|
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. |
Kịch bản phim Người hàng binh của Nguyễn Thị Hồng Ngát - lấy chất liệu từ truyện ngắn Những con đường của nhà văn, thiếu tướng Chu Phác vừa được Hãng phim truyện Việt Nam giao cho đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Bộ phim dự kiến khởi quay vào tháng 9 năm nay để kịp ra mắt nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Báo chí vừa có cuộc trò chuyện với đạo diễn Đỗ Minh Tuấn xung quanh bộ phim sắp thực hiện này.
- Ngay sau "Vua bãi rác" anh đã chuẩn bị ý tưởng cho bộ phim "Đồi ngựa trắng"- kịch bản Nguyễn Quang Thiều, giờ lại "ngoặt" sang phim về đề tài lịch sử ''Người hàng binh"?
- Đúng là tôi đang ấp ủ làm một bộ phim nghệ thuật về đề tài chiến tranh là Đồi ngựa trắng, với ý đồ sẽ đưa vào phim những hình tượng lạ nhất trong mấy tập thơ của Nguyễn Quang Thiều. Nhưng Cục Điện ảnh và Hãng đề nghị tôi làm trước bộ phim về Điện Biên Phủ để kịp chiếu trong dịp kỷ niệm sang năm. Khi anh Nguyễn Văn Nam- Giám đốc Hãng giao cho tôi kịch bản này, tôi rất băn khoăn có nên nhận hay không. Tình thơ với Nguyễn Quang Thiều đã nặng, song tình đời với thế hệ cha mẹ mình còn nặng hơn. Thật khó thoái thác khi được ngành tin tưởng giao làm phim "cúng cụ"; hơn nữa, đây là dịp trả món nợ lòng với thế hệ cha anh. Nhưng làm thế nào cho hay? Sau một tuần suy nghĩ, tôi quyết định nhận lời. Từ lúc đó, cảm hứng sáng tạo dâng lên khiến tôi rất thích thú lao vào làm phim mới.
- Anh có thể tiết lộ một số ý tưởng chính sẽ thể hiện trong bộ phim?
- Tôi nghĩ hai dân tộc Việt - Pháp cùng thuộc hệ văn hoá ký ức, coi trọng những nền tảng ký ức cộng đồng. Vì thế, trước tiên, tôi muốn thể hiện trong bộ phim này những nét văn hoá chung ấy của người thắng trận và người thua trận. Bên cạnh đó, tôi muốn cắt nghĩa sức sống đặc biệt của người Việt Nam qua chiến dịch Điện Biên Phủ, để người xem thấy được bản lĩnh dân tộc trong chiều sâu chiến thắng vĩ đại này, gợi cho người xem trách nhiệm phát triển, gìn giữ sức sống ấy, đó là tham vọng của chúng tôi khi làm phim về Điện Biên Phủ.
- Cách tiếp cận của anh về Điện Biên Phủ - đề tài vốn quen thuộc của nhiều môn nghệ thuật ở ta có gì mới?
- Thứ nhất, các phim về lịch sử xưa nay thường thể hiện cái nhìn từ một phía mà chưa thể hiện được quan hệ giữa kẻ thắng- người thua từ góc nhìn nhân văn. Thứ hai, các sự kiện lịch sử thường được tái hiện thuần tuý như những sự kiện quá khứ, chưa được đặt vào toạ độ của những vấn đề hôm nay. Những người đã tham gia chiến dịch lịch sử, cả người thắng lẫn người thua, họ sống với nhau như thế nào và tiếp tục tinh thần Điện Biên trong thời đổi mới ra sao và tinh thần Điện Biên Phủ thể hiện ở lớp người trẻ có gì khác biệt?
- Nhưng nghe nói trong kịch bản "Người hàng binh" mới chỉ có phần quá khứ của các nhân vật?
-Tôi đã thống nhất với chị Ngát để kịch bản có cả phần hiện tại. Một trong những nhân vật chính là Bécna - người tù binh Pháp đã có cái nhìn trân trọng, thậm chí rất tự hào vì là chứng nhân sự kiện Điện Biên. Sau chiến tranh, Becna trở thành một học giả nghiên cứu về Điện Biên Phủ và quảng bá tinh thần Điện Biên mạnh mẽ trong người Pháp và cộng đồng quốc tế. Rồi ông trở lại Việt Nam với tư cách một học giả dự hội nghị khoa học về Việt Nam, gặp lại những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từng quen biết trong chiến dịch năm xưa. Những người Việt Nam đã làm nên Điện Biên Phủ cũng vẫn giữ tinh thần Điện Biên trong những buồn vui của đời sống đương đại. Và lớp trẻ thể hiện tình yêu và niềm tự hào với Điện Biên Phủ theo những cách khác nhau. Tôi muốn kết phim bằng cảnh bài hát Hò kéo pháo vang lên trên sân khấu của Nhà hát quốc gia - Opera De Nation ở Paris trong tác phẩm tốt nghiệp do cô cháu gái của người lính tham gia Điện Biên Phủ năm xưa sang học nghệ thuật ở Pháp dàn dựng. Tác phẩm sẽ do bạn bè cô là những thanh niên Pháp mặc quần áo bộ đội Việt Nam thể hiện, sử dụng dàn hợp xướng và vũ điệu hiện đại rất hoành tráng với sự chúng kiến của hai cựu chiến binh ở hai phía cùng hàng ngàn khán giả Pháp - Việt....
- Bộ phim chắc hẳn được đầu tư kinh phí lớn?
- Sau khi vấn đề khó nhất là giải pháp nghệ thuật đã được giải quyết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là kinh phí. Để thể hiện đúng quy mô của Điện Biên Phủ, phải tái hiện được các hoạt động chiến dịch, dân công, kéo pháo, các chiến hào, đụng độ trên không, dưới mặt đất... Hơn nữa, có cả một mảng quay ở Paris. Đặc biệt nhân vật chính là người nước ngoài nên có thể phải thuê diễn viên chuyên nghiệp. Và để có thể tham dự các LHP quốc tế thì âm thanh phải đạt tiêu chuẩn, hình ảnh phải đẹp... Nếu chờ làm các thủ tục theo kiểu phim đặt hàng thì sợ không kịp. Tiền làm phim chỉ được hơn một tỷ, trong khi mức thấp nhất để làm phim này phải là 5 tỷ. Chúng tôi đang đề nghị Nhà nước tài trợ cho bộ phim từ ngân sách dùng cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên.
- Hiện nay các anh chuẩn bị đến đâu rồi?
- Mặc dù chưa nhận được kinh phí, chúng tôi vẫn xúc tiến các bước công việc. Hiện tôi đang viết lại kịch bản theo hướng đã bàn với chị Ngát, trong tư cách đồng tác giả. Dự kiến cuối tuần này sẽ xong kịch bản. Nhà quay phim Nguyễn Đức Việt và hoạ sĩ Vũ Huy cũng đã "vào cuộc", bàn bạc kịch bản, chọn diễn viên và chọn cảnh. Chúng tôi đang làm việc trong một không khí nghệ thuật đầy cảm hứng.
(Theo TTVH) |