ta có truyền thống mĩ thuật, có cách thức biểu đạt người phụ nữ để đề cao vẻ đẹp hình thể của họ trong điêu khắc dân gian, đặc biệt là chạm khắc đình làng đã để lại một di sản đồ sộ. Với những lí do khác nhau, hoạ sĩ đương đại VN chưa tạo dựng được phong cách hay khuynh hướng tranh nude mang sắc thái riêng biệt. Còn thấy sự dễ dãi trong cách nhìn và cách thể hiện và sự ảnh hưởng thiếu lựa chọn của hội hoạ Phương Tây hay nhiếp ảnh còn lộ rõ.
Nhưng tôi tin rằng hoạ sĩ chúng ta sẽ vượt qua được những quanh quẩn này để vỡ vạc cách nhìn và biểu đạt giàu sắc thái cá nhân trong dòng chảy của văn hoá Phương Đông rất huyền ảo mà sâu sắc.
- Xin cám ơn anh!
|