(VietNamNet) - Công chúng yêu mỹ thuật thủ đô sẽ được thưởng ngoạn kho ''tư liệu của các hoạ sĩ'' đầy bất ngờ qua cuộc Triển lãm hình hoạ (dessin) khai mạc chiều nay (15/7) tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
|
Thái Thị Sâm qua nét vẽ Hoàng Lập Ngôn. |
Đây là hoạt động của Chi hội mĩ thuật Hà Nội năm nay, giới thiệu thể loại hình hoạ. Với 80 tranh giấy, hội đủ các chất liệu mực nho, bút chì, bút dạ, bút sắt, các tác phẩm diễn tả chủ yếu bằng nét cái đẹp của đối tượng được miêu tả, từ chân dung con người đến cảnh vật thiên nhiên, từ những vật thể trong cuộc sống đến những suy tư cảm xúc của con người.
Những tác phẩm hình hoạ thường nằm trong kho tư liệu của các hoạ sĩ. Chúng là những bức kí hoạ, vẽ phác... thường được các hoạ sĩ vẽ nhanh, ngay tại chỗ, và đầy ngẫu hứng, để phục vụ việc sáng tác tác phẩm sau đó.
Chính vì thế, có thể nó chưa hoàn chỉnh về bố cục, ý tưởng... nhưng bù lại nó thấm đẫm cảm xúc của cá nhân hoạ sĩ trước con người, cảnh vật, đời sống. Nhiều khi các tác phẩm hình hoạ khiến người xem xúc động hơn tác phẩm chính thức đầy chất hàn lâm, được sáng tác dựa theo sau đó. Với những nét bút khoáng hoạt, bậc thầy, tính cách con người, và còn cả tính cách của đồ vật hay cảnh sắc thiên nhiên nữa, hiện lên một cách trực tiếp, tác động đến tình cảm người xem.
Dạo nhanh qua trước giờ khai mạc, chúng ta thấy một Trần Thị Doanh với Mẹ và con, đường nét mộc mạc, xù xì, diễn tả có hồn vẻ đẹp người mẹ như thân cây trong rừng, nâng đỡ sự sống nhỏ nhoi trên lưng. Hoặc như Chân dung bà Bế (chì than), có đường nét chắt lọc, hình thành nên cái dữ dội của thời gian, của vô thức con người, và được tỏ lộ qua những linh cảm của hoạ sĩ.
Một Đỗ Đức phảng phất nét thuỷ mặc trong Đôi bạn, và Dân quân. Hoạ sĩ là người sống nhiều năm ở vùng cao phía Bắc, anh hiểu đồng bào dân tộc, bao giờ họ cũng sống có cộng đồng. Bởi vậy trong hai bức tranh này, anh chú ý đến bố cục, tả được cái xoắn quện giữa đồng loại.
|
Bùi Xuân Phái qua nét vẽ của Hoàng Lập Ngôn |
Cạnh đó là Đỗ Mạnh Cường với Cô gái và con mèo. Tác phẩm được chia mảng miếng bằng những nét căng theo hướng lập thể, gắng hình dung một đời sống trong không gian ba chiều qua những mảng miếng của không gian hai chiều. Và sức mạnh nghệ thuật thể hiện chính ở cảm giác trong sáng khi ta nhìn vào một cảnh sinh hoạt bình thường đến thế.
Sư ở Viên Chăn của Hoàng Đình Tài, với vài nét chì rất hoạt, đã tả được nét hồn nhiên như trẻ nhỏ trên gương mặt, dáng vẻ của những người tu hành. Đây là một tác phẩm đẹp, nhà nghề. Người mẫu của Phạm Đức Phong kết hợp được cái đẹp của hình thể cộng với những suy tư hoài niệm của chính cá nhân hoạ sĩ.
Ở thể loại hình hoạ, những tác phẩm nude thường bao giờ cũng là đẹp nhất, tất nhiên là phải được hình thành dưới một bàn tay có tài và một tâm hồn tinh tế, nhiều hoài niệm. Đặc biệt, triển lãm còn có một bức Khoả thân của danh hoạ Nguyễn Sáng vẽ từ những năm 1965.
Vẽ nhau luôn là một truyền thống của giới hội hoạ. Lần này có Kim Bạch vẽ danh hoạ Nguyễn Gia Trí, Văn Đa vẽ Bùi Xuân Phái. Những bức vẽ như thế nhiều khi là cả một câu chuyện đầy cảm động và văn hoá, giúp hình dung một thời mà những bậc danh hoạ này sống cho nhau, cùng nhau dâng hiến đến mức cực đoan cho nghệ thuật.
Và những đường nét lãng mạn, bay bổng hay khắc nghiệt đầy chất nổ, đầy dự cảm, không chỉ gây bất ngờ cho người thưởng ngoạn, nó còn giúp người xem nhìn sâu hơn vào con người cá nhân đầy bí ẩn các hoạ sĩ. Cái nhìn đó có thể giúp tìm hiểu những qui luật của sáng tạo, và cũng có thể hình thành nên những đồng cảm giữa con người với con người...
|