Bán phim ra nước ngoài - con đường nhọc nhằn và khó khăn
09:24' 12/07/2003 (GMT+7)
Một cảnh trong phim Thung lũng hoang vắng.

Lâu nay việc phát hành phim Việt Nam ra nước ngoài vẫn chưa được coi trọng. Thậm chí nó còn được xác định là việc làm thêm như người đi câu, được thì tốt, không được thì thôi. Công việc từ khi bắt đầu đến lúc  đối tác nước ngoài mua chính thức một bộ phim không đơn giản, nó nhọc nhằn và khó khăn ngay cả với những người lạc quan.

Thực tế cũng đã có một số bộ phim Việt Nam được đối tác nước ngoài (Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc...) mua để phát hành trên hệ thống các rạp chiếu bóng hoặc phát sóng truyền hình như Thương nhớ đồng quê, Chìa khoá vàng, Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Đời cát, Thung lũng hoang vắng... nhưng số phim này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.  Và tất nhiên việc mua bán cũng được diễn ra với nhiều hình thức, chủ yếu với hai loại: mua chính thức và mua danh nghĩa.

Mua chính thức là khi phía nước bạn đồng ý mua phim có vốn đầu tư 100% của Việt Nam với giá rẻ, chủ yếu để phát sóng truyền hình. Phim Việt Nam được mua theo hình thức này thường bị ép giá do những nhà phát hành phim nước ngoài lấy cớ thương hiệu của phim Việt Nam còn rất yếu trên thị trường phim quốc tế, nội dung phần lớn đều liên quan đến mảng chiến tranh hoặc hậu chiến, bối cảnh phim sơ sài, cách quay không mới lạ, hấp dẫn, khó thu hút được quảng cáo; phía Việt Nam không có các chiến dịch lăng xê phim, băng phim chào hàng của Việt Nam chỉ có tiếng Việt, không được lồng tiếng hoặc không có phụ đề tiếng Anh hoặc tiếng nước họ, gây khó khăn và mất thời gian đối với người duyệt phim. Có những phim chỉ bán được 2.000, 3.000 USD một băng Betacam với thời gian phát sóng 2-3 năm, nhưng còn hơn là để nằm mốc trong kho.

Mua danh nghĩa chỉ là phía nước bạn nhận phát hành ở nước ngoài những phim Việt Nam do chính họ có góp vốn đầu tư trong quá trình sản xuất phim (chủ yếu là đầu tư làm lại hậu kỳ), ví dụ bộ phim Thung lũng hoang vắng (đạo diễn Nhuệ Giang, được phía Hàn Quốc đầu tư làm hậu kỳ và nhận phát hành tại Hàn Quốc). Đối với loại mua này thì khỏi phải bàn, vì nhà đầu tư nước ngoài với đầu óc khôn ngoan không bao giờ chịu cho không ai cái gì. Dẫu phim Việt Nam có phát hành chạy ở nước họ đi chăng nữa thì phía Việt Nam cũng khó lòng nhận được đồng nào, hoặc nếu có cũng chỉ là một số rất ít cho có hình thức, không đáng kể.

Gần đây, một số đạo diễn Việt Nam sau khi đi tham dự một số liên hoan phim quốc tế trở về thường khoe rằng phim của mình đã được hãng phát hành nước này nước nọ hỏi mua, tuy nhiên họ không hề biết rằng việc bán phim đâu phải dễ. Nhiều khi do tiếng nước ngoài bập bõm, nghe phía bạn nói, đề nghị được xem phim hoặc hỏi mình có nhu cầu phát hành phim Việt Nam ở nước ngoài không, các đạo diễn nhà ta lại tưởng rằng họ đang đề nghị mua phim của mình.

Thế mới có chuyện bộ phim nhựa mới Của rơi của đạo diễn Vương Đức sau khi đi dự Liên hoan phim Trebica (New York) về được loan tin đang xúc tiến làm thủ tục bán cho hai hãng phát hành phim quốc tế (một của Mỹ và một của Đức), trong khi trên thực tế hai hãng phim này mới chỉ giao dịch với Hãng phim truyện Việt Nam, đề nghị gửi băng VHS bộ phim này cho họ để xem thử. Hiện nay Hãng đã gửi băng đi nhưng chưa có câu trả lời từ phía bạn. Lại bởi một lý do rất đơn giản: bán phim Việt Nam ra nước ngoài không hề dễ dàng!

(Theo Tuổi Trẻ) 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Chiến dịch" làm trong sạch làng ca sĩ: Hiệu quả đến đâu? (12/07/2003)
Hàng loạt lễ hội tại Pháp bị hoãn vì biểu tình (11/07/2003)
Nghệ sĩ guitar Văn Vượng chuẩn bị ra CD đầu tiên (11/07/2003)
Ashanti chiếm ngôi Beyonce Knowles bằng "Chapter II" (11/07/2003)
Sẽ làm phim tài liệu nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ (11/07/2003)
Công diễn ballet về Harry Potter (11/07/2003)
Quỳnh Trang kể ''chuyện cổ tích'' tại St. Peterburg (11/07/2003)
Chụp ảnh khoả thân không phải là cách duy nhất để nổi tiếng (10/07/2003)
Triển lãm "Việt Nam - Quá khứ và Hiện tại" tại Áo và Bỉ (10/07/2003)
Người giới thiệu thơ tại Mỹ bắt buộc phải hài hước (10/07/2003)
''Vũ Như Tô'' lên Nhà hát truyền hình (10/07/2003)
Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển (10/07/2003)
1 triệu bản "Living History" đã bán hết trong vòng 1 tháng (03/11/2003)
"Hương bồ kết" - Chút hương mát lành gửi về Đồng Lộc (10/07/2003)
Beyonce dẫn chương trình dành cho Nelson Mandela trên MTV (10/07/2003)
Tro ve dau trang