Nhà lý luận Nguyễn Hoàng Đức:
''Tiếng Việt đã chuyển dịch được tất cả kiệt tác bên ngoài''
15:34' 18/07/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hội nhập, bước đầu tiên không thể là gì khác ngoài hội nhập văn hoá. Hội nhập cần phải trừ bỏ trước tiên những rào cản cố hữu do ở trong ''lồng'' quá lâu ngày. Cuộc trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Hoàng Đức dưới đây có thể coi như một bước thử khám phá một số điều có thể là rào cản cho những cuộc băng mình trỗi dậy của một thời đại văn hoá Việt mới. 

Nhà lý luận Nguyễn Hoàng Đức (bên trái).

- Thưa ông, giả sử Việt Nam có người được giải thưởng Nobel Văn học, thì văn phẩm đó đến tay hội đồng bằng thứ chữ viết nào, chữ tiếng Anh, Pháp, chữ Hán...?

- Theo tôi, bất cứ tác phẩm văn học của ngôn ngữ nào mà đã được đề cử giải Nobel thì ngôn ngữ đó đã đạt tầm ''ứng cử viên Nobel''. Trong trường hợp này không chỉ tác phẩm nhờ cậy bệ phóng ngôn ngữ, mà nó còn tôn vinh ngôn ngữ. Tuy nhiên một hoả tiễn đi được ngắn hay dài là tuỳ thuộc bệ phóng. Nếu nền móng không xứng đáng sẽ không đề cử nổi một tác phẩm ''bắn'' đến phạm vi nhân loại. 

Nhiều người ở xứ ta (cũng như xứ khác) lầm tưởng rằng hoả tiễn của mình được bắn đi từ bệ phóng của xứ người. Chẳng hạn ngành hội hoạ, nhiều người trông mong người ngoại quốc đánh giá tranh mình bằng đồng tiền tiêu dùng người ta bỏ trong ví ra để đánh giá giá trị nghệ thuật... chắc chắn đây là ảo tưởng. Một nhà phê bình hội hoạ dày dạn trường đời và trường nghệ thuật nước ngoài nói, nếu các bạn ở xứ sở của mình không dám mạo hiểm bỏ tiền ra mua tranh của nhau (đây là cách đánh giá nghệ thuật đầu tiên nhất và ít nhất) thì làm sao có thể trông đợi những người nước ngoài bỏ một khoản tiền lớn ra để mua một bức tranh mà chính các bạn chưa tin rằng nó đẹp.

Rút cuộc, người Việt nói ''đất nào hoa đấy'' hoặc ''người là hoa của đất''. Chúng ta đừng bao giờ mong đợi một cây lim mọc ở giữa đầm lầy. Khi nào bạn chỉ cho tôi một thế đất vững vàng thì tôi tin ở đó có thể mọc một cây lim.

Triết gia Nit-xơ có nói một câu rất quan trọng - một dân tộc có thiên tài không quan trọng bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó. Người Việt nói ''nước cả cá to'', điều quan trọng nhất của chúng ta hiện nay không phải là có con cá to mà chính là trình độ bạn đọc. Trở lại vấn đề của chúng ta, nếu một tác phẩm tiếng Việt có đầy đủ sức vạm vỡ của một bệ phóng lớn thì tự thân có thể chen vai thích cánh với tất cả những bông hoa lớn nhất của vườn hoa nhân loại. Đó là việc mà chúng ta phải làm.

Rút cục ứng cử viên sẽ xứng đáng bởi những người đề cử. Nếu tiếng Việt chúng ta tự trau dồi hùng mạnh (tự thân chúng ta phải vật lộn đào thải tinh chế lẫn nhau), thì nó buộc mọi người tin tưởng vào tác phẩm đề cử của chúng ta, chứ không cần thông qua ngôn ngữ của người khác. Tiếng mẹ đẻ đã xứng đáng có giá trị tự thân bình đẳng với ngôn ngữ khác.

- Xin lỗi, ngắt lời ông. Ông cho biết cụ thể số phận ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của chúng ta qua ba mẫu tự Hán, Nôm, Latin?

- Có không ít người tự ti về tiếng Việt, bởi vì người ta nghĩ người Việt không có đạo và triết học mà phải nhập cảng từ Trung Quốc, Ấn Độ và Phương Tây. Nhưng tôi tin theo khuynh hướng đánh giá này: Tiếng Việt sau hàng trăm năm phát triển đã có thể chuyển dịch được tất cả các tác phẩm có giá trị nhất của bên ngoài như Kinh Thánh, Kinh Phật, Kinh Coran, các tác phẩm triết học cổ Hy Lạp, các tác phẩm văn học của những đại văn hào thế giới... Nên tôi tin những người chú mục đào sâu khai thác làm giàu để có thể sánh vai với các ngôn ngữ khác của thế giới.

- Vậy tiếng Việt của chúng ta sẽ giàu có thêm và lớn lên bằng dịch thuật?

- Tiếng Việt sẽ lớn lên bằng chính chúng ta - những cây bút của mọi ngành nghề. Tiếng nào cũng có khó khăn của nó, chẳng hạn tiếng Hán có lịch sử lâu đời, nhưng các văn nhân Trung Quốc kêu gọi Latin hoá mà vẫn chưa được. Trái lại tiếng Việt lại có được thế mạnh đó.

- So văn học Việt Nam trên trường quốc tế, có người kiêu hãnh tự hào, có người tự ti tuyệt vọng, theo ông thì thế nào?

- Việc này theo tôi quá giản dị. Chúng ta hãy căn cứ vào đánh giá của Hội liên hiệp VH-NT VN (rằng chúng ta chưa có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại, chỉ có tác phẩm bé và vừa). Chưa cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sang Trung Quốc, những nhà văn của chúng ta bao giờ mới tới được tầm Lỗ Tấn, Trương Hiền Lượng, Cao Hành Kiện... Còn nhà thơ liệu có ai trong chúng ta chân đứng vững trước chân dung của Tagore... 

Theo tôi tự tôn hão cũng xấu, nó làm cho con người cụt đường tiến lên. Tự ti không sở cứ cũng kém vì nó rụt đầu rụt cổ không dám nhìn ra chân trời của hoài bão. Cái chính là nhà văn của chúng ta học tập cùng hiện thực, làm việc cùng hiện thực và sáng tạo cùng hiện thực. Hãy sống thực tại về mình trong tác phẩm của mình về thực tại.

- Thú thật, xin lỗi ông! Tôi chưa thoả mãn về nội dung trao đổi của ông. Nhưng nếu ông có thịnh tình trao đổi tiếp, xin ông cố đợi dư luận, sau khi ấn hành bài báo này.

- Thứ nhất, ông không thoả mãn về cái gì, tôi nói đến tính quan điểm chứ không phải tính tâm lý? Thứ hai, tôi đang đối thoại với chính bản thân ông chứ không phải tiếng lòng bạn đọc. Thứ ba, người đời nói ''án tại hồ sơ'', theo tôi những gì tôi đã trả lời ông là thích đáng với những gì ông hỏi, không một chút quanh co.

- Thưa ông, ước gì tôi có phép lạ, để ông chính thực là một thành viên của Hội đồng Nobel. Cuộc trao đổi này của chúng ta đã muộn mằn và lạc lõng khi những giá trị sáng tạo của thế giới đã tràn ngập trong mọi nẻo đời sống của dân tộc chúng ta. Xin cảm ơn ông!

  • Lương Tử Đức (thực hiện)

 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
NXB Văn hoá Dân tộc có cố ý vi phạm bản quyền? (18/07/2003)
Angelina Jolie: "Cuộc sống của tôi đã thay đổi" (18/07/2003)
Danh hài Mạc Can: ''Cuộc sống đã thôi thúc tôi'' (18/07/2003)
''Cửa'' nào cho Gái nhảy 2? (18/07/2003)
Carlos Santana tặng 2 triệu USD cho một tổ chức chống AIDS ở Nam Phi (18/07/2003)
Shania Twain: "Biểu diễn trước đám đông là điều thú vị nhất của đời ca sĩ" (17/07/2003)
Lần đầu tiên khôi phục lễ tế Đàn Nam Giao (03/11/2003)
6 mẫu tượng đài Lý Thái Tổ được chọn thi bước 2 (17/07/2003)
VH1 công bố danh sách 200 thần tượng văn hoá lớn nhất (17/07/2003)
CD Cảm thu và những làn điệu dân gian chọn lọc (17/07/2003)
Hội thảo quyền tác giả sân khấu: Kết thúc nhanh không ngờ (17/07/2003)
Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu bảo tồn sinh quyển thế giới (17/07/2003)
Triển lãm ảnh Visions 1, cách chụp ảnh mới về Thời trang (17/07/2003)
"Niềm hy vọng" - triển lãm từ thiện vì trẻ em khuyết tật (16/07/2003)
Ca sĩ Quỳnh Hương chuẩn bị ra album đầu tay (16/07/2003)
Tro ve dau trang