(VietNamNet) - Như chúng tôi đã đưa tin từ vài hôm trước, Hội thảo về quyền tác giả sân khấu đã khai mạc vào sáng ngày hôm qua (16/7). Cái bất ngờ nhất của cuộc hội thảo qui mô quốc gia này là không một đạo diễn nào lên đọc tham luận hoặc có mặt (?).
|
Hề chèo |
Ngoài các vị quan chức lãnh đạo Bộ VH-TT, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Bản quyền tác giả và Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, còn đa số là các tác giả kịch bản, một số vị làm công tác quản lý các đơn vị nghệ thuật, hoặc cơ quan truyền thông có sử dụng loại hình sân khấu, cùng thấp thoáng dăm ba vị là nhạc sĩ, hoạ sĩ... làm sân khấu.
Cái kết luận, có lẽ là quan trọng nhất, mà hội thảo rút ra là Quyền tác giả trong lĩnh vực sân khấu là một vấn đề vô cùng phức tạp. Bởi nghệ thuật sân khấu có tính chất đặc thù là tổng hợp. Nếu có cái gọi là quyền tác giả sân khấu, thì quyền đó bao trùm từ tác giả kịch bản văn hoc, tác giả chuyển thể (với các loại hình kịch hát dân tộc), đạo diễn, diễn viên cho đến nhạc sĩ, biên đạo múa, hoạ sĩ thiết kế sân khấu, ánh sáng, hoá trang... thậm chí cả các đơn vị nghệ thuật cũng có cái quyền này.
Nhiều đại biểu cho rằng, ngay như loại hình âm nhạc, mỗi nhạc sĩ gắn với một tác phẩm, nếu hơn nữa, hoạ chăng, chỉ có thêm một nhà thơ (tác giả lời) mà vấn đề khi thực hiện bản quyền còn phức tạp đến thế, thì lĩnh vực sân khấu còn đau đầu đến đâu...
Chính vì thế cuộc hội thảo có vẻ như đã đi chệch trọng tâm nhiệm vụ dự kiến, và kết thúc nhanh đến không ngờ.
Đầu tiên phải kể đến tham luận đầy những than thở của các tác giả kịch bản. Họ ''tố cáo'' trong sự ngậm ngùi rằng, nhuận bút bị bớt xén, trả một cách tuỳ tiện không theo một kiểu gì cả. Tác giả Nguyễn Anh Biên còn tố cáo, văn bản vở kịch của ông đem cho một đoàn ngoại tỉnh xem trước, sau bị ai đó ăn cắp đổi tên đổi tít đem diễn trên đài. Tác giả kịch bản N.Đ.C, trong bài phát biểu của mình, đã gia nhập vào một đội ngũ ngày càng đông đảo những người dùng sai từ ''cứu cánh''. Nói chung các tác giả kịch bản còn nặng về kêu ca, mà chưa cùng những cơ quan quản lí ngồi bàn những vấn đề cụ thể nhằm xác lập vấn đề bản quyền và thực thi quyền đó.
Đáng buồn nhất là sự vắng mặt của giới đạo diễn. Trong số những bản tham luận in trong tập kỉ yếu hội thảo, có bài của Đạo diễn Xuân Huyền đọc rất tâm huyết, nhưng ông cũng không có mặt để đọc tham luận này. Mà trong cách làm việc xưa nay của nghề sân khấu, đạo diễn thường là người nắm nguồn kinh phí dựng vở, chi trả cho cả tác giả kịch bản, diễn viên, hoạ sĩ, nhạc sĩ. Ngay Đài Truyền hình VN, một cơ quan thông tấn sử dụng rất nhiều loại hình sân khấu, cũng không có tham luận gì.
Cách trình bày vấn đề của ông trưởng đoàn Kịch quân đội lại lạc đề nặng. Ông cho rằng chỉ cần có thiện chí với nhau là tác giả kịch bản và đơn vị nghệ thuật thoả thuận được hết, từ việc nhuận bút cho đến việc sửa chữa nguyên tác theo ý người dựng. Ông quên mất cuộc hội thảo này là nhằm xác lập những quan niệm và cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước thực thi trên tinh thần pháp luật. Cái cách nghĩ xuê xoa của người Việt như thế là khó chấp nhận được trước tình hình đất nước đang trong quá trình hội nhập.
Một vấn đề lớn như bản quyền tác giả sân khấu mà hội thảo lại thiếu vắng quá nhiều thành phần quan trọng, thời gian chỉ dành để đọc tham luận, không có tranh luận, và nhiều cái lạc đề như thế thì không thể đưa ra được điều gì cụ thể.
Nó đành phải rút ngắn, như thế cũng tiết kiệm được một chút tiền của của Nhà nước.
|