|
Nhã nhạc cung đình Huế được ưa chuộng ở nước ngoài. |
(VietnamNet) - Trung tuần tháng 9, đội nhã nhạc Huế sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Đại nhạc hội châu Á 2003 tại Tokyo (Nhật Bản). Đoàn gồm 11 thành viên do nghệ nhân Trần Kích làm Trưởng đoàn sẽ tham gia biểu diễn 2 loại hình: đại nhạc và tiểu nhạc. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với anh Trần Thảo, giảng viên nhã nhạc trường Đại học Nghệ thuật Huế, một thành viên của đoàn và là con trai nghệ nhân Trần Kích.
- Anh có thể cho biết một vài thông tin về chuyến đi này?
- Đoàn chúng tôi gồm 11 người, trong đó có 3 nghệ nhân. Tất cả đều là thành viên của CLB Nhã nhạc Phú Xuân*, Nhà văn hoá Huế. Người già nhất là cha tôi, nghệ nhân Trần Kích, năm nay đã 83 tuổi, còn trẻ nhất trong đoàn là 28 tuổi. Chúng tôi sẽ biểu diễn 2 loại hình: đại nhạc và tiểu nhạc. Đáng lẽ sự kiện này đã diễn ra từ vài tháng trước đây nhưng bị hoãn lại vì dịch SARS.
Lễ nhạc cung đình Huế với hệ thống đại nhạc và tiểu nhạc, gọi chung là nhã nhạc, là loại hình âm nhạc đặc sắc phổ biến ở các triều đình Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày trước. Xuất hiện vào đầu thời Hậu Lê, nhã nhạc cung đình Việt Nam ngày được cải biến để phù hợp với tâm hồn Việt. Nhã nhạc cung đình Huế có sắc thái riêng, rộn ràng, uyển chuyển mà trầm hùng, uy nghiêm...
Đây là hai thể loại được truyền khẩu trong dân gian và được diễn xướng trong các lễ hội dân gian, nghi lễ Phật giáo, biểu diễn âm nhạc thính phòng và âm nhạc truyền thống. Việc nghiên cứu về hình âm nhạc này chưa được đầu tư đúng mức nên một số bài bản đã bị thất truyền. Nghệ sĩ La Cẩm Vân, Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế là một trong số ít người tâm huyết với nhã nhạc. Mới đây, bà công bố một công trình nghiên cứu phục hồi một bài nhạc lễ cung đình triều Nguyễn, bài Trống thái bình. Công trình này đã được hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phê duyệt và trao giải thưởng. |
- Cùng tham dự Đại nhạc hội châu Á 2003 còn có một số đoàn nhạc cung đình của các nước khác?
- Về âm nhạc truyền thống chỉ có 3 đoàn được mời là nhã nhạc cung đình Huế, âm nhạc cung đình của Hàn Quốc và nhạc cung đình của một quốc gia đại diện khối Arab. Mỗi nước có một phong cách riêng, và những dịp thế này là cơ hội để giới thiệu một loại hình nghệ thuật truyền thống của đất nước mình.
- Anh có so sánh về loại hình nhạc cung đình của các nước?
- Giáo sư Trần Văn Khê có lần nói rằng nhã nhạc cung đình Huế phong phú, thậm chí phong phú hơn nhiều so với nghệ thuật cung đình của các nước khác. Ngôn ngữ âm thanh đa dạng, cách thức xử lý nhạc cụ cũng nhuần nhuyễn hơn. Cái thua duy nhất của ta có lẽ là sân khấu. Sân khấu biểu diễn của ta còn đơn giản quá.
- Tuy chưa có sức hút mạnh mẽ ở trong nước, nhưng nhã nhạc cung đình Huế thường xuyên xuất ngoại. Chắc hẳn những nhà quản lý phải rất vất vả?
- Thật may là đội nhã nhạc cung đình Huế nhận được sự đỡ đầu của một số nghệ sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài như Tôn Thất Tiết, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiện Đạo... Họ đã giới thiệu lại với khán giả và các tổ chức nghệ thuật ở nước ngoài nhằm đưa nhã nhạc cung đình Huế ra ngoài biên giới quốc gia. Chỉ tiếc rằng, trong khi nước ngoài họ ưa chuộng loại hình này thì ở Việt Nam, cụ thể là ở Huế rất ít người theo đuổi nhã nhạc một cách chính quy, nghĩa là theo học trong các trường nghệ thuật. Chỉ có con em những người đang theo nghề, học theo kiểu truyền nghề nhằm kiếm kế sinh nhai.
- Cảm ơn anh nhiều. Chúc đoàn thành công tại Đại nhạc hội.
* Câu lạc bộ Nhã nhạc Phú Xuân được thành lập từ năm 1992, thu hút rất đông các nghệ nhân sinh hoạt. Trong CLB có gia đình có 3 thế hệ cùng tham gia. CLB đã tham dự rất nhiều các hoạt động âm nhạc truyền thống trong nước cũng như quốc tế. Năm 1996, CLB tham gia Hội nghị nhạc cung đình châu Á tại Hàn Quốc, cùng với Trung Quốc, Nhật và nước chủ nhà. Liên tiếp tham dự các kỳ Festival Huế. Đầu năm 2003, CLB đã tham dự Tuần lễ văn hoá Việt Nam tại Luxembourg.
|