''Hội đồng Phê bình Văn hoá nghệ thuật cần nhanh như cảnh sát 113"
07:55' 20/07/2003 (GMT+7)
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Chuẩn bị cho việc thành lập Hội đồng Lý luận phê bình Văn hoá nghệ thuật Trung ương, liên quan đến âm nhạc, tại Hội nghị về công tác Văn hoá tư tưởng diễn ra tại Hà Nội mới đây, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu rằng: Hội đồng cần có một quyền hạn nhất định tương tự như chức năng của cảnh sát 113, với khả năng ứng phó tức thì.... Báo giới vừa có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xung quanh chủ đề này.

- Một Hội đồng lý luận - phê bình Trung ương có khả năng ứng phó tức thì như cảnh sát 113 - thật là một ý tưởng mới lạ. Anh có thể cho biết ý tưởng này được xuất phát từ đâu?

- Do tính cấp thiết của lý luận phê bình trên mặt trận văn hoá tư tưởng nói chung, việc cần có một hội đồng là cần thiết. Tuy nhiên, từ trước đến nay, người ta vẫn hiểu tinh thần của hội đồng là tập trung các chuyên gia, có nghề chuyên sâu, làm cố vấn cho Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác, hoạt động của đời sống VHNT. Công tác này, do tính chất đúc kết và chuyên sâu nên thường không phải đi trước hay song hành với đời sống VHNT mà nghiêng về lý luận có tính lâu dài định hướng. Các chuyên gia sẽ nghiên cứu, đưa ra ý kiến rồi ý kiến đó có thể có hoặc không được ghi nhận. Nhưng đối với một số lĩnh vực có sự biến động không ngừng như âm nhạc thì lại cần đến tính tác chiến ngay. Điều này cần đến một quyết định có tính "uy quyền" như một liều thuốc mạnh, để tạo ra lực lượng phản ứng nhanh nhằm định hướng, ngăn chặn tức thời những hoạt động hay dòng chảy VHNT lệch lạc.

- Vậy khi đó vai trò của một hội đồng có chức năng như cảnh sát 113 sẽ là gì?

- Đó là một cách gọi nôm na chỉ tính tác chiến ngay. Thực tế cho thấy từ một hiện tượng đáng chê trách trên sân khấu cho đến khi lên được đến các cấp có thẩm quyền, đợi họ ra những quyết định cụ thể là quãng thời gian quá lâu. Ví dụ, mặc dù chính những nhà lý luận là người khởi xướng và đứng đầu để chống lại xu hướng thổi phồng, đánh bóng và tạo ''sao" như thời gian gần đây nhưng các cơ quan quản lý lại không trực tiếp chịu sự ảnh hưởng của họ nên chỉ biết nghe các ý kiến đó rồi mới bắt đầu triển khai nghiên cứu và đưa ra các quyết định thường là yếu, không sát thực tế. Nếu hội đồng có một uy quyền nhất định thì sẽ đưa ra được những quyết định mang tính chuyên môn cao và giải quyết được những vấn đề ngay từ khi nó mới nảy sinh.

- Như vậy thì hội đồng lý luận sẽ kiêm luôn vai trò của nhà quản lý thậm chí lại chỉ đạo được họ? Như vậy liệu có bị chồng chéo chức năng không?

- Điều này không có nghĩa là hội đồng đứng trên hay thay quyền nhà quản lý mà chỉ cần có một tiếng nói đủ mạnh, có tác dụng như một liều kháng sinh mạnh, biện pháp cứng... Ý của tôi là hội đồng ngoài chức năng tập hợp các nhân sĩ, mang tính lý luận tư vấn (tĩnh) thì cần tính đến chức năng hiệu lực.

- Trở lại vấn đề đời sống âm nhạc hiện nay, chúng ta đã nói rất nhiều về sự bất hợp lý, mâu thuẫn giữa đào tạo và thực tế của các ca sĩ, nhạc sĩ, thậm chí cả các nhà phê bình.

- Đây là một thực trạng buồn, những người được đào tạo cơ bản và dài hạn thì ra đến xã hội lại ít phát huy tác dụng. Ví dụ như một số ca sĩ được đào tạo trường lớp chuyên ngành, có học thuật, kỹ năng thì hầu như không có chỗ đứng trên thị trường âm nhạc; trong khi đó, quá nhiều ca sĩ không học, thậm chí không hề biết nhạc, chỉ hát theo băng lại được tung hô như siêu sao. Lẽ tất nhiên chúng ta không thể gạt những hiện tượng này ra khỏi đời sống âm nhạc, nhưng lại rất cần một tư tưởng lý luận soi sáng và chỉnh lý.

- Nhưng việc tạo ra "sao" đó bắt đầu từ chính các nhà phê bình trên các báo, nhiều ý kiến đồng tình rằng chính các chương trình truyền hình đã góp phần "lăng xê'' xu hướng âm nhạc theo thị hiếu, anh có ý kiến gì về vấn đề này?

- Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhiều lần có ý kiến rằng không nên làm chương trình âm nhạc kém chất lượng và vô bổ không mang tính nghệ thuật mà chỉ là sản phẩm của sức ép tài trợ. Các bộ phận làm VHNT cần có một đội ngũ biên tập viên có trình độ lý luận âm nhạc, tư tưởng vững vàng, tay nghề cao, thái độ âm nhạc nghiêm túc chứ không phải là những công nhân thực thi công việc đơn thuần. Nếu chúng ta không vững vàng trên mặt trận này, thì đến lúc những bài hát được sinh ra trong cuộc sống chiến đấu hào hùng của dân tộc sẽ bị mai một, mất tầm ảnh hưởng giáo dục và trong 20 - 30 năm nữa sẽ bị con em chúng ta quên lãng. Như thế là chúng ta mất đi một thế hệ thưởng thức âm nhạc có quyền biết và nâng niu những chân giá trị đích thực của nền âm nhạc dân tộc. Chúng ta sẽ có một thế hệ chỉ biết đến món ăn âm nhạc rẻ tiền, hướng ngoại, lai căng. Còn về phê bình âm nhạc trên báo hiện nay là rất bát nháo, hầu hết là của các nhà báo có hiểu biết và gắn bó với âm nhạc nhưng không hề được đào tạo về lý luận. Trong khi đó, những nhà lý luận được đào tạo hẳn hoi, có bằng cấp, lại bỡ ngỡ với đời sống, mang tính chất hàn lâm, sách vở và trở thành những nhà lý luận ngơ ngác đứng ngoài cuộc.

- Cuối cùng thì ý tưởng "tác chiến nhanh như 113" của anh có được tán đồng và theo anh có khả thi hay không?

- Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tính cập nhật của công tác lý luận, phê bình. Sao cho bằng uy tín của mình, những chuyên gia trong hội đồng có một hiệu lực đáng kể, đóng góp cho việc lập lại kỷ cương cho thị trường VHNT, tạo dựng được lòng tin cho những người làm nghệ thuật chân chính. Theo cá nhân tôi, nếu làm được điều này thì lý luận sẽ bớt khô cứng mà gần thực tiễn hơn, đồng thời có tác động đến đời sống nhanh hơn, hiệu quả hơn.

(Theo TT&VH)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đan Trường với liveshow ''Trái tim bình yên'' (19/07/2003)
Xuất bản sách ''Nhà mồ Tây Nguyên'' bằng ba thứ tiếng (19/07/2003)
Jackson Five và kế hoạch tái hợp (19/07/2003)
''Người hàng binh sẽ không đơn thuần là phim cúng cụ" (19/07/2003)
Nhật Nam Plaza giới thiệu thời trang ''Mùa hè xanh'' (19/07/2003)
Vinh quang gia tộc - Nghệ thuật hay chỉ để kiếm tiền? (19/07/2003)
Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc 2003  (18/07/2003)
Bono nhận học vị Tiến sĩ vì tích cực hoạt động nhân đạo (18/07/2003)
Minh Vượng vào vai hồn ma đang yêu (18/07/2003)
''Tiếng Việt đã chuyển dịch được tất cả kiệt tác bên ngoài'' (18/07/2003)
NXB Văn hoá Dân tộc có cố ý vi phạm bản quyền? (18/07/2003)
Angelina Jolie: "Cuộc sống của tôi đã thay đổi" (18/07/2003)
Danh hài Mạc Can: ''Cuộc sống đã thôi thúc tôi'' (18/07/2003)
''Cửa'' nào cho Gái nhảy 2? (18/07/2003)
Carlos Santana tặng 2 triệu USD cho một tổ chức chống AIDS ở Nam Phi (18/07/2003)
Tro ve dau trang