Trần Hoàng Sơn: "Từ sơn mài, nghệ thuật Việt Nam được quan tâm"
12:28' 12/07/2003 (GMT+7)

Cùng với cuộc triển lãm tranh sơn mài Việt Nam được tổ chức tại Bảo tàng trung tâm của thành phố Umea (Thụy Điển) vào tháng 5-6 theo chương trình trao đổi nghệ thuật giữa Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Trường Nghệ thuật Umea, hai giảng viên Việt Nam đã được mời sang Thụy Điển hướng dẫn kỹ thuật sơn mài truyền thống trong 2 tháng. Đây là lần đầu tiên sơn mài Việt Nam được giảng dạy ở nước ngoài. Trần Hoàng Sơn, một trong hai giảng viên nói trên đã có cuộc trao đổi với phóng viên về chuyến đi này.

- Các anh có gặp trắc trở gì khi lần đầu xuất ngoại dạy sơn mài?

- Thì các cụ nhà ta vẫn nói "vạn sự khởi đầu nan". Ban đầu chúng tôi tưởng chừng không thể thực hiện được do sơn ủ không khô. Nhưng sau đó thì mọi việc lại rất thuận lợi. Tuy thời tiết Thụy Điển có hanh khô một chút, nhưng không sinh viên Thụy Điển nào của chúng tôi bị "sơn ăn" cả. Họ học sơn mài rất say sưa. Và không chỉ có sinh viên, trong lớp học của chúng tôi còn có hai giảng viên của trường Umea, chưa kể đến nhiều giáo sư nghệ thuật thường xuyên đến tham quan.

Để giúp họ có thể hiểu sâu hơn, chúng tôi có mang theo những tài liệu giới thiệu về nghề sơn mài truyền thống từ chất liệu, như sơn ta ở các đình chùa, tượng Phật, cho đến quy trình làm vóc và làm tranh sơn mài hiện đại; cũng như một VCD tranh của các họa sĩ Đông Dương. Mặc dầu thời gian giảng dạy rất ngắn, nhưng lớp học này thu được kết quả khá tốt, và không ít các sinh viên đã vẽ được những tác phẩm đầu tiên...

- Nhưng liệu việc truyền bá sơn mài ra nước ngoài như vậy có làm anh lo rằng một lúc nào đó ta sẽ mất đi một ngôn ngữ riêng, có thể coi là chất liệu truyền thống đặc trưng cho nghệ thuật Việt Nam?

- Tôi nghĩ rằng truyền thống là cái khó có thể mất bởi, có được truyền thống cũng đâu có dễ. Cái cảm nhận nghệ thuật cũng như chất liệu chứa đựng tâm hồn riêng mỗi người và mỗi dân tộc. Tuy chúng tôi có truyền đạt cho họ những kỹ thuật sơn mài nhưng cách cảm nhận của họ đối với chất liệu này rất khác. Hơn nữa sơn ta cũng khó có thể công nghiệp hóa như sơn dầu mà đưa vào sản xuất hàng loạt. Nhưng có lẽ cũng đến lúc nó phải mang tính toàn cầu vì đó là xu hướng chung của thế giới.

- Vậy ngoài công việc dạy sơn mài, anh có thu nhận được gì từ chuyến đi này.

- Cách học của trường nghệ thuật này cũng rất khác, hoàn toàn tự do. Chỉ năm đầu sinh viên được học các môn cơ bản, nhưng đến những năm sau đó thì họ học theo cách đăng ký những lĩnh vực mình quan tâm. Các giáo sư ở đây chỉ có vai trò là người hướng dẫn kỹ thuật giúp và khuyến khích sinh viên thực hiện các ý tưởng của mình. Do thế một trường mỹ thuật lớn như vậy chỉ có 15 giáo sư chính thức, còn phần lớn được mời từ các nơi khác, hoặc các nước khác. Sinh viên mỗi năm có hai tuần đi thực tập ở nước ngoài, hoặc tham gia các hội thảo, trại sáng tác liên kết với các nước để tạo cho họ nhiều cơ hội mở rộng tầm nhìn. Cách học này khác xa với các trường mỹ thuật ở Việt Nam. Đây cũng là một phương thức giáo dục nghệ thuật rất phổ quát hiện nay.

- Theo anh liệu điều này ta nên học?

- Có lẽ vậy bởi cái thú vị nhất của cách học này là ngay từ năm thứ hai, sinh viên thường xuyên được tổ chức các triển lãm tại trường do nhà nước hoặc các tổ chức khác nhau tài trợ. Triển lãm là báo cáo về công việc học tập của mỗi người, nhưng cũng có nghĩa là một sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, họ có thể trở thành một nghệ sĩ thực thụ, tức không chỉ biết vẽ mà còn biết những cách thức để tổ chức triển lãm, xin tài trợ... và tính độc lập của họ rất cao, kể cả trong ý thức tổ chức không gian triển lãm. Điều này khác hoàn toàn với các sinh viên Việt Nam, ra trường rồi nhưng phần lớn còn rất thụ động để tiếp cận hay công bố tác phẩm.

- Chương trình của các anh sẽ còn tiếp tục chứ?

- Sau khi chúng tôi về, họ vẫn còn tiếp tục làm, và trường Umea có dự định sẽ triển lãm toàn bộ những bài tập sơn mài trong tháng 7 này. Tháng 11 tới trường Umea sẽ đưa bốn sinh viên sang Việt Nam để học thêm khóa kỹ thuật sơn mài nâng cao. Và có thể trường chúng tôi sẽ có những hoạt động giao lưu khác, không chỉ là dạy sơn mài mà còn là điêu khắc, hình họa... Phải nói từ sơn mài, nghệ thuật Việt Nam đã được họ thực sự quan tâm.

- Cảm ơn anh.

(Theo TT & VH)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thành lập 3 hội đồng tư vấn và thẩm định nghệ thuật (12/07/2003)
Ra mắt cuốn hồi ký về huyền thoại màn bạc Katharine Hepburn (12/07/2003)
Bán phim ra nước ngoài - con đường nhọc nhằn và khó khăn (12/07/2003)
"Chiến dịch" làm trong sạch làng ca sĩ: Hiệu quả đến đâu? (12/07/2003)
Hàng loạt lễ hội tại Pháp bị hoãn vì biểu tình (11/07/2003)
Nghệ sĩ guitar Văn Vượng chuẩn bị ra CD đầu tiên (11/07/2003)
Ashanti chiếm ngôi Beyonce Knowles bằng "Chapter II" (11/07/2003)
Sẽ làm phim tài liệu nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ (11/07/2003)
Công diễn ballet về Harry Potter (11/07/2003)
Quỳnh Trang kể ''chuyện cổ tích'' tại St. Peterburg (11/07/2003)
Chụp ảnh khoả thân không phải là cách duy nhất để nổi tiếng (10/07/2003)
Triển lãm "Việt Nam - Quá khứ và Hiện tại" tại Áo và Bỉ (10/07/2003)
Người giới thiệu thơ tại Mỹ bắt buộc phải hài hước (10/07/2003)
''Vũ Như Tô'' lên Nhà hát truyền hình (10/07/2003)
Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển (10/07/2003)
Tro ve dau trang