|
Tác phẩm ''Những cô gái H'mông'' của Nguyễn Ngọc Văn. |
(VietNamNet) - Triển lãm ảnh Thế giới qua con mắt trẻ em H’mông sẽ được khai mạc vào ngày 2/8 tới, tại Nhà H’mông (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam). Đặc biệt trong lễ khai mạc sẽ có sự tham gia của các em gái H’mông, những tác giả nhỏ tuổi của những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm ảnh Thế giới qua con mắt trẻ em H’mông là thành quả của dự án Tiếng nói từ những bức ảnh (Photovoice) của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do Quỹ Toyota tài trợ.
Tiếng nói từ những bức ảnh là một loại hình dự án trao máy ảnh vào tay những người dân địa phương để họ thể hiện tiếng nói, kinh nghiệm và mối quan tâm của mình thông qua một phương pháp độc đáo kết hợp cả hình ảnh và lời nói. Loại hình dự án này đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, với mục đích đề cao tiếng nói của những người dân bình thường nhất.
Dự án Thế giới qua con mắt trẻ em H’mông được thực hiện từ tháng 6/2002 với một nhóm các em gái H’mông rời bản ra thị trấn Sa Pa bán hàng và làm hướng dẫn viên cho khách du lịch. Các em thuê nhà trọ sống với nhau tại thị trấn, đi làm kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Ngoài một số ít các em làm hướng dẫn cho các khách sạn và công ty du lịch, phần lớn các em chơi ở thị trấn vào những dịp nông nhàn. Vào vụ mùa các em lại về làng giúp đỡ bố mẹ. Sống ở thị trấn, các em tự học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật để giao tiếp với khách du lịch và được gặp rất nhiều khách từ nhiều nước khác nhau.
Sau khi được nghe giới thiệu về mục đích nội dung dự án, các em gái H’mông được giao máy ảnh và tập chụp những bức ảnh đầu tiên. Sau mỗi cuộn phim, các cán bộ dự án gặp các em để trao đổi về từng bức ảnh, nhằm tìm hiểu những ý nghĩ các em muốn gửi gắm thông qua những bức ảnh đó. Sau 6 tháng, 53 em đã tham gia vào dự án và chụp gần 150 cuộn phim. Gần 100 bức ảnh của các em gái H’mông đã được chọn để trưng bày ở triển lãm này.
''Mong muốn của chúng tôi qua triển lãm ảnh Thế giới qua con mắt trẻ em H’mông là người xem sẽ nhận ra một điều rằng người H’mông sống ở Sa Pa nói riêng và các dân tộc thiểu số ở vùng cao nói chung là những người có tiếng nói riêng, có cách nhìn riêng với cuộc sống của mình và xung quanh chứ không phải chỉ là các đối tượng được nghiên cứu và xem xét như trong quá khứ", ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 15/9/2003.
|