|
Chương trình biểu diễn của CLB Đồng Cảm. |
Đó là khẳng định của ông Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM trong cuộc phỏng vấn ngày 17/7 vừa qua tại cuộc họp với các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật bàn biện pháp tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (NTCN) tại TP.HCM trong thời gian tới. Ông Tuấn cũng cho rằng, tin đồn về một "danh sách đen" của các ca sĩ sẽ bị tẩy chay là điều không có thật!
- Ông đánh giá thế nào về tình hình hoạt động biểu diễn NTCN tại TP.HCM sau thời gian triển khai và thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT về tăng cường quản lý hoạt động biểu diễn NTCN?
- Thời gian qua, chúng ta đã lập lại trật tự một bước căn bản về hoạt động biểu diễn NTCN trên địa bàn TP.HCM. Từ các nhà tổ chức hoạt động biểu diễn NTCN đến anh chị em nghệ sĩ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc Nhà nước tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực này, nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn, đáp ứng nhu cầu phục vụ công chúng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn đòi hỏi phải có thời gian. Việc xử lý bước đầu của cơ quan chức năng đối với những sai phạm của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc đã tạo được sự lưu ý cho đội ngũ nghệ sĩ. Giải pháp quản lý lâu dài vẫn là tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện, nhắc nhở và xử lý thỏa đáng, làm sao để trong giới có sự đồng tình, nhân dân ủng hộ và bản thân từng nghệ sĩ biết để tự chấn chỉnh mình.
- Sở VH-TT TP.HCM sẽ xử lý ra sao về trường hợp sai phạm của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ VH-TT?
- Trong vài ngày tới, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Sở VH-TT TP. Hải Phòng và Sở VH-TT TP.HCM sẽ có cuộc họp xem xét trên cơ sở văn bản pháp lý, tư liệu, kể cả đơn nhận phê bình của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc để có biện pháp xử lý thỏa đáng, đủ sức nhắc nhở Ưng Hoàng Phúc trong suốt thời gian hoạt động ca hát sau này. Sự phối hợp xử lý giữa cơ quan trung ương và địa phương theo tôi là rất cần thiết.
- Trường hợp có ca sĩ tham gia ghi âm một số bài hát chưa được phép phát hành trong nước cho một trung tâm băng nhạc hải ngoại, Sở VH-TT TP.HCM sẽ xử lý ra sao?
- Chúng tôi đã biết có một ca sĩ trẻ đã thu thanh hai bài hát sáng tác trước năm 1975, chưa được Bộ VH-TT cho phép lưu hành, do một công ty TNHH gia công cho một đơn vị sản xuất băng nhạc ở hải ngoại. Chúng tôi đã làm việc và nhắc nhở đơn vị này. Sắp tới sẽ mời ca sĩ trên đến để nhắc nhở tiếp. Qua việc này, tôi mong rằng bản thân ca sĩ nói trên cũng như các ca sĩ khác phải rút kinh nghiệm.
- Ông nói gì trước dư luận bàn tán về việc có 20 ca sĩ bị đưa vào "danh sách đen" của các cơ quan chức năng?
- Tôi cũng có nghe dư luận bàn, nhưng đó là chuyện hư cấu, thêu dệt. Tôi khẳng định không có "danh sách đen" nào cả. Cũng có dư luận cho rằng đơn vị A, đơn vị B không cho các ca sĩ có tên trong "danh sách đen" hát, thực tế, chưa có đơn vị nào trên địa bàn TP.HCM cấm cả, kể cả đài truyền hình, đài phát thanh. Còn việc các đơn vị tổ chức biểu diễn, các đài mời ca sĩ này hoặc không mời ca sĩ kia hát... là thuộc quyền biên tập chương trình của họ. Mong rằng dư luận, kể cả dư luận báo chí, đừng tung những thông tin chưa chuẩn xác, gây bất ổn trong tâm lý người dân.
- Sở VH-TT có động thái gì trước việc một số ca sĩ tự đứng ra thành lập "Câu lạc bộ (CLB) ca sĩ Đồng Cảm"?
- Tôi được biết có một "CLB Đồng Cảm" đang hình thành và có một phòng trà ca nhạc tổ chức cho họ hoạt động bước đầu. Chúng tôi đã nhắc nhở đơn vị này là phải hoạt động đúng pháp luật. Có một ca sĩ trong nhóm "CLB Đồng Cảm" đã gởi đơn đến Sở VH-TT, tự nhận thiếu sót về mình, tự phê bình mình do không am hiểu pháp luật, non kém về nhận thức nên có những hành động bồng bột, thái quá trong thời gian qua. Việc ra đời tự phát của "CLB Đồng Cảm" đã vi phạm những quy định của luật pháp Việt Nam về việc thành lập các hội đoàn mang tính nghề nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ mời những thành viên trong nhóm này đến làm việc, hướng dẫn họ theo đúng những quy định của Nhà nước. Nghệ sĩ cần phải biết tôn trọng pháp luật.
- Cuộc họp giữa Sở VH-TT TP.HCM với các đơn vị hoạt động tổ chức biểu diễn trên địa bàn TP.HCM vào chiều 17/7 đã tìm được những biện pháp gì cho công tác quản lý hoạt động này trong thời gian tới?
- Sau khi phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động ca múa nhạc vừa qua, các thành viên dự họp đã nêu lên một số kiến nghị: Một là, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lập lại giấy phép hành nghề biểu diễn NTCN cho cá nhân nghệ sĩ, vì đây là chứng chỉ khẳng định tài năng, đạo đức của nghệ sĩ được pháp luật thừa nhận. Hai là, nên thành lập CLB các nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật để thống nhất các giải pháp phối hợp hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật, ổn định hoạt động, giảm giá thành... Ba là, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về chính trị - xã hội cho ca sĩ, như đang làm đối với nghệ sĩ hài.
Cần đầu tư công trình nghiên cứu khoa học về việc định hướng phát triển lâu dài hoạt động tổ chức biểu diễn trên địa bàn TPHCM, có biện pháp thích hợp về thu thuế thu nhập nghệ sĩ. Thời gian tới, Sở VHTT sẽ làm việc với các hội chuyên ngành, xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM để từng bước triển khai thực hiện.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo NLĐ)
|